Ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh: Internet.

Nghiên cứu mới nhất của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cho thấy công nghệ điện thoại di động đang làm biến đổi mạnh mẽ cuộc sống của người dân các nước nghèo trên toàn cầu.

Nghiên cứu của ITU nhấn mạnh công nghệ di động đã được coi là “sự thần kì điện thoại di động” và người dân các nước nghèo đã được hưởng những lợi ích to lớn của “sự thần kỳ” này.

Chỉ trong 10 năm qua, số người dân các nước kém phát triển nhất thế giới (LDC) tiếp cận nối kết tiếng nói và các dữ kiện kinh tế xã hội thông qua công nghệ di động đã tăng từ 1,2% lên 30% dân số, gấp 6 lần mục tiêu 5% dân số vào năm 2011 mà Chương trình hành động Brussels của Liên hợp quốc về phát triển của các nước LDC đề ra. Số người tiếp cận công nghệ di động ở 48 nước LDC năm 2010 đã lên tới 250 triệu người.

Nghiên cứu của ITU khẳng định tiến trình dân chủ hóa và sự tiếp cận nhanh chóng công nghệ di động ở các nước nghèo đã khiến công nghệ này không còn là lĩnh vực dành riêng cho các nước giàu. Các chiến lược thúc đẩy công nghệ thông tin và viễn thông đã góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội của các nước nghèo.

Trong khi số điện thoại cố định ở các nước LDC chỉ tăng vừa phải trong thập kỉ qua, số điện thoại di động ở các nước này tăng vọt với tốc độ tăng trung bình hàng năm 42,6% trong năm năm qua so với tốc độ tăng trung bình 7,1% ở các nước phát triển.

Tuy nhiên, trong thập kỉ qua, mặc dù số người ở các nước LDC sử dụng mạng Internet để tiếp cận các dữ liệu tăng trung bình hàng năm 2,5% nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu 10% vào năm 2010 của Chương trình hành động Brussels.

Tổng Thư kí ITU Hamadoun Touré cho biết mở rộng tiếp cận công nghệ thông tin đã đưa các dịch vụ hiện đại như ngân hàng trực tuyến, thương mại trực tuyến... đến hàng chục triệu người dân ở các nước nghèo.

ITU cũng cam kết một số biện pháp để hỗ trợ các nước nghèo khai thác tốt hơn lợi ích của công nghệ thông tin và viễn thông, đặc biệt là các nước LDC trong Chương trình hành động Istanbul trong thập kỉ tới.

Theo Vietnam+



Bình luận

  • TTCN (0)