Theo thông tin từ Tổ công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong ngày 7/4, theo dự đoán mây phóng xạ tại Đông Nam Á sẽ lan dần đến Việt Nam.
Đến cuối ngày 7/4 phần đám mây màu xanh dương (trong bản đồ) có nồng độ hạt nhân phóng xạ cao hơn cỡ 100 lần so với phần mây tím tiến gần đến đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Trong các ngày tới, nếu không có sự thay đổi nhiều về điều kiện khí hậu thì đám mây phóng xạ tới vùng Đông Nam Á có thể có mức độ hạt nhân phóng xạ đo được tăng cao lên khoảng 10 lần. Tuy vậy, nồng độ hạt nhân phóng xạ vẫn thấp hơn mức cho phép hàng chục ngàn lần.
Tại Việt Nam, theo số liệu đo đạc của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là: Be-7 (có nguồn gốc từ tia vũ trụ), K-40, Th-232 và U-238 (có nguồn gốc từ bụi đất); còn ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo I-131 và Cs-137 ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
Tại Nhật Bản, theo nguồn tin từ Diễn đàn Công nghiệp hạt nhân Nhật Bản (JAIF), Cơ quan An toàn hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản (NISA) và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ngày 6/4, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) xác nhận họ đã ngăn chặn được sự rò rỉ nước nhiễm phóng xạ từ máng bêtông sau khi phun hóa chất làm cứng vào máng.
Công ty này cũng đang cân nhắc việc bơm khí nitơ vào bên trong lớp bảo vệ bê tông cốt thép của Tổ máy số 1 để tránh nổ khí hiđro. Tính đến 9 giờ ngày 5/4 giờ Nhật Bản (7 giờ Việt Nam), TEPCO đã xả 2.800 trên tổng số 11.500 tấn nước có nồng độ phóng xạ thấp ra biển.
Theo TTXVN
Bình luận
Vậy phải làm sao?
TTCN có giải pháp nào hướng dẫn dân đen cách phòng tránh không? Tác hại của mấy cái mây này là gì?
Nghe nói hàm lượng hấp hơn mức gây hại hàng ngàn lần, nên không sao.
Tuy nhiên chỉ là nghe nói thôi, chứ thực hư ra sao thì không biết, nếu sống cạnh nhà mấy ông bác học xem mấy ổng làm gì thì mình làm theo
Ừ tăng thì tăng nhưng không sao.