Buổi chiều ngày 27-11, một khu dân cư yên bình tại thành phố Hamilton (New Zealand) đột nhiên náo động. Hàng chục cảnh sát xuất hiện, xông vào khám xét ngôi nhà của cậu thanh niên 18 tuổi và thu giữ nhiều máy vi tính. Cha mẹ cậu nhận một thông báo khủng khiếp: con trai bé bỏng của họ là một tin tặc cực kỳ nguy hiểm.
Tạo virus cực nguy hại
Thủ phạm, được cảnh sát giấu tên do còn ở tuổi vị thành niên khi phạm tội, chỉ được biết đến với biệt danh trên mạng là AKILL (kill tiếng Anh nghĩa là giết). Hãng tin Reuters dẫn nguồn cảnh sát Hamilton tuyên bố AKILL, hiện vẫn đang đi học, là “ông trùm” của một tổ chức tin tặc “botnet” đã xâm nhập vô số máy vi tính trên toàn thế giới.
Theo Wikipedia, “botnet” là mạng “máy tính ma” (zombie) gồm các máy vi tính bị tin tặc chiếm quyền điều khiển thông qua các loại virus và phần mềm độc hại (malware). Chủ nhân các máy tính zombie này không hề biết rằng hệ thống của họ bị lợi dụng để gửi thư rác, ăn cắp các thông tin quan trọng như thẻ tín dụng, tài khoản cá nhân và mở các cuộc tấn công trên mạng.
“Ngày nay, botnet là vũ khí tối thượng của bọn tội phạm trên mạng - Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), tổ chức cùng phối hợp với phía New Zealand để truy lùng AKILL, nhận định - Chúng che giấu hoạt động tội phạm bằng việc sử dụng máy vi tính của một đối tượng thứ ba làm phương tiện gây án”.
Nguồn tin AP cho biết AKILL đã sáng tạo một loại virus được mã hóa đặc biệt, không một phần mềm diệt virus nào có thể phát hiện được. Nhờ vũ khí bí mật này, AKILL đã cùng đồng bọn len lỏi vào khoảng 1,3 triệu máy vi tính trên toàn thế giới và ăn cắp tới 25 triệu USD. Các chuyên gia tin học hàng đầu của FBI cũng phải thừa nhận virus này là “một phần mềm độc hại cực kỳ phức tạp”.
Không chỉ vậy, cảnh sát còn cho biết AKILL thuê các tay tin tặc khác, tạo thành một tổ chức phát tán virus có tên A-team (nhóm A), bao gồm các thành viên tại Mỹ và nhiều nước khác, để xây dựng các mạng botnet trên toàn thế giới. “Cậu ta quả thật là quá thông minh và đầy kỹ năng trong loại công việc đó”, Reuters dẫn lời ông Martin Kleintjes - giám đốc Trung tâm tội phạm điện tử New Zealand.
Chỉ có cách cẩn thận
Theo CNN, sau khi bị bắt, AKILL đã thành khẩn khai báo với cảnh sát cách thức hoạt động của hệ thống tội phạm trên mạng mà cậu ta xây dựng. Dù chưa bị khởi tố nhưng cảnh sát cho biết AKILL có thể phải đối mặt với án tù 10 năm. Chính quyền New Zealand cũng nghi ngờ AKILL là đồng thủ phạm trong vụ tin tặc đánh sập máy chủ của ĐH Pennsylvania (Mỹ) đầu tháng này.
FBI cho biết ngoài AKILL, hiện có rất nhiều nhóm tin tặc “botnet” khác đang hoành hành. Theo điều tra của FBI và các tổ chức công nghệ thông tin, hiện có tới 2,5-5 triệu máy vi tính trên toàn cầu bị các loại virus, sâu botnet xâm nhập. Trong khi đó Công ty an ninh mạng Symantec Corp. lại đưa ra một số liệu ấn tượng hơn: 29% máy tính tại Trung Quốc và 13% máy tính tại Mỹ đã bị lây nhiễm các loại virus, sâu botnet. Tuy nhiên, có tới 43% máy chủ mà bọn tin tặc botnet sử dụng được đặt trên đất Mỹ.
FBI đang tổ chức chiến dịch “Bot roast” chống lại các tổ chức botnet. Tuy nhiên, “không hề có biên giới địa lý trên mạng Internet, và những tên tội phạm này lại ở khắp nơi trên thế giới” - tờ TechNewsWorld dẫn lời chuyên gia an ninh mạng Mike Haro. “Các cơ quan luật pháp sẽ rất khó khăn trong việc tìm ra các nhóm tội phạm này”. FBI khuyên người sử dụng máy vi tính tự bảo vệ bản thân bằng cách nâng cấp thường xuyên phần mềm diệt virus, cài tường lửa, dùng mật khẩu khó đoán ra và tránh mở những email đáng nghi.
Các tin tặc tuổi "teen" khét tiếng
- Raphael Gray: Cậu thanh niên Xứ Wales 19 tuổi ăn cắp thông tin thẻ tín dụng của người sáng lập Microsoft Bill Gates và gửi qua mạng đến Bill Gates một kiện thuốc Viagra vào năm 2001. Vụ việc chấm dứt khi FBI đến bắt giữ Gray tại nhà ở làng Clynderwen.
- Kevin Mitnick: "Kẻ khủng bố vi tính" Mitnick bắt đầu tấn công các mạng điện thoại khi còn nhỏ trước khi chuyển sang hoạt động trên mạng Internet khi mới 16 tuổi. FBI đã mất ba năm truy lùng Mitnick để ngăn chặn hắn tấn công các hệ thống mạng và ăn cắp phần mềm của các tập đoàn như Sun Microsystems và Motorola.
- Tin tặc Lầu Năm Góc: Năm 1998, hai thanh niên người California 16 và 17 tuổi, có mật danh "Makaveli" và "TooShort", đã thực hiện một trong những vụ tấn công có tổ chức nhất từ trước đến nay vào hệ thống máy vi tính của quân đội Mỹ.
- Joseph McElroy: Năm 2004, cậu thanh niên 18 tuổi người Anh McElroy gây chấn động khi đột nhập hệ thống mạng của một trung tâm hạt nhân tối mật tại Mỹ. Cậu ta khiến hệ thống trung tâm hoạt động chậm lại, khiến các kỹ thuật viên phải nhấn nút báo động "tình trạng kinh hoàng".
(Theo Hiếu Trung/TTO)
Bình luận