Người ta cho rằng, các cách thức giao tiếp qua mạng Internet khiến con người có cơ hội nói dối nhiều hơn. Thực tế có phải như vậy?
Năm 1996, nhà tâm lí học Bella M.DePaulo của Trường Đại học Virginia đã đưa ra một nghiên cứu về hành vi nói dối của con người. DePaulo đã yêu cầu tất cả cá nhân tham gia nghiên cứu theo dõi nhật kí hàng ngày, ghi lại những người họ gặp, những câu chuyện họ nói, dù là nói thật hay nói dối, thậm chí cả những mối giao tiếp ngẫu nhiên nhất.
Kết quả là, tất cả mọi người đều nói dối với mức độ trung bình là 2 lần một ngày.
Tất nhiên, từ thời có nghiên cứu của DePaulo đến nay, cách thức giao tiếp hàng ngày của con người đã thay đổi rất nhiều, thông qua các tương tác trực tuyến, trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, LinkedIn và các cổng thông tin điện tử khác.
Nhưng dù giao tiếp bằng cách nào đi chăng nữa, câu hỏi luôn được mọi người quan tâm đến là: Ai đang nói thật?
Trên Internet, những giao tiếp trực diện (face-to-face), loại giao tiếp có thể đoán được thái độ của người đối thoại thông qua các loại hành vi phi ngôn từ (chẳng hạn như ánh mắt) không còn nữa. Điều đó khiến người ta còn e ngại nhiều hơn để đặt tin tưởng vào những người gặp trên mạng. Một chàng bác sĩ điển trai bạn gặp trên trang OKCupid cũng có thể là kẻ khiến bạn phải sởn tóc gáy. Một người hàng xóm với hàng triệu bạn bè trên Facebook có thể là một người tàn tật. Hay một bản lí lịch hào nhoáng trên LinkedIn hoàn toàn có thể là giả mạo.
“Hầu hết mọi người tin rằng môi trường online khiến cho mọi thứ trở nên bình đẳng, và mọi người sẽ nói dối nhiều hơn so với khi phải đối mặt trực tiếp”, Jeff Hancock, phó giáo sư chuyên về lĩnh vực CNTT và hành vi nói dối của Trường Đại học Cornell University, giải thích. Hancock gọi cái này là hành vi tự khám phá, có nghĩa tín hiệu nhận biết sự dối trá càng ít thì chúng ta càng thiếu tin tưởng một ai đó.
Trong khi đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc chúng ta có thể tạo ra một bản lí lịch hoàn hảo trên mạng xã hội, hay gửi một bức email xin nghỉ ốm trong khi đang nằm dài tận hưởng bờ biển, sẽ không phải là động lực xui khiến người ta nói dối nhiều hơn mức thông thường.
“Nói dối trên mạng và nói dối trực diện đều có động lực từ nhu cầu của con người”, Catalina Toma, trợ giảng viên về truyền thông tại Đại học Wisconsin-Madison chuyên nghiên cứu về hành vi nói dối trên mạng Internet, nói. “Công nghệ đơn giản chỉ can thiệp một phần để tạo điều kiện hoặc làm hạn chế các cơ hội nói dối mà thôi”.
Điều đáng ngạc nhiên là, một nghiên cứu về so sánh hành vi nói dối qua email và trên điện thoại đã chỉ ra rằng, mọi người trung thực hơn khi gửi email, vì chúng được lưu lại dưới dạng văn bản và không phải là không gian giao tiếp thời gian thực nơi người ta có thể dễ dàng buông ra các lời nói dối một cách vô hại.
Công nghệ mạng cũng không phải là cánh cửa mở cho những lời nói dối lúc quá khích. Toma và Hancock đều ngờ rằng, sự thiếu tin tưởng vào công nghệ giao tiếp hiện đại như Internet có thể bắt nguồn từ nỗi e ngại mà thôi.
“Con người tiến hóa thành loài có thể giao tiếp trực diện, và sự tiến hóa này là một quá trình từ từ. Nhưng giờ đây, con người lại đang giao tiếp trong môi trường mới, nơi mà các động thái được cho là đúng bị lược bỏ”, Hancook nói. “Điều đó dẫn đến tâm lí hoàn toàn tự nhiên khi họ nghĩ rằng người ta nói dối nhiều hơn qua Internet”.
Hancock cũng đã nghiên cứu để so sánh hành vi nói dối thông thường (một người Mỹ trung bình nói dối 3 lần mỗi ngày) với hành vi nói dối trên LinkedIn, thì tỉ lệ nói dối này trên Internet thậm chí còn thấp hơn. Bởi việc đưa ra một quan điểm hay sự việc không có thật, chẳng hạn như công việc của bạn ở công ty, rất dễ bị kiểm chứng trong một mạng online rộng lớn nơi có rất nhiều các đồng, vì vậy, việc nói dối ở đây là quá mạo hiểm.
“Bạn cần biết rằng sẽ không có một hành vi đơn lẻ nào cho phép dự đoán việc nói dối, và nhiều người sẽ nói khác nhau. Quan trọng hơn, chúng ta không đủ khả năng để phán xét những hành vi nói dối. Vì thế, nếu một người cố gắng lừa dối bạn, họ cần phải được giúp đỡ để thoát khỏi điều đó”, Hancock kết luận.
Theo PCWorld VN
Bình luận