Không riêng Apple hay Google, người dùng Internet đang phải đối mặt với nhiều kẻ theo dõi ẩn mình trong các ứng dụng trực tuyến.

Đáng ngại là hầu hết các ứng dụng này đang âm thầm chạy trên những thiết bị di động, trong đó có điện thoại thông minh.

Ảnh
Người dùng phải đồng ý để nhà cung cấp dịch vụ truy cập các thông tin cá nhân trước khi tham gia Foursquare

Foursquare là một trong những mạng xã hội địa điểm được đánh giá rất thành công hiện nay bởi thu hút đông đảo thành viên, trong đó có rất nhiều người dùng VN. Foursquare còn được gọi là mạng xã hội lai game (trò chơi) bởi cách tổ chức giống như một cuộc thi khám phá các địa điểm dành cho người sử dụng máy tính bảng hoặc điện thoại di động thông minh có hỗ trợ định vị toàn cầu GPS.

Nguy cơ tiềm ẩn

Cụ thể người tham gia sẽ thi đánh dấu các địa điểm mình đang hiện diện bằng cách đăng nhập Foursquare từ điện thoại di động hoặc máy tính bảng và cung cấp các thông tin tùy chọn: tên địa điểm, địa chỉ, hành vi người chơi, tâm trạng... Các thông tin này được cập nhật ngay lập tức trong mạng Foursquare và có thể cả trên Facebook, Twitter... (dạng thông báo cho bạn bè rằng tôi đang ở đây, làm việc này...).

Địa điểm được hiển thị chính xác trên bản đồ nhờ kết hợp dịch vụ định vị GPS. Người chơi càng đánh dấu nhiều vị trí thì điểm số càng cao, được chứng nhận nhiều danh hiệu ảo. Điểm càng cao càng chứng tỏ người đó đi nhiều, khám phá nhiều, biết nhiều nơi... thể hiện “thương hiệu cá nhân” với cộng đồng mạng.

Nghe qua có vẻ vô hại nhưng theo ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, giám đốc Công ty Emerald Digital Marketing, “các thông tin mà những mạng xã hội này thu thập được từ người dùng có thể bị khai thác cho các hoạt động tiếp thị”.

Khi đăng ký tham gia Foursquare, người dùng buộc phải đồng ý cho phép nhà cung cấp dịch vụ có quyền truy cập, sử dụng các thông tin liên quan đến tài khoản cá nhân của họ như: tên, tuổi, giới tính, nơi đang ở, danh sách bạn bè và các thông tin có thể chia sẻ khác. Đặc biệt là các thông tin về địa điểm do người chơi đưa lên mạng xã hội địa điểm này.

Một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ số nhận định các nhà cung cấp dịch vụ hoàn toàn có thể theo dõi và thu thập các dữ liệu quý giá thông qua hoạt động đánh dấu của những người chơi:

thường xuyên đi mua sắm, ăn uống ở đâu, thích làm gì... Những người có số lượng đánh dấu càng nhiều càng giúp nhà cung cấp dịch vụ phân tích rõ ràng hơn về sở thích, khả năng tiêu dùng của họ. Từ đó nhà cung cấp dịch vụ có thể hoặc trực tiếp quảng cáo, tiếp thị đến đúng đối tượng khách hàng, hoặc bán dữ liệu thông tin khách hàng lại cho các công ty quảng cáo, tiếp thị khác.

Đề phòng mặt trái của GPS

Các mạng xã hội địa điểm như Foursquare hoạt động dựa trên sự kết hợp của các thiết bị cầm tay thông minh và công nghệ định vị GPS. Việc Apple và Google theo dõi người sử dụng cũng ứng dụng công nghệ này. Trong khi đó, điện thoại di động thông minh và máy tính bảng tích hợp GPS ngày càng được nhiều người sử dụng.

Hạn chế sử dụng GPS để tự bảo vệ

Ông Bạch Thành Trung, quản trị diễn đàn VOZ, cho biết hiện chỉ có một cách triệt để nhất là tắt hoàn toàn dịch vụ GPS trên các thiết bị của mình. Tuy nhiên, việc này có thể sẽ gây nhiều bất tiện khi không thể sử dụng các dịch vụ liên quan. Hơn nữa còn tùy vào việc nhà cung cấp có cho người dùng tự tắt thiết bị hay không. Nếu cho phép, thao tác tắt có thể nhờ các trung tâm bảo hành hay hỗ trợ kỹ thuật của các thiết bị hướng dẫn.

Trên các thiết bị này, hầu hết đều có cài đặt các ứng dụng GPS như: bản đồ số xác định vị trí; tìm đường đi, nơi chốn... của nhiều nhà cung cấp dịch vụ. Điều này mở ra nguy cơ rất lớn về việc người sử dụng có thể bị theo dõi, thu thập thông tin liên quan đến cá nhân, công việc, cuộc sống hằng ngày.

Ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm đào tạo và an ninh mạng Athena, phân tích: “Ai cũng biết lợi ích của GPS trong việc định vị cho các thiết bị, vật dụng nhưng nó cũng ẩn chứa hiểm họa lớn nếu nhà cung cấp dịch vụ có chủ đích không tốt. Khi sử dụng các ứng dụng dùng đến GPS, các thông tin về đường đi nước bước của một thiết bị có thể được lưu trữ trong chính thiết bị đó (điện thoại iPhone) hay nằm trong hệ thống cơ sở dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ.

Do đó, vấn đề khai thác cơ sở dữ liệu trên rất nhạy cảm. Hệ thống GPS hoàn toàn có thể cho biết vị trí chính xác của đối tượng sử dụng dịch vụ ở bất kỳ thời điểm nào. Các thông tin này có thể được bán cho các công ty quảng cáo với giá rất cao”.

Theo một công bố của Microsoft hồi tháng 3/2011, thế giới hiện có hơn 1 tỉ người sử dụng điện thoại di động thông minh, trong đó 91% người dùng Internet di động truy cập vào các trang liên quan đến kết nối xã hội. Trong khi đó, hãng IDC dự báo doanh thu quảng cáo di động năm 2011 sẽ tăng đến 120% so với năm 2010, đạt 1,9 tỉ USD.

Chính dữ liệu địa điểm sẽ giúp các quảng cáo, tiếp thị đến đúng khách hàng mục tiêu vào đúng những thời điểm và vị trí thích hợp nhất.

Mạng xã hội địa điểm

Mạng xã hội địa điểm tương tự các mạng xã hội Facebook, Twitter nhưng nó chủ yếu tập trung vào việc chia sẻ các thông tin liên quan đến địa điểm người dùng đang có mặt: địa chỉ, hình ảnh, hoạt động tại địa điểm đó... Mạng xã hội địa điểm chủ yếu dành cho các đối tượng dùng điện thoại di động thông minh hoặc máy tính bảng có định vị GPS (để xác định chính xác vị trí người dùng trên bản đồ).

Một số mạng xã hội thu hút nhiều người dùng tham gia như: Foursquare, Facebook Places, Google Latitude, Gowalla, Loopt, GyPSii... Tại VN còn có mạng xã hội địa điểm Yoo! của Công ty Công nghệ trẻ (NES), GoLocation của mạng xã hội Goonline.vn... Các mạng xã hội còn đẩy mạnh phát triển bằng cách tích hợp thêm vào các mạng xã hội nổi tiếng như: Facebook, Twitter... dưới dạng ứng dụng.

Theo TTO



Bình luận

  • TTCN (0)