Thời tiết ẩm ướt hay trời mưa là “khắc tinh” của chú “dế” mà bạn đang sở hữu. Dù chỉ một ít nước ngấm vào cũng sẽ “sẵn sàng” làm chiếc di động có vấn đề ngay. Vậy, làm thế nào để giữ được “cục” liên lạc quan trọng này?
Mưa và thời tiết ẩm thấp đúng là một kẻ thù dấu mặt của điện thoại. Thời tiết ẩm thường gây ra các lỗi như màn hình bị chập, đèn lúc sáng lúc không vì bộ vi điện thoại bị mốc.
Nếu chẳng may chú dế của bạn gặp phải những trường hợp như đã nêu hoặc đi mưa bị ướt, thì đây là những mẹo rất hữu ích có thể sấy khô ngay. Thứ nhất, bạn có thể đặt máy dưới một bóng đèn điện tròn, nhiệt lượng tỏa ra từ bóng đèn sẽ có thể làm nước bốc hơi nhanh hơn. Lưu ý không được đặt điện thoại quá gần đèn.
Lỗ thoát nhiệt trên thành tivi hoặc màn hình máy tính cũng là một gợi ý hay cho việc tận dụng nhiệt và hơi nóng làm khô máy. Lưu ý trong trường hợp này là hãy đặt chiếc điện thoại của bạn cẩn thận, đừng để rơi máy.
Ngoài ra, những phương pháp khác như bỏ máy vào một chiếc bao kín với các gói hút ẩm (có thể dễ dàng tìm thấy trong những thùng giày, thùng đựng thiết bị điện tử), hay với một nhúm gạo khô và sạch cũng có thể giúp rút ngắn thời gian chờ đợi máy khô ráo hẳn.
Quan trọng nhất là khi đang đi trên đường, bỗng gặp trời mưa, bạn chỉ cần... bỏ điện thoại vào cốp xe hoặc bỏ vào trong giỏ xách. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể tắt nguồn điện thoại để phòng tránh rủi ro có thể xảy ra.
Với điều kiện hiện nay, ít ai nghĩ rằng mình phải cần tới một chú dế quá nồi đồng cối đá làm gì. Trên thực tế, nhiều khi lại rất cần thiết đấy chứ. Dưới đây là một số mẫu điện thoại được đánh giá cao khi vượt qua được các điều kiện khắc nghiệt, vẫn “vận hành trơn tru” và quan trọng hơn, giá khá rẻ, chưa đến 2,5 triệu đồng.
Samsung B2100 Xplore
Ngay khi ra mắt trên thị trường, chú “dế” này đã được Samsung cho biết có khả năng “vượt đồi núi, xuống biển sâu”. Chiếc điện thoại “nồi đồng cối đá” này có các tính năng đủ sức đồng hành với những người thích thám hiểm dưới lòng đại dương hay vượt núi vượt đồi.
Samsung B2100 Xplorer hoạt động trên mạng GSM (850/900/1900 MHz) 3 băng tần, hỗ trợ kết nối EDGE. Đáp ứng các tiêu chuẩn của quân sự về độ bền, được làm từ chất liệu urethan chống sốc, hoạt động tốt trong các môi trường khắc nghiệt. B2100 Xplorer có thể “thám hiểm” dưới mực nước sâu 1m trong vòng 3 phút, điều này có nghĩa, chả may nó bị dính mưa thì cũng không hề hấn gì mấy.
B2100 Xplorer chỉ mỏng 1,7 cm - là chiếc điện thoại “nồi đồng cối đá” mỏng nhất trên thị trường. Nó cũng được tích hợp khá đầy đủ các tính năng cần có của một chiếc di động thời thượng hiện nay như có bộ loa ngoài hoạt động rất tốt, máy sử dụng công nghệ lọc tiếng ồn và đèn flash LED hỗ trợ máy ảnh 1,3 megapixel khi chụp trong ánh sáng tối… Giá tham khảo trên thị trường của B2100 Xplorer khá mềm, chỉ 1,95 triệu đồng.
Sony Ericsson C702
Được thiết kế với tính năng nổi bật nhất là chịu nước. Theo nhà sản xuất, C702 cho phép sử dụng trong những môi trường ẩm ướt mà không ảnh hưởng, hay hỏng điện thoại. Sony Ericsson C702 với máy ảnh 3,2 Megapixel cho phép chụp các bức hình trong điều kiện thời tiết xấu như mưa, gió mà không hề ảnh hưởng đến máy bởi có lớp vỏ chịu nước.
C702 với thiết kế nam tính, máy ảnh có nắp đậy ở phía sau. Máy được tạo bởi lớp vỏ cao su phía sau, mặt trước và xung quanh được làm bằng kim loại nhưng khi sử dụng lại cảm giác giống như là nhựa cứng.
Tính năng được nhắc đến nữa của C702 lại là chụp hình. Mặt sau máy, camera 3,2 Megapixel được hỗ trợ hai đèn LED và nắp bảo vệ. Bên cạnh đó, thiết bị này còn có tính năng dò tìm khuôn mặt, tự động canh nét cũng như mở rộng ảnh. C702 là một trong những điện thoại đầu tiên của Sony Ericsson hỗ trợ tính năng GPS cùng với C902 hay X1. Máy cài đặt sẵn phần mềm Google Maps và Wayfinder.
Pin của C702 nằm ở mức trung bình với 2 ngày sử dụng bình thường. Nếu người dùng sử dụng nhiều các tính năng như bật màn hình sáng và kết nối GPS thì thời gian chỉ khoảng một ngày. Hiện giá của model này trên thị trường Việt Nam là khoảng 2,35 triệu đồng.
Theo VnMedia
Bình luận