Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu thông tin cao là những dấu hiệu cho thấy Internet sẽ bùng nổ tại châu Á. Theo nghiên cứu của tác giả Peng Hwa Ang thuộc Trường đại học công nghệ Nanyang (Singapore), Internet chỉ mới bắt đầu phát triển tại châu Á vào năm 1995.

Nhật Bản - thích nhận thông tin hơn là gửi

Nhật Bản là một “đại gia Internet” ở châu Á. Ban đầu, Nhật còn chậm tiến vào Internet. Đến năm 1989 các trường đại học đầu tiên của Nhật mới nối mạng. Đến năm 1991, khi các công ty Mỹ dùng Internet cho các hoạt động thương mại, Internet mới bắt đầu phát triển mạnh tại Nhật. Internet ở Nhật thực sự thăng hoa với các ứng dụng thương mại vào giữa năm 1994.

Khó khăn lớn nhất của Internet tại Nhật những năm 1995 là ngôn ngữ. Văn hóa cũng là một điểm khác. Theo báo Nhật Bản Nikkei, người Nhật thích nhận hơn là gửi thông tin. Khảo sát cho thấy hoạt động “nhận thông tin” phổ biến hơn với 63,7% người dùng Net của Nhật, trong khi hoạt động “gửi thông tin” chỉ phổ biến với 6,4% dân Net Nhật. Tuần báo Nikkei hồi tháng 9/1995 cho biết chưa đến 1/3 công ty Nhật kết nối hoặc nghĩ đến chuyện kết nối mạng. Hầu hết là những công ty lớn. Hơn nữa, người Nhật nghĩ Internet chỉ là của các công ty lớn.

Trung Quốc - nước đi tiên phong về “luật Net”

Trung Quốc là một người mới đến với Internet. Năm 1993, Viện Vật lý Năng lượng cao Bắc Kinh là tổ chức đầu tiên kết nối mạng Internet ở Trung Quốc. Đến tháng 1/1995, dân chúng Trung Quốc mới truy cập Internet công cộng nhờ sự giúp đỡ của công ty điện thoại đường dài Mỹ Sprint. Chương trình này, có tiêu đề không chính thức là Dự án Internet Trung Quốc, hay ChinaNet, được Bộ Bưu điện và Viễn thông Trung Quốc tiến hành. Thực ra, dự án này nhằm mục đích cung cấp Internet cho 360.000 doanh nghiệp nhà nước và 8,6 triệu doanh nghiệp tư nhân tại 600 thành phố Trung Quốc. Đến đầu năm 1996, Trung Quốc có hơn 100.000 người dùng Net trong tổng số hơn 1 tỷ dân. Ngày đó, tại 2 thành phố lớn nhất là Bắc Kinh và Thượng Hải, số thuê bao Internet chỉ đạt khoảng 3000-4000.

Nhiều người dùng Trung Quốc cảm thấy khó lấy thông tin từ Net, họ muốn thông tin bằng tiếng Trung. Một khảo sát cho thấy khoảng 73% người dùng Net Trung Quốc chỉ dùng dịch vụ email trên mạng, hầu hết đều nghĩ rằng thông tin trên Net chỉ hữu ích cho việc nghiên cứu.

Tuy nhiên, Trung Quốc nhanh chóng trở thành nước đi tiên phong trong các quy định về Internet. Chiến lược của Trung Quốc đối với Internet dường như là kiểm soát truy cập và không cho phép các hãng nước ngoài đưa tin. Tháng 2/1996, các quy định mới được thông qua, cấm truyền tin bí mật quốc gia, tin ảnh hưởng đến an ninh đất nước, nạn khiêu dâm qua các kết nối với máy tính nước ngoài. Luật mới cũng yêu cầu người dùng Internet, bao gồm các tổ chức, phải đăng ký với cảnh sát và tất cả những truy cập Internet phải đi qua máy tính do Bộ Bưu điện và Viễn thông kiểm soát. Luật biến môi trường Internet Trung Quốc trở thành nhiều quy định nhất trên thế giới.

Singapore - một trong những quốc gia phát triển Net nhanh nhất

Mặc dù tuyên bố là “đảo kết nối”, song Singapore vẫn chậm đến với Internet. Tuy nhiên, đúng phong cách Singapore, một khi đã biết Internet có thể làm những gì, Internet lập tức nhanh chóng phát triển. Năm 1995, Singapore là một trong những quốc gia phát triển Internet nhanh nhất cả về số liệu lẫn thực tế. Năm 1994, Singapore có 100.000 thuê bao Net trong tổng số 3 triệu dân.

Philippines - tiềm năng khai thác Net lớn nhất

Trong các quốc gia châu Á, Philippine có tiềm năng lớn nhất để khai thác Internet. Đây được xem là quốc gia nói tiếng Anh lớn nhất thế giới, Philippine có tốc độ truy cập Internet nhanh nhất ở châu Á với công nghệ truyền tải không đồng bộ (ATM) và kết nối E1, cho phép tốc độ truyền tải 2,4 megapit/giây, nhanh hơn tốc độ 1,5 megabit/giây dùng kết nối T1 của Nhật. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của trường đại học châu Á và Thái Bình Dương, đến cuối năm 1996, Philippine chỉ có 40.000 thuê bao Internet. Chi phí cao vẫn là trở ngại lớn nhất.

Indonesia - Internet được thương mại thúc đẩy

Chính yếu tố thương mại đã thúc đẩy Internet phát triển tại Indonesia. Vào đầu năm 1996, Indonesia có tổng số 20.000-25.000 thuê bao Internet, tập trung chủ yếu tại thủ đô Jakarta và khu công nghệ cao Bandung, gần nửa số người dùng là doanh nhân.

Malaysia, Ấn Độ và Thái Lan

Malaysia là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á cho phép truy cập Internet công cộng. Tuy nhiên, đến giữa năm 1995, Malaysia mới có khoảng 5.000 người dùng Net. Sau đó, mọi thứ nhanh chóng thay đổi. Các trường đại học bắt đầu cho phép sử dụng Internet rộng rãi hơn. Tất cả các trường học cũng được lắp đặt các trung tâm kết nối Internet. Báo The Star của Indonesia năm 1996 cho biết thời điểm đó Malaysia có 4 nhà cung cấp truy cập Internet.

Về mặt quản lý, một mặt, Phó Thủ tướng Malaysia năm 1996 phát biểu tại một hội nghị ở Kuala Lumpur về Internet, rằng chính phủ sẽ không kiểm duyệt Net. Tuy nhiên, sau đó, ông này cho biết Malaysia đang nghiên cứu cách các quốc gia khác thực thi luật Internet.

Những người dùng Internet đầu tiên ở Ấn Độ là các trường đại học hàng đầu, thông qua một dịch vụ gọi là Ernet năm 1989, theo báo Straits Times. Sau đó, tháng 8/1995, các điểm truy cập công cộng được thiết lập ở Ấn. Ngày đó, giá truy cập Internet dành cho hộ gia đình là 160 USD cho 250 giờ truy cập và đối với công ty là mức giá cao gấp 4 lần. Người Ấn truy cập Net thông qua hình thức “dial-up” với tốc độ 1.200 bps (không phải kbps). Phải 1 năm sau tốc độ đó mới lên 9,6 kbps. Đến năm 2000, nhiều người dùng đã có thể hưởng tốc độ 56 kbps. Chính quyền Ấn Độ cũng có quy định kiểm soát Internet và nguồn thông tin trên Internet.

Internet vào Thái Lan năm 1988, chủ yếu phục vụ mục đích giáo dục và nghiên cứu. Internet chỉ phát triển khi Mạng lưới Nghiên cứu Khoa học Xã hội Thái (ThaiSarn) được thành lập và một kết nối truyền thông vĩnh viễn đến các mạng lưới quốc tế được thiết lập. Năm 1994, dân chúng Thái mới có thể truy cập Internet thông qua công ty Internet Thái Lan thuộc Trung tâm Công nghệ Máy tính và Điện tử quốc gia (NECTEC).

Tốc độ tăng trưởng Net châu Á đạt 302%

Theo tạp chí Asia Magazine số ngày 1-3/9/1995, thời điểm đó có khoảng 50 triệu người dùng Internet trên toàn thế giới, ước tính châu Á - chiếm 50% dân số thế giới - có 10%, hay 5 triệu người dùng Internet. Cho đến nay, theo số liệu của Internet World Stats (http://www.internetworldstats.com), tính đến ngày 30/9/2007, riêng châu Á (56,5% dân số thế giới) có gần 460 triệu người dùng Internet; tỷ lệ thâm nhập trên % dân số là 12,4%; chiếm 36,9% cư dân Net của thế giới; tốc độ tăng trưởng Internet ở châu Á giai đoạn 2000-2007 là 302%.

Một vấn đề đương nhiên và thấy rõ là tại tất cả các quốc gia nơi Internet được sử dụng rộng rãi - Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan và Singapore - Internet đã mang đến nhiều vấn đề luật pháp mới.

Anh Minh (ICTnews)




Bình luận

  • TTCN (0)