Cuối tháng 5 này và nửa đầu tháng 7, hơn 1 triệu thí sinh sẽ tham gia các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển sinh đại học. Trước những nhu cầu bức bách của việc ôn thi, mạng internet Việt Nam có khả năng bị sĩ tử đánh sập.
Thuận tiện
Trong xu thế phát triển của các công nghệ ăn theo internet, việc ôn thi trên mạng đang trở thành một xu thế ngày càng phổ biến với khá đông học sinh tại Việt Nam. Theo thống kê không đầy đủ, trong nước, có khoảng gần 20 website chuyên phục vụ hỗ trợ học tập, ôn thi trực tuyến cho đủ mọi nhu cầu, trình độ khác nhau từ ôn thi đại học, trung học phổ thông cho tới trung học cơ sở và cả… tiểu học hoặc mẫu giáo. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến cho các website dạng như trên được dịp nở rộ theo kiểu “đất lành chim đậu” chính là vì nguồn cung học thêm trên thị trường quá lớn trong khi các lò luyện thi vốn không thể đáp ứng tốt được về chất lượng, nội dung lẫn mức chi phí quá cao. Điều này khiến sĩ tử chạy lên… Internet để tìm tới các lớp ôn thi trực tuyến.
Theo Thủy, học viên một website luyện thi đặt trụ sở tại TP. HCM thì, nếu đi học thêm ở các lò luyện thi cho 3 môn khối A hoặc khối B, nếu học cấp tốc trong một tháng thì học phí cũng lên tới 1 triệu còn trong trường hợp học ôn với thời gian lâu hơn thì mức phí phải trả thậm chí còn lên tới 2-3 triệu hay hơn. “Học ở các trung tâm thường không thoải mái vì điều kiện vật chất thường bị hạn chế, nóng bức,… đôi khi vào lớp học muộn là không có chỗ ngồi hoặc ngồi ghép quá nhiều người trong một bàn khiến việc tiếp thu kiến thức bị ảnh hưởng khá nhiều. Trong khi đó, lên mạng học ôn thì chỉ việc mua thẻ cào và muốn học cái gì, người học có thể chọn trực tiếp những cái mình cần ngay từ bàn học tại nhà, do đó việc học sẽ thoải mái hơn”, Thủy cho hay.
Do đặc điểm của việc học trực tuyến trên mạng là bài giảng luôn luôn có sẵn trong cơ sở dữ liệu của website nên người học có thể chủ động học tiếp, học lại hoặc học ôn các nội dung mình cần chứ không phải học theo trình tự như các lớp ôn. Do đó, nó sẽ giúp tiết kiệm được thời gian ôn thi trong khi người học vẫn có thể củng cố được những phần kiến thức mình bị hổng hoặc cần tăng cường thêm cho các kỳ thi sắp tới, đại diện một website ôn thi trực tuyến thổ lộ.
Cháy mạng
Đặc thù của việc ôn thi online này chỉ nở rộ vào lúc các kỳ thi sắp đến giai đoạn nước rút nên nhiều trang web ôn thi trực tuyến thường lâm vào tình trạng cháy băng thông trong những ngày “nóng bỏng” nhất – khi mà lượng người tìm đến các lớp học đặc biệt dạng này tăng lên ngùn ngụt. “Bình thường website chúng tôi có khoảng vài trăm người đăng nhập một ngày nhưng trong 1-2 tuần trước khi thi bắt đầu thi đại học hoặc thi tốt nghiệp cấp III, lượng người vào web thậm chí có thể tăng lên tới 10.000 người/ngày hoặc thậm chí cao hơn”, Tr – admin một trang web luyện thi trên mạng cho biết. “Và đây là việc khá phổ biến ở những trang web dạng này nên nếu không có phương án đối phó kịp thời, website có thể lâm vào tình trạng giống như đang bị một cuộc tấm công DDoS khủng khiếp”.
Trong những năm đầu khi dịch vụ luyện thi trực tuyến tại Việt Nam vừa ra đời, khá nhiều trang web đi tiên phong đã phải “méo mặt” khi bị sĩ tử “tấn công dồn dập” khiến ban quản trị trở tay không kịp. “Nếu như trước kia, việc luyện thi chỉ đơn giản là đưa các bài kiểm tra dạng flash lên web cùng với các hướng dẫn giải, ôn tập thì nay, do nhu cầu tạo ra môi trường học tập giống như trong các trung tâm luyện thi mà gần như mọi website đều có các kênh video phát các bài giảng thu hình trực tuyến với thầy – cô hướng dẫn ôn tập để người học dễ tiếp thu hơn. Với thời lượng mỗi bài học lên tới 1-2 tiếng thì chỉ cần nhu cầu người dùng tăng lên 100 lần vào cùng một thời điểm là đủ khiến mọi website dạng này kẹt cứng” – một nhà phân tích cho hay.
Khó khăn
Cũng theo Tr., mặc dù các website ôn thi đang được ngày càng nhiều người sử dụng nhưng chính bản thân họ cũng luôn gặp phải các khó khăn không nhỏ trong việc duy trì sự phát triển của chính mình. “Các cơ chế bảo vệ clip hướng dẫn ôn thi của chúng tôi không bị “cướp trộm” thường liên tục bị vượt qua và người học thường tải chúng về máy, sau đó phát tán lên Youtube để chia sẻ free cùng mọi người khác. Điều này khiến nguồn cơ sở dữ liệu của website liên tục bị thất thoát và làm nó mất sức hấp dẫn. Việc truy tìm để yêu cầu loại bỏ những clip dạng này khỏi các website chia sẻ video trên mạng như Youtube, Vimeo,… gần như là một nhiệm vụ bất khả thi”.
Bởi thế, một mặt khi nhu cầu sử dụng tăng mạnh khiến ban quản trị vui mừng vì thu thêm được kinh phí phục vụ cho công việc kinh doanh và có nguồn thu để tăng băng thông web lên mức cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều người hơn thì cũng chính là lúc website dễ bị “ăn trộm” nhất bởi nếu như trước kia, một bài học 1-2 tiếng phải rất lâu mới tải xong thì nay, nếu có chủ tâm, kẻ gian có thể lấy chúng đi trong một khoảng thời gian ngắn. Như vậy, kho dữ liệu cả trăm video kỳ công xây dựng có thể bị cuỗm mất chỉ trong một ngày và như vậy – xem như website mất trắng”.
Bình luận