Việc đánh giá quá cao hoặc quá thấp ý tưởng, sản phẩm nào đó có thể khiến những hãng lớn trong làng công nghệ thế giới như Yahoo, IBM... mất trắng khoản tiền khổng lồ.
Trang Business Insider tổng hợp một số quyết định sáp nhập hoặc từ chối sáp nhập sai lầm thời gian qua.
Yahoo từ chối Google
Google từng cố gắng bán cho Yahoo nhiều lần với giá từ vài triệu USD hồi mới thành lập cho đến thời điểm lên tới 3 tỉ USD. Tuy nhiên, Yahoo không mặn mà vì trước khi Google lớn mạnh, không ai nghĩ tìm kiếm trên Internet lại có tầm ảnh hưởng đến như vậy. Hiện giá trị vốn hóa thị trường của Google được ước tính khoảng 170 tỉ USD.
Yahoo từ chối Facebook
Sau khi Google mua lại YouTube, Yahoo cảm thấy họ cũng cần có động thái đáng chú ý trong xu hướng web 2.0. Giám đốc điều hành Terry Semel (ảnh trên) và nhà sáng lập Facebook là Mark Zuckerberg thỏa thuận xong mức giá 1 tỉ USD nhưng cuối cùng lại không thành. Hiện Facebook là một trong những công ty lớn nhất hành tinh với giá trị ước tính 50 tỉ USD và đang tiếp tục tăng lên.
RealNetworks từ chối iPod
Ý tưởng về một máy nghe nhạc MP3 kết nối tới một kho nhạc không phải của Steve Jobs, CEO của Apple, mà thuộc về Tony Fadell. Ông không thuyết phục được RealNetworks nên chuyển sang đàm phán với Apple. iPod trở thành thiết bị nghe nhạc thành công nhất thế giới và mang về cho Apple hàng tỉ USD.
News Corp mua MySpace
Khi tập đoàn của tỉ phú Rupert Murdoch mua lại MySpace với giá 580 triệu USD, giới quan sát coi đó là một cái giá quá rẻ. Nhưng sai lầm về quản lí cùng sự ra đời của Facebook khiến mạng xã hội này tàn lụi nhanh chóng.
Telefonica mua Lycos
Người sử dụng Internet những năm đầu thế kỉ 21 hẳn còn nhớ công cụ tìm kiếm Lycos, khi đó lớn mạnh như Yahoo và được hãng viễn thông Tây Ban Nha chi 5,4 tỉ USD để sáp nhập vào năm 2000. Vài năm sau, Telefonica bán dịch vụ này đi với giá vỏn vẹn vài triệu USD.
Yahoo mua Broadcast.com
Yahoo từ chối Google lẫn Facebook nhưng lại bỏ ra tới 5,7 tỉ USD để mua Broadcast.com năm 1999. Đây là website chia sẻ video lớn nhất trên Internet thời đó, tương tự YouTube hiện nay. Vấn đề duy nhất là kết nối Internet quá chậm để mọi người có thể thưởng thức trọn vẹn các clip.
AOL bắt tay Time Warner
Đây được coi là vụ sáp nhập "tàn phá" nhất trong lịch sử các hãng công nghệ. Năm 2000, AOL chi tới 162 tỉ USD để mua hãng giải trí lớn nhất thế giới và tạo nên công ty có giá trị ước tính 350 tỉ USD.
Hai công ty đã tách ra vào năm 2009. Hiện nay, số vốn hóa thị trường của Time Warner là 40 tỉ USD còn AOL chỉ là 2 tỉ USD.
IBM tạo điều kiện cho Microsoft độc quyền về phần mềm
Năm 1980, IBM thuê Bill Gates và Paul Allen phát triển hệ điều hành cho máy tính cá nhân của họ. Họ muốn mua trọn gói DOS nhưng Gates đề nghị Microsoft sẽ giữ bản quyền và bán giấy phép với giá 6 USD trên mỗi máy.
IBM lập tức đồng ý vì cho rằng phần cứng mới là bộ phận quan trọng. Cả nước Mỹ khi đó chỉ có vài nghìn máy tính và giá mỗi máy tính lên tới cả nghìn USD (mà Microsoft chỉ lấy có 6 USD), do đó số tiền thu được từ license sẽ nhỏ hơn nhiều so với việc họ phải mua trọn gói. Tuy nhiên, sau này không chỉ IBM mà rất nhiều hãng khác tham gia sản xuất máy tính và Microsoft đã làm ăn phát đạt với số vốn hóa thị trường lên tới 220 tỉ USD.
Theo VnExpress.
Bình luận
yahoo không nhìn trước tương lai
haizz, yahoo chỉ để ý đến cái lợi trước mắt mà không biết nhìn thấy những tiềm năng, xu hướng xã hội mà google và face book có.
Tiec
Ong nao cua yahoo quyet dinh bo google vs fb chac chet vi tiec mat