Số lượng hồ sơ tham dự giải đông và được chọn lọc kỹ càng qua các hiệp hội trong ngành CNTT-TT là một trong những thông số đảm bảo thành công của Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2010 (VICTA 2010).
Chiều ngày 19/4, Bộ TT&TT đã tổ chức họp báo công bố lễ trao giải thưởng VICTA 2010 tại Hà Nội. Lễ trao giải thưởng năm nay sẽ diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội vào sáng ngày 23/4/2011 và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1.
VICTA 2010 là giải thưởng quốc gia đầu tiên do cơ quan quản lý nhà nước đứng ra tổ chức nhằm tôn vinh những doanh nghiệp xuất sắc nhất hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT và những cơ quan, tổ chức ứng dụng CNTT hiệu quả trong quản lý. Năm nay là năm thứ ba Bộ TT&TT tổ chức giải thưởng này.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, VICTA năm nay sẽ trao 31 giải thưởng cho 36 tổ chức, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong 6 lĩnh vực chính: lĩnh vực viễn thông, lĩnh vực công nghiệp CNTT, lĩnh vực đào tạo nhân lực CNTT-TT, lĩnh vực ứng dụng CNTT, lĩnh vực an toàn thông tin số, giải thưởng dành cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển của CNTT-TT Việt Nam và giải thưởng dành cho các doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam vì sự phát triển cộng đồng.
Trả lời báo chí về chất lượng của giải năm nay, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hội đồng chung khảo giải thưởng VICTA 2010 cho rằng, một trong những điểm ấn tượng của giải thưởng năm nay là đã thu hút số lượng lớn doanh nghiệp và các tổ chức tham gia với hơn 220 hồ sơ hợp lệ, nhiều hơn so với giải năm ngoái (170 hồ sơ hợp lệ). Trong đó, ứng dụng CNTT là lĩnh vực có nhiều cơ quan tham dự nhất, chiếm hơn nửa số hồ sơ (128 hồ sơ), tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp CNTT (40 hồ sơ) và lĩnh vực đào tạo, bảo mật (39 hồ sơ).
Đặc biệt, theo Thứ trưởng, chất lượng các hồ sơ tham gia giải năm nay cũng cải thiện đáng kể nhờ có sự tham gia tích cực của tất cả các hiệp hội trong lĩnh vực CNTT-TT như Hội Tin học Việt Nam, Hội Tin học TP.HCM, Hiệp hội An toàn Thông tin, Hiệp hội Vô tuyến điện tử, Hiệp hội Internet Việt Nam... Ngay sau lễ phát động Giải thưởng, Bộ TT&TT đã làm việc với các hiệp hội trong ngành CNTT-TT để vận động thành viên của các hiệp hội này tham dự giải.
Ở giải năm nay, Viện Tin học Doanh nghiệp (ITB) thuộc Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục phối hợp với Bộ TT&TT trong công tác tổ chức và truyền thông về giải VICTA 2010 đến với cộng đồng doanh nghiệp. ITB đã gửi thư mời tới hơn 3.000 đơn vị, tổ chức và đó là một trong những lý do lĩnh vực ứng dụng năm nay có được sự tham gia rất đông đảo. An toàn thông tin - lĩnh vực mới của giải thưởng năm nay cũng thu hút khá nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho bảo mật. Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam, đơn vị phối hợp tổ chức giải ở lĩnh vực này, đã gửi 400 bộ hồ sơ tới các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng cho rằng, việc Giải thưởng VICTA 2010 thu hút được nhiều cơ quan tham gia cũng là cơ hội thuận lợi để Ban tổ chức thực hiện thay đổi lớn trong công tác chấm giải: nhấn mạnh đến hiệu quả của doanh nghiệp và tổ chức (như lợi nhuận, năng suất lao động, thu nhập của người lao động và nộp ngân sách) chứ không dựa nhiều vào tốc độ tăng trưởng doanh thu như các năm trước.
Trả lời băn khoăn của báo giới về độ tin cậy của việc đánh giá giải thưởng chất lượng trong lĩnh vực di động, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT&TT) và Chủ tịch hội đồng sơ khảo của giải thưởng VICTA 2010 ở lĩnh vực viễn thông, cho biết các hội đồng sơ khảo và chung khảo đã chấm giải dựa trên các tiêu chí đã được công bố công khai. Bên cạnh việc đánh giá thông tin dựa trên nội dung cung cấp của các doanh nghiệp, theo ông Hải, việc đánh giá hồ sơ trao giải còn dựa vào kết quả thẩm định thực tế, kết quả khảo sát chất lượng mạng và ý kiến của các cơ quan quản lý lĩnh vực viễn thông ở các địa phương (các Sở TT&TT).
Ở lĩnh vực mới của giải là an toàn thông tin, ông Bùi Như Uyên, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ TT&TT) và là Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo của giải thưởng ở lĩnh vực này, cho rằng các doanh nghiệp tham gia tranh giải có chất lượng tương đối đồng đều. Tuy nhiên, với việc đưa ra các tiêu chí đánh giá rõ ràng ngay từ đầu cũng như qua công tác thẩm định thực tế, theo ông Uyên, các đơn vị được giải đều là ứng viên xứng đáng nhất.
Sẽ không tổ chức VICTA thường niên
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết sau giải năm nay, Bộ TT&TT sẽ không tổ chức giải thưởng VICTA thường niên mà dự kiến sẽ tổ chức 2-3 năm một lần.
Theo Thứ trưởng, việc giãn thời gian tổ chức giải nhằm giúp cơ quan tổ chức có thêm thời gian đánh giá để giải thưởng phản ánh khách quan và trung thực hoạt động của các tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT.
“Sau 3 năm tổ chức, Bộ TT&TT rút ra được rất nhiều kinh nghiệm, việc tổ chức 3 năm/lần không chỉ tuân thủ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ mà cũng là nhu cầu khách quan, tất yếu vì khi đó chúng ta mới có cơ sở để đánh giá các doanh nghiệp sau cả một quá trình hoạt động”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT mong muốn đưa VICTA trở thành một giải thưởng chính thức, chất lượng trong lĩnh vực CNTT-TT nhằm tôn vinh và thúc đẩy ngành này phát triển đồng thời cũng hạn chế bớt tình trạng “loạn giải thưởng“ trong lĩnh vực này.
Theo ICTnews
Bình luận