Cyrus Pishevar đang được mọi người coi là một trong những ngôi sao sắp tỏa sáng.

Cyrus Pishevar, cậu bé 13 tuổi đang được coi là một "ngôi sao sắp tỏa sáng" và là một hình mẫu điển hình của “thế hệ ông chủ trẻ con” đang có xu hướng bùng nổ ở Silicon Valley.

Cyrus Pishevar – tác giả của ứng dụng “Lưu bút thời trung học” (High School Memories) hiện đang khá “hot” trên mạng xã hội Facebook đã khiến không ít người vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng thậm chí cậu bé này còn chưa đủ tuổi vào trung học. “Ý tưởng lớn nhất của cháu khi đó là khiến việc viết lưu bút của mọi người trở nên “”xã hội” hơn”, Cyrus, cậu bé đang học cách điều hành doanh nghiệp từ cha mình – người đã từng là sáng lập viên của 5 hãng công nghệ khác nhau.

Có điều, Cyrus chỉ là một ví dụ trong số không ít những ngôi sao mới nổi của “thế hệ những ông chủ trẻ con” của nước Mỹ - những cậu bé, cô bé tuổi teen này đều có cha mẹ làm việc trong lĩnh vực CNTT, chúng được tiếp xúc và làm quen với máy tính từ rất sớm, được học cách sử dụng công nghệ để kiếm lời từ khi mới bắt đầu bước chân ra khỏi trường tiểu học. Thậm chí, đã có không ít người tự bắt tay vào viết ứng dụng hay khởi nghiệp để trở thành một “ông chủ trẻ con” của cả một doanh nghiệp công nghệ.

“Cuộc sống hàng ngày của cháu bị vây quanh bởi công nghệ và yêu thích nó trở thành bản năng”, Daniel Brusilovsky, cậu học sinh trung học ở San Mateo (bang California), người hiện đang là ông chủ của 2 công ty web nói. Bố của Daniel là giám đốc của một hãng phần mềm còn mẹ của cậu là cựu nhân viên của hãng Oracle.

Ngày nay, giới tuổi teen Mỹ rất dễ thành ông chủ của các doanh nghiệp web bởi việc viết phần mềm đã trở nên rẻ và đơn giản hơn trước nhiều. “Các công cụ đòi hỏi ít kiến thức chuyên môn hơn. Việc viết một ứng dụng trên Facebook không đòi hỏi người ta phải mất tới 4 năm để theo học ngành Khoa học máy tính”, Daniel Gross, ông chủ 19 tuổi của hãng tìm kiếm Greplin mới ra đời ở San Francisco tiết lộ.

Bên cạnh đó, những “ông chủ trẻ” này còn được hỗ trợ cả về mặt tài chính lẫn sự động viên của những người đi trước. Còn nhớ, hồi tháng 9 năm ngoái, Peter Thiel, nhà đồng sáng lập hãng thanh toán trực tuyến Pay-Pal đã tuyên bố sẽ tài trợ 20 suất hỗ trợ tài chính, trị giá 100.000USD/suất cho những thanh thiếu niên có ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Theo lời Thiel, ông muốn những người trẻ dũng cảm hơn để theo đuổi ước mơ của mình thay vì đi theo lối mòn là học đại học, ra trường và… đi làm thuê.

“Chúng ta cần khuyến khích những người Mỹ trẻ tuổi dám chấp nhận rủi ro để thành công”, Thiel phát biểu.

Tuy nhiên, quan điểm và xu hướng này cũng vấp phải không ít những lời trỉ chích và cho rằng đó là hành động khuyến khích các học sinh, sinh viên bỏ dở việc học hành và sản sinh ra một thế hệ “ông chủ thất học” trên đất Mỹ. “Việc theo đuổi sự nghiệp kinh doanh không nên bắt đầu trước khi bạn hoàn thành việc học hành tử tế”, Vivek Wadhwa, nói trong chuyến thăm trường CNTT thuộc trường ĐH California, “Mark Zuckerberg, TGĐ của Facebook đã không bỏ học tại Harvard cho đến khi công ty của anh ta ổn định thực sự. Đó mới chính là tấm gương mà các bạn trẻ nên học”.

Tất nhiên, các nhà đầu tư mạo hiểm cũng không mấy tin tưởng những doanh nghiệp “quá trẻ” kiểu này và điều đó giải thích cho việc vì sao những doanh nghiệp này rất khó kêu gọi đầu tư. Cyrus Pishevar vẫn phải nhờ bố chi viện khoảng từ 5.000 đến 10.000 USD cho mỗi dự án và nhờ một người bạn của bố làm cố vấn và trợ giúp trong việc viết code hay xử lý các tình huống phát sinh. Theo quy định của ông bố, hàng ngày Cyrus chỉ được phép đụng tay vào các ứng dụng sau khi đã hoàn thành toàn bộ số bài tập về nhà. Cha mẹ của “Mark Zuckerbergs tương lai” này đang nỗ lực để cậu bé được lớn lên bình thường như những đứa trẻ khác.

“Tôi phải đảm bảo tuổi thơ của nó được trọn vẹn”, bố của Cyrus nói khi giả thích về việc tại sao ông quyết định đăng ký cho con theo học một lớp võ thuật.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)