Công nghệ 3D chính thức được ứng dụng đại trà trong các sản phẩm kĩ thuật số trong khoảng thời gian hơn một năm trở lại đây nhưng đã đạt được những bước tiến rõ rệt. Tuy thế, ai cần 3D?
Bước tiên phong
Trên thế giới, có rất nhiều hãng công nghệ theo đuổi các dự án 3D trong suốt thời gian qua và tất cả đều là những cái tên nổi tiếng, đi đầu thế giới về trình độ kĩ thuật như Sony, Sharp, Philips, Toshiba, LG... Về căn bản, hiện nay, công nghệ 3D chỉ mới áp dụng được cho các loại màn hình phẳng với sự hỗ trợ của các công cụ xem chuyên dụng hay các biện pháp xử lí hình ảnh đánh lừa thị giác của con người để tạo ra hình ảnh 3 chiều. Với loại có kính thì mắt kính hai bên sẽ làm nhiệm vụ xử lí hình ảnh để tạo ra cảm giác 3D cho người xem.
Trong khoảng thời gian đầu của việc ứng dụng công nghệ 3D vào cuộc sống thì các loại màn hình phục vụ cho gia đình luôn được ưu tiên hàng đầu mặc dù các rạp chiếu phim lại là nơi áp dụng công nghệ 3D đầu tiên. Trên thực tế, các loại màn hình chiếu phim 3D trong các rạp hát đã xuất hiện từ lâu với chất lượng cực tốt nhưng giá thành quá cao. Theo các nhà quan sát, mặc dù giá thành rất cao nhưng doanh thu mang lại cho các nhà sản xuất lại không đủ lớn để mang lại lợi nhuận hấp dẫn các hãng bỏ tiền cho việc đầu tư, nghiên cứu, sản xuất loại màn hình này.
Vì thế, việc tiếp cận với thị trường người tiêu dùng phổ thông là yếu tố bắt buộc. Nhưng đó là tiến trình không thể xảy ra một sớm một chiều vì việc thu gọn màn hình hàng trăm inch ở rạp chiếu phim xuống mức 17 inch trong chiếc tivi gia đình khó hơn cả việc nghiên cứu để chế tạo ra loại màn hình hàng trăm inch - một chuyên gia nhận định.
Bùng nổ tivi 3D
Trong các hướng tiếp cận công nghệ 3D vào cuộc sống, các loại tivi dân dụng có vẻ là một thành công lớn của việc ứng dụng công nghệ mới này cho tầng lớp sử dụng bình dân. Năm 2010 đánh dấu sự bùng nổ của các loại tivi 3D. Tại Việt Nam, khá nhiều “đại gia” đã lập hẳn một “rạp hát tại gia” với chiếc tivi 3D “đinh” nằm chính giữa phòng với kích thước vài chục inch. Nhiều cửa hàng game VIP tại Hà Nội và TPHCM cũng nhanh tay trang bị các máy chơi game 3D đi kèm với loại màn hình mới này và mặc dù giá cho một giờ chơi game không dưới 10,000 đồng nhưng cũng không thể cản được các game thủ nhiều tiền.
Tuy thế, tivi 3D có vẻ như vẫn chưa có được những tín hiệu tốt khi trên bình diện thế giới, nó vẫn chưa có được những khách hàng tiềm năng. Cuối năm 2010 báo chí đưa tin Mỹ - thị trường lớn nhất mà tivi 3D muốn nhắm tới - đã rất thờ ơ với công nghệ 3D. Thông tin kinh doanh từ hàng loạt các quốc gia Châu Âu cũng công bố con số không ấn tượng về việc tiêu thụ tivi công nghệ mới này. Theo các nhà phân tích, giá quá cao và những công nghệ tivi LED, tivi Plasma hiện vẫn cho hình ảnh rất ấn tượng là những rào cản chính cho tivi 3D bên cạnh việc người dùng phải có kính để xem được hình ảnh ba chiều.
Không kính
Những hạn chế cần phải có kính để xem đã khiến các hãng công nghệ phải tiếp tục đầu tư để tìm giải pháp thay thế. Chỉ sau một vài tuần, một loạt các hãng công nghệ đã tiếp tục trình làng công nghệ màn hình 3D không kính và khả năng thu nhỏ kích thước màn hình xuống đến mức vài inch. Điều này đã mở ra hướng đi mới cho công nghệ màn hình này khi một loạt các hãng sản xuất điện thoại, camera, máy chụp ảnh... đã bắt đầu đầu tư để đưa 3D vào trong các sản phẩm của mình.
LG và HTC công bố sản phẩm smartphone màn hình 3D. Sony giới thiệu laptop 3D. Nhiều hãng máy quay phim tung ra thị trường các sản phẩm máy quay 3D... Thậm chí những nhân vật ảo (ca sĩ, người dẫn chương trình... ) 3D cũng đã được tạo thành. Mới đây nhất, một ca sĩ ảo 3D đã đi... lưu diễn khắp nước Nhật và vé bán được tiêu thụ thậm chí còn nhiều hơn cả một số ca sĩ người thật tại quốc gia này.
Về các loại màn hình 3D không kính, theo các chuyên gia, trên mặt ngoài của màn hình được tích hợp một lớp chất liệu đặc biệt. Lớp này chứa những ô nhỏ cho phép mỗi mắt thấy một dải pixel khác nhau, tạo cảm giác ảnh nổi lên bề mặt nhưng có hạn chế là mắt người xem phải thẳng với màn hình. Chỉ cần chệch một góc nhỏ, hình ảnh sẽ rất mờ. Điều đó là nguyên nhân chính khiến cho nhiều smartphone 3D đã bị chê bai thậm tệ vì khả năng hiển thị hình ảnh tương đối kém.
Tương lai
Nhiều bình luận viên công nghệ tỏ ra bi quan về 3D và những công nghệ liên quan. Một số chuyên gia lại đánh giá cao 3D nhưng không tin tưởng 3D ở kích thước nhỏ. Trang công nghệ Gizmodo thậm chí còn tuyên bố “dù xu hướng 3D là tất yếu, điện thoại 3D sẽ chỉ là trò hề”. Tuy thế, theo các nhà phân tích, 3D sẽ chiếm lĩnh mọi thứ trong tương lai.
Nếu như trước kia, khi mới ra đời, loại màn hình có kính cũng không được đánh giá cao nhưng chỉ sau một thời gian, màn hình không kính đã ra đời đánh dấu một sự phát triển công nghệ nhảy vọt. Và chẳng có lí do gì để tương lai không có những công nghệ màn hình 3D mới xuất hiện thay thế. Nó cũng giống như tivi CRT (bóng đèn hình) đã bị thay thế bởi tivi LCD và những dạng cao cấp hơn của tivi LCD như tivi LED, tivi OLED, tivi plasma...
“Nếu giá thành giảm đến mức chấp nhận được, 3D sẽ lên ngôi vua” - chuyên gia của tạp chí New York Times nhận định.
Theo Thế Giới @
Bình luận