Khi nhắc tới năng lượng gió, người ta thường nghĩ tới các tua bin khổng lồ thu nhận sức gió. Tuy nhiên, các nhà thiết kế công nghiệp ở Trung Quốc đã phát triển một thiết bị có thể thu nhốt gió do tàu hỏa tạo ra khi chúng chạy trên đường ray.
Tạp chí Discovery đưa tin, thiết bị có tên "T-Box" được cài đặt giữa hai làn đường ray tàu hỏa và được chôn một nửa dưới đất để không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của các đoàn tàu. Khi một đoàn tàu chạy qua trên đầu, gió tạo ra sẽ làm quay một tua bin bên trong thiết bị T-Box để phát ra điện.
Các nhà sáng chế Qian Jiang và Alessandro Leonetti Luparini cho hay, 150 thiết bị T-Box có thể được cài đọc dọc 1km đường ray tàu hỏa hoặc tàu điện ngầm để tận dụng nguồn sức gió thải ra.
Một đoàn tàu di chuyển với vận tốc xấp xỉ 201 km/h sẽ tạo ra một vận tốc gió tương đương gần 55 km/h. Thiết bị T-Box sẽ thu nhận sức gió này và tua bin của nó sẽ sản sinh ra khoảng 3.500W điện. Nếu đoàn toàn dài khoảng 200 mét, chạy với tốc độ xấp xỉ 300 km/h qua quãng đường dài 1 km, T-Box sẽ tạo ra gần 2,6 kW điện.
Giới chuyên gia đánh giá, thiết bị T-Box có tiềm năng cung cấp điện cho những khu vực xa xôi, kém phát triển hoặc cho những công trình nằm dọc đường tàu.
Theo các nhà thiết kế, tua bin sử dụng trong T-Box dựa vào các mẫu do hãng Hetronix sản xuất, với các cánh xoay quanh một trục trung tâm bên trong vỏ xylanh của thiết bị. Phần lớn thiết bị có thể được cài cắm dưới mặt đất, chỉ trừ các lỗ thông hơi phải nổi lên trên bề mặt để thu gió vào.
Thiết kế của T-Box đã giành được huy chương bạc giải thưởng Lite-On Awards hồi năm ngoái và đã được trưng bày tại Viện Xue Xue ở Đài Bắc, Đài Loan.
Theo Vietnamnet
Bình luận