“10 năm là quãng đường ngắn nhưng Internet đã mở ra cả một xa lộ hướng tới tương lai về xã hội thông tin cho Việt Nam”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đúc kết trong buổi lễ Kỷ niệm 10 năm Internet tại Việt Nam tổ chức tại TT Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) tối 29/11/2007.
Sau màn múa “Đất nước – Huyền thoại”, hình ảnh đại diện của 5 nhà cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu Việt Nam nắm tay nhau cùng bước lên sân khấu khiến bầu không khí lễ kỷ niệm trở nên đầm ấm, trở thành buổi gặp mặt từng lớp người đã và đang làm việc trong ngành lĩnh vực CNTT – VT nhìn lại chặng đường đưa Internet vào Việt Nam.Chính thức kết nối với thế giới từ 19/11/1997, từ một công nghệ mang đậm chất kỹ thuật chỉ dành cho những người thu nhập cao, cán bộ cao cấp hoặc doanh nghiệp lớn, mạng thông tin toàn cầu Internet đã trở thành dịch vụ phổ thông và thiết yếu, có ảnh hưởng sâu rộng tới thói quen, sinh hoạt, giải trí của một bộ phận người dân Việt Nam như sinh viên, tiểu thương, thậm chí cả những người nông dân khi bước vào sản xuất hàng hóa. Các hoạt động kinh doanh, quản lý nhà nước cũng hòa theo nhịp với môt trường Internet.
“Chúng ta có thể tự hào rằng chất lượng Internet của Việt Nam không hề thua kém trong khi cước truy cập thuộc hàng rẻ nhất so với các nước trong khu vực với đầy đủ các loại hình dịch vụ. 10 năm qua Internet đã trở thành một bộ phận cơ sở hạ tầng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước”, ông Phạm Long Trận, Chủ tịch HĐQT VNPT – một trong những đơn vị đầu tiên tham gia cung cấp kết nối Internet và hiện là nhà cung cấp dịch vụ có thị phần lớn nhất Việt Nam hiện nay, khẳng định trong phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm.
Chủ tịch HĐQT VNPT nói tiếp: “So với 10 năm trước, tốc độ truy cập Internet hiện nay tăng tới 7.500 lần, từ kết nối 2 Mbps đi Mỹ và Úc trước đây mở rộng thành mạng lưới tổng băng thông 10,5 Gbps đi nhiều nước khác nhau. Số người sử dụng lên tới 18 triệu, chiếm 21% dân số cả nước. Việt Nam trở thành một điểm sáng trên bản đồ phát triển Internet trên thế giới”.
Trở lại những ngày đầu “làm Internet”, người mới được bình chọn là “có ảnh hưởng nhất tới Internet Việt Nam” - TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BC-VT (nay là Bộ TT-TT) – đã kể lại những ngày tháng cùng anh em thuyết phục lãnh đạo cho phép mở cánh cửa thông tin với thế giới. “Quả thật là ngay ban đầu, chúng tôi cũng không hài lòng với chỉ đạo của cấp trên. Nhưng rồi cũng phải chấp nhận cái “tạm thời” để rồi làm tiếp chứ cứ đòi hỏi, tranh luận mãi thì Internet không bao giờ ra được”, TS. Mai Liêm Trực nói. “Nhưng phải qua thực tiễn Internet 1 năm chúng tôi mới có cơ sở để báo cáo với cấp trên, có khi rất quyết liệt, là phải mở. Thậm chí có lúc tôi cũng thấy giật mình vì mình dám “múa rìu qua mắt thợ”, nói với chính các thày dạy của mình về Mác – Lênin, về duy vật biện chứng để chứng minh cho việc “quản đến đâu, mở đến đó” là không hợp lý”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ BC-VT cho rằng đó là giới hạn nhận thức của từng giai đoạn. So với Nghị định 21 (1997), Nghị định 55 (2001) đã là một cuộc cách mạng, được ca ngợi như là “cuộc cách mạng thứ 2 cho Internet”. Tuy nhiên, những nội dung của Nghị định 55 đến nay cũng đã lỗi thời và Bộ TT-TT đang phải soạn thảo một nghị định mới thay thế cho nó. Có thể 10 năm, 20 năm nữa, chính các bạn trẻ lại thấy những tiến bộ của chúng ta hiện nay là kỳ cục không thể hiểu nổi, giống như chúng ta đi xem triển lãm về thời bao cấp ở Bảo tàng Dân tộc học vậy.
Để có được ngày hôm nay, Internet đã trải qua những mốc son đặc biệt quan trọng như Nghị định 55 (2001) cởi trói về tư duy quản lý, từ việc "quản lý tới đâu, mở tới đó" thành "năng lực quản lý phải theo kịp sự phát triển". Năm 2003, dịch vụ Internet băng rộng ADSL bắt đầu được cung cấp rộng rãi. Cải thiện chất lượng băng thông là nền tảng cho những dịch vụ gia tăng khác phát triển. Điều này tiến tới cực thịnh vào năm 2005 với sự bùng nổ của các dịch vụ nội dung, thể hiện rõ nhất qua cơn sốt game online. Từ 4 dịch vụ cơ bản đầu tiên (email, duyệt web, lưu trữ và truy vấn thông tin), Internet tại Việt Nam đã có gần như đầy đủ dịch vụ tiên tiến trên thế giới như chat, VoIP, truyền hình Internet, nghe nhạc, xem video, truyền thông hội tụ, mạng xã hội ... làm thay đổi thói quen sinh hoạt, giải trí, làm việc của một bộ phận người dân.
Báo chí là đơn vị được hưởng lợi đầu tiên khi Internet được "mở cửa" và cũng là bộ phận góp phần tích cực đưa Internet trở nên phổ biến. Sau ấn bản trực tuyến thử nghiệm của một vài tờ báo in, những tờ báo đầu tiên "thuần Internet" như VietNamNet ra đời, góp phần cung cấp thông tin mọi mặt đời sống xã hội đến với đông đảo người dân trong và ngoài nước.
Báo điện tử VietNamNet vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT-TT trao tặng vì đã có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển Internet Việt Nam giai đoạn 1997 - 2007. Bên cạnh đó là các đơn vị khác như Hội Tin học Việt Nam, FPT Telecom, VnExpress, NetNam, VDC,... Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trao tặng kỷ niệm chương cho 5 nhà cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu Việt Nam gồm: Viettel, VDC, NetNam, SPT và EVN.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ một kỷ niệm từ những ngày đầu Internet chia sẻ với những người làm công nghệ. Năm 1998, ông được giao nhiệm vụ chuẩn bị gấp những tài liệu để phục vụ cho quá trình đàm phán song phương xây dựng Hiệp định thương mại Việt – Mỹ. Phía Mỹ đưa ra những yêu cầu rất cụ thể về chống bán phá giá. Quy định này cơ bản dựa trên điều lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhưng ngay cả những tài liệu này chúng ta cũng chưa có.
“Lúc đó, các lãnh đạo cấp cao đã yêu cầu chúng tôi phải cung cấp thông tin và bình luận về vấn đề này mà tôi thì không có gì trong tay cả. Lúc 4 giờ sáng, tôi vào Internet và truy cập kho dữ liệu của Quốc hội Mỹ, tìm và in được tài liệu về chống bán phá giá của WTO ngay tại nhà mình vào lúc sáng sớm”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói. “Sau đó, tôi nhận thức được rằng Internet là kho tri thức chung của nhân loại, phục vụ con người không phân biệt không gian, thời gian, biên giới, quốc gia”.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TT-TT tạo môi trường phát triển dịch vụ ứng dụng Internet trong đó có các đề án ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, thực hiện tin học hóa quảnlý hành chính tạo điều kiện để từng người dân. Trong năm 2008 phải triển khai mạnh mẽ trong toàn quốc hệ thống thông tin kinh tế thị trường phục vụ phát triển ở nông thôn và miền núi. Vì thiếu thông tin thị trường nên hiệu quả kinh doanh và chuyển dịch cơ cấu tại các địa bàn này rất chậm. Sắp tới đẩy nhanh phục vụ tới mỗi làng xã để từ đó người dân biết được nhu cầu thị trường về sản phẩm của mình để rồi lên phương án kinh doanh ... góp phần xóa đói giảm nghèo.
Nhìn lại bằng những con số, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel, đúc kết: “Năm 2005, nếu khách hàng muốn lắp đường Internet băng rộng thì phải chờ cả tháng. Hiện nay các nhà ISP đều cam kết trong vòng 3 ngày. Mỗi khi có trục trặc, trước đây khiếu nại cả tuần không có ai đến ngó ngàng thì các doanh nghiệp đã cam kết xử lý trong vòng 24 giờ và đã bắt đầu nghĩ tới mốc 8 giờ. Tốc độ đường truyền Internet lúc nào cũng như hổ đói, chẳng bao giờ đủ để thỏa mãn cả. Những ngày đầu tiên, mỗi đường truyền cá nhân chỉ 10 – 20 Kbps, đường ADSL năm 2006 tuy “rùa bò” nhưng vẫn khoảng 100 Kbps, còn hiện nay là trên dưới 1 Mbps”.
Đại diện cho Bộ TT-TT, cơ quan quản lý nhà nước duy nhất về Internet hiện nay thay cho 3 bộ BC-VT, VH-TT và Bộ Công an trước đây, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định: “Chúng ta cần có những chính sách mang tính đột phá để ngành Internet Việt Nam phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, đúng hướng hơn và đem lại lợi ích cho con người thiết thực hơn”.
Để làm được điều đó, Bộ trưởng đưa 5 giải pháp đồng bộ. Giải pháp đầu tiên là tăng cường nhận thức, coi Internet là một phát minh, sáng chế tiến bộ của nhân loại. Trên cơ sở đó chọn lựa giải pháp cho riêng mình tốt nhất cả trong sản xuất, kinh doanh, văn hóa xã hội. Nhận thức đúng 2 mặt của Internet, phát hiện những mặt hạn chế để tập trung khắc phục. Đó cũng là cách làm mặt ưu điểm trội hơn, Internet phát triển thuận lợi cho đất nước nhiều hơn. Giải pháp thứ 2 là chúng ta nên xã hội hóa để phát triển hạ tầng cho Internet tốt hơn. Theo đó, mọi thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp có thể tham gia vào công việc này. Giải pháp thứ 3 là khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào cung cấp và khai thác dịch vụ Internet. Giải pháp thứ 4 là chúng ta phải tích cực đưa Internet về nông thôn. Đây là mảng sản xuất kinh tế rất lớn. Giải pháp thứ 5 là cần tiếp tục định hướng đào tạo nguồn nhân lực để có được nguồn lao động có trí thức, có kiến thức, có tấm lòng, có sức khỏe, có trách nhiệm để chúng ta chọn lựa và vận dụng những tiến bộ này tốt nhất, khai thác trong phát triển và đi lên.
“Đó là những giải pháp cơ bản để ngành Internet Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn trong thời kỳ hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói.
(Theo Hưng Hải-Vietnamnet)
Bình luận