Jean Bartik (phía phải) (ảnh: en.wikipedia.org)
Nói đến CNTT, chắc chắn những cái tên bật ra đầu tiên trong đầu bạn sẽ là Bill Gates, Steve Jobs, Andy Grove hay Vint Cerf...Tuy nhiên những người mà TTCN sẽ nói tới sau đây lại là những cái tên "lạ hoắc" mà có lẽ bạn ít khi thấy nhắc đến, song chính họ lại là những người đã vẽ nên diện mạo của nền công nghiệp không khói có tốc độ phát triển lớn nhất trong lịch sử loài người.

Hãy tưởng tượng, nếu không có họ chắc sẽ chẳng bao giờ có những ".com", địa chỉ @ trong thư điện tử hay vô vàn những điều tưởng như rất nhỏ nhặt nhưng vô cùng quan trọng khác.

1. Jean Bartik: Lập trình viên đầu tiên của hệ thống máy tính ENIAC

Một trong những người phụ nữ vĩ đại nhất của ngành CNTT. Bà sinh ngày 27/12/1924 tại bang Missouri, Hoa Kỳ, tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm miền Tây Bắc bang Missouri ngành toán. Năm 1954 bà được mời về làm việc tại đại học Pensylvania. Khi hệ thống máy tính ENIAC được xây dựng, bà là một trong những người đầu tiên đã tham gia với tư cách là một lập trình viên. Sau đó bà tham gia vào nhóm nghiên cứu chuyển đổi ENIAC thành hệ thống máy tính lưu trữ các chương trình.

Năm 1997 bà được vinh danh tại ngôi nhà danh vọng quốc tế dành cho những người phụ nữ tham gia hoạt động công nghệ (Women in Technology International Hall of Fame) cùng với những nhà lập trình đầu tiên của thế giới.

2. David Bradley: Người phát minh tổ hợp phím Ctrl-Alt-Del

Ảnh
David Bradley- cha đẻ của tổ hợp phím

Bradley cho biết ông đã giành được nhiều thành công rực rỡ trong ngành CNTT sau nhiều năm lao động nhưng ông chỉ trở nên nổi tiếng với việc phát minh ra cách boost máy "nóng" bằng tổ hợp phím Ctrl-Alt-Delete, một thành công nằm ngoài dự tính trong sự nghiệp.

Bradley là một trong 12 kĩ sư của nhóm phát triển đầu tiên các sản phẩm IBM PC. Trong dòng phát triển của kỉ nguyên máy tính, phát minh của ông chỉ là một điều hết sức nhỏ, song nhờ có nó, lần đầu tiên người ta mới biết tới công dụng của tổ hợp phím. Khi làm việc với các máy tính IBM đầu tiên, công việc của những người kĩ sư là phải tắt máy và khởi động lại nhiều lần. Việc này mất ít nhất là 1 phút bởi chế độ Power On Self Test (POST) đã được tích hợp sẵn.

Ngày nay các máy tính Windows thực hiện POST khi chúng khởi động lại thông qua ROM, song ở thời kì đó, tùy theo công việc máy đang thực hiện mà việc này có thể mất tới hàng giờ, thậm chí là hàng ngày! Chính vì thế Bradley đã nghĩ tới việc sủ dụng tổ hợp phím Ctrl-Alt-Del. Khi người ta ấn cùng lúc 3 phím này, máy tính sẽ tự khởi động lại luôn mà bỏ qua chế độ POST. Việc sử dụng 3 phím này là do chúng đủ xa nhau trên bàn phím để không xảy ra trường hợp người sử dụng máy vô tình ấn cả 3 phím, dẫn đến việc khởi động nhanh máy ngoài ý muốn. Sự tiện dụng của việc dùng tổ hợp phím này nhanh chóng lan rộng trong giới lập trình cũng như người sử dụng cuối

Trong sự nghiệp của mình Bradley còn có nhiều đóng góp khác cho nền công nghệ như: phát triển ROM BIOS cho thế hệ máy IBM đầu tiên, trưởng nhóm phát triển ROM BIOS và phân tích hệ thống trên máy PC/XT, quản lí dự án về các model PS2...

Nghỉ hưu năm 2004, Bradley đã được trao tặng các giải thưởng công nghệ và sẽ mãi được nhắc đến như là một trong những người đầu tiên xây dựng hệ thống máy tính IBM và tất nhiên - cha đẻ của tổ hợp phím phổ biến ngày nay.

Ảnh
Lynn Conway

3. Lynn Conway & Carver Mead: Cuốn sách làm thay đổi thế giới

Có lẽ khi viết cuốn sách "Introduction to VLSI Design" năm 1980, Conway và Mead không thể nghĩ được rằng phương pháp thiết kế chip, sau này được gọi là "cuộc cách mạng Mead & Conway", được mô tả trong đó lại làm thay đổi thế giới đến như vậy. Trước khi 2 người làm việc trong lĩnh vực thiết kế chip, lĩnh vực này tiến triển hết sức chậm chạp. Các nhà thiết kế hệ thống số những năm giữa thập kỉ 70 đang đau đầu với bài toán nâng cao hiệu năng xử lý tín hiệu mà lại phải đảm bảo kích thước thiết bị giảm tới mức tối thiểu. Cuốn sách trình bày các phương pháp VLSI để kết hợp hàng chục ngàn transistor trên một con chip đơn của 2 tác giả này ra đời đã gây nên một tiếng vang lớn. Hơn 70 ngàn bản đã được bán hết. Cuốn sách trở thành "cẩm nang" cho các nhà thiết kế chip trong hàng thập kỉ. Các công ty bán dẫn lớn ứng dụng công nghệ mới này nhanh chóng ra đời và lịch sử của ngành sản xuất chip bắt đầu bước vào một giai đoạn phát triển rực rỡ.

Ảnh
Carver Mead

Trước khi viết cuốn sách, Conway đã tham gia giảng dạy một khóa học tại đại học MIT năm 1978 về phương pháp mới này. Chỉ sau 1 học kì và 2 tuần lễ hoàn thiện, sinh viên tại đây đã thiết kế được những con chip mới có năng lực khá mạnh. Năm 1979, khóa học mở rộng ra 12 trường đại học khác và cho kết quả tương tự. Chỉ trong vòng 2 năm, hơn 110 đại học tại Mỹ đã đưa ra các khóa học dựa trên giáo trình là cuốn sách của Mead và Conway. Cơ quan quản lý nghiên cứu công nghệ cao của bộ quốc phòng Mỹ đã ủng hộ các trường đại học tham gia nghiên cứu lĩnh vực mới này và sau đó đã phát triển thành các chip phục vụ cho các giao thức chuyển đổi dữ liệu tốc độ cao trên Internet gọi là MOSIS.

Ảnh
Mô hình thiết kế chip VLSI

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ sản xuất chip đã dẫn tới việc hình thành trung tâm công nghệ cao của nước Mỹ - thung lũng Silicon đặt tại California, nơi tập trung những công ty lớn nhất thế giới về sản xuất chip. Mặc dù Conway cho rằng nếu 2 người không tìm ra phương thức sản xuất chip này thì vẫn sẽ có những người khác tìm ra, song không thể phủ nhận, đó là 2 "ông tổ" của ngành sản xuất chip hiện đại.

4. Marty Goetz: Người có bằng sáng chế phần mềm đầu tiên trong lịch sử

Cuộc tranh cãi kéo dài 15 năm cuối cùng đã kết thúc khi Marty Goetz nhận tấm bằng sáng chế phần mềm đầu tiên trong lịch sử. Không phải là nhà viết phần mềm đầu tiên trên thế giới, song Marty Goetz đã liên tục đứng đầu cuộc chiến chống lại sự độc quyền của IBM trong suốt những năm 60, đặc biệt là trong vấn đề đóng gói tất cả các phần mềm riêng biệt như là một bộ phận của hệ điều hành của họ.

Bài học lịch sử về kinh doanh này, cho đến ngày nay vẫn còn có tác dụng đối với các nhà cung cấp phần cứng, cuối cùng đã cho đáp án đúng về phía các nhà phát triển phần mềm. Nói về điều này, Goetz, hiện đã nghỉ hưu và sống tại New Jersey, cho biết "nếu bạn muốn tóm gọn lại, thì câu chuyện của tôi không phải là về vấn đề bằng sáng chế phần mềm, mà là bảo vệ phần mềm".

Ảnh
Mart Goetz

Mặc dù ngày nay, vấn đề bản quyền đã được thừa nhận trên toàn thế giới thì 32 năm về trước, thật ngạc nhiên là người ta lại chẳng coi nó là quan trọng. Goetz khi đó là một lập trình viên giầu kinh nghiệm, đã từng làm việc cho IBM và Sperry Rand Corp., bắt đầu làm việc cho Applied Digital Research (ADR) khi nó được thành lập vào năm 1959. Ông đã viết ra nhiều chương trình giúp các mainframe thời kì đó làm việc với một hiệu suất rất cao. Tuy nhiên những thành quả của ông không được đánh giá đúng mức. Goetz tự hỏi "phần cứng có bằng sáng chế, vậy tại sao phần mềm lại không ?" và ông bắt đầu đệ trình đơn xin cấp bằng phát minh ngày 8/4/1965. 3 năm sau đó, ngày 28/4/1968 ông đã được cấp bằng phát minh của Mĩ có số 3 380 029 cho phần mềm "Sorting System".

Không dừng lại ở đó, Goetz tiếp tục xin cấp bằng cho một sản phẩm về chương trình vẽ biểu đồ được gọi là Autoflow. Ông gọi đó là một bước tiến lớn trong việc chống lại những cái mà IBM thường cung cấp miễn phí cho khách hàng thời kì đó. Chương trình này của Goetz giúp các khách hàng có thể vẽ biểu đồ thông qua việc nhập dữ liệu vào máy, máy in sẽ tự động in ra chứ không cần phải vẽ tay, đã được công nhận bản quyền vào tháng 10/1970.

Ảnh
Trang nhất computerworld năm 1968

Tuy nhiên, công việc của Goetz đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, đặc biệt là giới truyền thông. Patrick McGovern, chủ bút của tờ Computerworld đã khơi mào cho cuộc tranh cãi về việc các nhà cung cấp phần cứng sẽ bán gì cho khách hàng khi họ chỉ có phần cứng mà không có phần mềm. Trong khi đó IBM tiếp tục cung cấp phần mềm vẽ biểu đồ cho khách hàng của mình. Goetz đã tranh đấu kịch lệt và đến năm 1968, với sự giúp sức của bộ tư pháp Hoa Kỳ, ông đã thành công trong việc kiện IBM đòi bồi thường. Phán quyết của bộ tư pháp cho biết, IBM với hơn 80 phần trăm thị phần cung cấp phần cứng đã gây trở ngại cho sự phát triển của công nghiệp phần mềm Mỹ từ những năm 60. Thắng lợi của Goetz đã mở đườn cho sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm. Các công ty phần mềm lớn lần lượt ra đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Còn tiếp...

Quang Tùng (theo ComputerWorld)



Bình luận

  • TTCN (0)