Như TTCN đã đưa tin, hội nghị người dùng Google Map Maker (GMM) lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam trong hai ngày 06 và 07/05.
Tại hội trường C2 trường đại học Bách Khoa Hà Nội, cuộc hội thảo buổi sáng ngày 07/05 đã diễn ra một cách sôi động và đầy hào hứng. Cả đại diện của GMM lẫn người dùng GMM Việt Nam đã được các bạn sinh viên trường đại học Bách Khoa "xoáy" bằng những câu hỏi từ đơn giản nhất đến hóc búa nhất. Nhờ có sự tham gia của đại diện chính thức đến từ GMM, nhiều vấn đề bức xúc của người dùng đã được đưa ra mổ xẻ tại hội thảo này.
Trong buổi hội thảo này, đại diện Google - bà Jessica Pfund, phụ trách Google Mapping Community đã giới thiệu với các bạn sinh viên các ứng dụng bản đồ của Google dành cho cộng đồng. Với nền tảng là Google Maps, dịch vụ bản đồ số đã mang lại nhiều tiện ích miễn phí cho cộng đồng khắp nơi trên thế giới, giúp kết nối hàng tỉ người trên thế giới kết nối với nhau, góp phần tạo nên một "thế giới phẳng" trong thời đại kĩ thuật số.
Ứng dụng bản đồ của Google đã hiện diện trong rất nhiều sản phẩm và dịch vụ giúp mọi người ở khắp nơi trên thế giới chia sẻ và kết nối với nhau dễ dàng hơn, đó là phần mềm tìm đường và định vị GPS trên điện thoại di động (Google map for mobile), là website chia sẻ và kết nối thế giới bằng ảnh có gắn địa điểm (Panoramio), là mô phỏng đầy sống động về thế giới qua Google Earth... và bằng một kết nối mở, sẽ còn nhiều ứng dụng khác sẽ ra đời từ nền tảng này trong tương lai không xa.
Giúp cho ứng dụng bản đồ số có thể được số hóa với tốc độ của thời gian thực bằng cách sử dụng đóng góp của cộng đồng, Google đã xây dựng và tách GMM thành một ứng dụng độc lập với Google Maps. Tại GMM tất cả mọi người có tài khoản Google (Gmail) có thể đăng nhập để thực hiện các chỉnh sửa cũng như tham gia số hóa bản đồ. Mới đầu, tất cả các tài khoản sẽ được đối xử giống nhau, mọi chỉnh sửa và đóng góp nhỏ nhất đều phải thông qua kiểm duyệt của những người khác. Sau đó, bằng việc tham gia số hoá bản đồ, kiểm duyệt và đánh giá đóng góp của các thành viên khác, tài khoản của người dùng GMM sẽ liên tục được mở rộng thêm quyền hạn để có thể thực hiện các chỉnh sửa trên những khu vực rộng lớn.
Bằng một số video clip do Google thực hiện, đại diện GMM đã cho thấy tốc độ số hóa bản đồ của Việt Nam nhanh đến mức nào. Video dưới đây do GMK ghi lại quá trình bản đồ Đà Lạt được số hóa trong năm 2008, từ một bản đồ trống trơn, Đà Lạt đã được cộng đồng GMK Việt Nam xây dựng thành một bản đồ số chi tiết và sống động. Tương tự với video cho bản đồ Huế và thành phố Hồ Chí Minh.
Cộng đồng GMK Việt Nam cũng có những phát biểu chia sẻ những câu chuyện, khó khăn ban đầu khi sử dụng GMK và những kinh nghiệm xử lí cho các bạn sinh viên đại học Bách Khoa. Phần hướng dẫn sôi động hẳn lên bởi phần hướng dẫn thực hành tại chỗ cho các bạn sinh viên của cộng đồng GMK Việt Nam. Đồng thời, trong lúc đó, Jessica Pfund đã trình diễn cho cả hội trường thấy công cụ theo dõi thời gian thực các chỉnh sửa trên GMM ở khu vực Việt Nam, thông qua công cụ pulse tại địa chỉ http://www.google.com/mapmaker/pulse.
Phần hỏi đáp của các bạn sinh viên và cộng đồng GMM với đại diện của Google đã thực sự nóng lên khi tất cả các vấn đề thời sự nhất liên quan đến bản đồ Google như biên giới Việt Nam hiện Google đang thể hiện sai lệch đến vài km làm sao để người dùng GMM có thể chỉnh sửa; các vấn đề liên quan đến việc trả lại tên gọi tiếng Việt cho tất cả các địa điểm trên bản đồ (kể cả tên gọi Biển Đông), cập nhật các thay đổi bao gồm việc phân chia địa giới hành chính theo những thay đổi mới nhất... đều đã được đại diện của Google ghi nhận và trả lời thỏa đáng. Đại diện Google cũng hứa sẽ khi trở về sẽ trình bày lên bộ phận phụ trách ứng dụng bản đồ để giải quyết các tồn tại và bất cập được ghi nhận trong buổi hội thảo này.
Trả lời câu hỏi về việc người đóng góp cho GMM được Google ghi nhận như thế nào, bà Jessicacho biết người dùng cho nhiều đóng góp cho GMM sẽ được nâng cao quyền hạn tại đây theo những gì mà họ đóng góp cho GMM.
Về câu hỏi thời gian để GMM cập nhật lên các ứng dụng khác, bà Jessica cho biết: sau khi dữ liệu do cộng đồng đóng góp lên GMM thì các ứng dụng khác sẽ được cập nhật lần lượt lên các ứng dụng khác như Google Maps, Google Earth... trong thời gian một vài tuần.
Một số bạn đặt câu hỏi tại sao Google chưa số hóa ảnh vệ tinh ở độ phân giải cao cho rất nhiều khu vực đông dân cư ở Việt Nam hoặc số hóa bản đồ lệch ở nhiều khu vực, bà Jessica cho biết người dùng có thể đánh dấu các khu vực cần số hóa và kiến nghị lên Google, họ sẽ làm việc với đối tác cung cấp và số hóa bản đồ để bổ sung số hóa chi tiết cho các khu vực đó.
Về câu hỏi Google cung cấp ứng dụng nào cho việc sử dụng bản đồ cho mục đích cá nhân hoặc nhóm nhỏ, đại diện Google cho biết người dùng có thể tự xây dựng bản đồ thông qua tính năng MyMap (Bản đồ của tôi) của ứng dụng Google Maps sau đó chia sẻ cho nhóm người cùng quan tâm.
Trong buổi làm việc với cộng đồng GMM Việt Nam vào buổi chiều, người dùng GMM Việt Nam đã thảo luận chi tiết về việc thống nhất các cách vẽ bản đồ, thuật nhữ viết tắt và rất nhiều vấn đề khác. Về việc kiểm duyệt nội dung, có ý kiến kiến nghị việc đưa thành viên người Việt Nam vào trong đội ngũ kiểm duyệt dữ liệu bản đồ, đại diện Google cho biết hiện tại những người tham gia kiểm duyệt GMM là những người của Google, các cá nhân nào muốn tham gia có thể liên hệ trực tiếp với Google để thảo luận chi tiết.
Rất nhiều thắc mắc đã được giải đáp trong khuôn khổ buổi hội thảo. Do sự quan tâm của cộng đồng, buổi hội thảo kết thúc khá muộn.
Cộng đồng GMM hết sức hào hứng vì buổi giao lưu đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích, các câu trả lời tự tin và đầy chắc chắn của đại diện Google cũng khiến đa số người có mặt tại hội trường hài lòng. Qua những buổi tương tác như thế này, chúng ta có nhiều hi vọng để những dịch vụ của Google phục vụ thiết thực hơn nữa cho cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới.
Sau hội thảo này, chắc chắn cộng đồng người Việt sẽ tham gia tích cực hơn trong việc đóng góp và xây dựng cho hệ thống dữ liệu bản đồ nói riêng và các ứng dụng mang tính xã hội của Google nói chung. Chia tay nhau, cộng đồng GMM Việt Nam đã gửi tới cộng đồng GMM thế giới một thông điệp: GMM Việt Nam đã sẵn sàng hội nhập cùng cộng đồng GMM toàn cầu để chung tay xây dựng những giá trị mà tại đó mỗi người trên trái đất đều được kết nối bởi nguồn thi thức mở của nhân loại.
HùngNT (Ảnh bài viết do các thành viên cộng đồng GMM cung cấp).
Bình luận
Đề xuất các khu vực tại VN cần cập nhật lại Hình ảnh bản đồ
Mọi người cung cấp thông tin qua form sau: http://goo.gl/v19Zf Nhận đề xuất đến hết ngày 16/05
1 Bạn cần phải viết tên vùng và khu vực Latitude & Kinh độ.
2 Bạn có thể nhận được Latitude và Kinh độ từ http://bit.ly/jaW3eU
và sao chép, dán cùng với tên của khu vực.
3 Bạn phải thêm mô tả ngắn gọn mà tại sao khu vực này đề cập đến nhu cầu
cập nhật hình ảnh.