Trong một vài năm trở lại đây, phương tiện bay không người lái (UAV) ngày càng tham gia nhiều hơn vào các chiến dịch quân sự trên thế giới. Đặc biệt, quân đội Mỹ đã đưa máy bay không người lái có vũ trang vào các chiến trường.

UAV giống máy bay truyền thống trên nhiều phương diện, song buồng lái của chúng chứa những thiết bị do thám và thường được trang bị tên lửa cũng như bom.

UAV được phóng lên không trung gần những khu vực chiến sự. Sau khi cất cánh chúng được điều khiển từ xa thông qua tín hiệu vệ tinh. Người điều khiển chúng là những phi công ở cách xa chiến trường hàng nghìn km.

Sự xuất hiện của UAV giải quyết được hai yêu cầu hàng đầu của quân đội hiện đại: hạn chế thương vong và giảm thiểu chi phí. Thứ nhất, nếu chúng bị bắn hạ thì sẽ chẳng có phi công nào thiệt mạng. Thứ hai, chi phí để sản xuất và vận hành UAV thấp hơn nhiều so với phản lực cơ chiến đấu truyền thống. Hiện nay quân đội Mỹ có hơn 7.000 UAV.

Hãy cùng tạp chí Discovery khám phá một số đại diện tiêu biểu nhất cho công nghệ UAV siêu việt của Mỹ:

Eagle Eye

Với sải cánh khoảng 7,5m và chiều dài khoảng 5,5m cùng với một động cơ Allison 250-C20 GT 420 shp, Eagle Eye có thể bay lượn ở độ cao hơn 6.000 mét và bay liên tục trong 8 giờ đồng hồ mà không cần nạp nhiên liệu. Chiếc máy bay do thám không người lái này có khả năng tải khoảng hơn 90 kg. Được trang bị đồng thời các bộ cảm biến SAR/FLIR/TV và hệ thống ngắm mục tiêu laser, Eagle Eye có thể tìm kiếm, khóa chặt và thả vũ khí để tiêu diệt mục tiêu. Các hoạt động bay và do thám của loại UAV này được điều khiển thông qua một ăng-ten và trạm điều khiển tại mặt đất. Trong tương lai, Eagle Eye có thể được lập trình để tự điều khiển và hoạt động tự động trên các chiến trường.

Hunter

Hunter là một máy bay không người lái được Israel Aircraft Industries, công ty tư nhân lớn nhất của Israel, thiết kế cho quân đội Mỹ. Nó có các chức năng điều chỉnh pháo, đánh giá mức độ thiệt hại trên chiến trường, do thám và giám sát, xác nhận mục tiêu cũng như quan sát nắm tình hình chiến trường. Loại UAV này sẽ lượn lờ trên các chiến trường, quan sát mọi động tĩnh diễn ra bên dưới, tìm kiếm và xóa sổ mục tiêu.

Được trang bị động cơ piston 2X Mercedes-Benz, hệ thống quan sát và truyền hình hồng ngoại cho phép Hunter có thể thực thi nhiệm vụ do thám/giám sát cả ban ngày lẫn ban đêm. Nó còn có thể phát hiện và đuổi theo một mục tiêu di động trên mặt đất, khóa mục tiêu và rọi tia laser dẫn đường để đơn vị chỉ huy tại mặt đất có thể phóng tên lửa tìm và diệt kẻ tình nghi.

Hunter không phải là máy bay hoàn toàn tự động nên mọi chức năng chính của nó đều được điều khiển từ xa thông qua một trạm điều khiển mặt đất. Các chức năng được con người điều khiển bao gồm lên kế hoạch tác chiến, thao diễn trên không và phóng vũ khí. Loại UAV này đã phục vụ trong quân đội Mỹ suốt từ năm 1993 và sẽ tiếp tục được sử dụng trong tương lai.

Reaper

Đây là mẫu máy bay không người lái có tầm bay cao và xa, là một “kẻ rình mò” tinh quái trên bầu trời. Reaper được thiết kế và chế tạo tại hãng General Atomics. Nó có khả năng đạt tốc độ hành trình 480 km/h, thời gian hoạt động trên không đến 36 giờ. Loại UAV này được trang bị một loạt các thiết bị cảm biến và radar khẩu độ lớn, trên thân có bảy điểm treo cho tên lửa không đối đất và bom, trọng lượng tổng cộng 1,7 tấn.

MQ-9 là phiên bản nâng cấp mới nhất của dòng Reaper. Chiếc UAV này cần tới 2 người điều khiển: một người điều khiển chính và một người điều khiển riêng bộ phận cảm biến. Căn cứ chính của Reaper đặt tại vùng xa mạc gần Las Vegas. Được trang bị động cơ tua-bin phản lực cánh quạt Honeywell TP331-10 nên MQ-9 Reaper có thể mang theo một trọng lượng lên tới 1,5 tấn. Do đó, không quân Mỹ thường sử dụng chiếc UAV này để mang bom và tên lửa hành trình. Camera của MQ-9 Reaper có thể đọc được chữ trên tấm bảng cách đó 3,2 km.

Trong tương lai, không quân Mỹ sẽ thêm tính năng cho Reaper để loại UAV này có thể chở theo tên lửa “không đối không”.

ScanEagle

Chiếc Boeing/Insitu ScanEagle là mẫu máy bay do thám nhỏ, với thiết kế không đuôi và cánh chỉa theo hình mũi tên. Mẫu UAV này được trang bị động cơ 2 kì gắn ở phía sau, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ do thám ở độ cao gần 5.000m và thời gian tối đa cho mỗi nhiệm vụ là khoảng 19 giờ đồng hồ.

ScanEagle sẽ cất cánh nhờ vào sự hỗ trợ của một bệ phóng khí nén, sau đó động cơ của nó mới bắt đầu hoạt động. Khi hạ cánh, ScanEagle sẽ được một hệ thống gọi là Skyhook – gồm một sợi dây buộc vào một cái cọc – tự động tóm lấy nó. Nhờ vào hệ thống dẫn đường GPS (hệ thống định vị toàn cầu) mà UAV này có thể hoàn toàn tự chủ trong mỗi lần thực thi nhiệm vụ, tức là nó sẽ tự động bay theo những điểm đã được GPS xác định trước, và đồng thời sẽ thu lại hình ảnh toàn cảnh trên hành trình bay của mình nhờ sử dụng hoặc là camera điện quang, hoặc là camera hồng ngoại.

Các đội trinh sát ScanEagle đã được quân đội Mỹ triển khai tại chiến trường Iraq để làm nhiệm vụ tuần tra, thu thập dữ liệu do thám rồi sau đó gửi thông tin về các căn cứ mặt đất.

Vigilante

Thiết kế của Vigilante được lấy cảm hứng từ máy bay trực thăng mô hình được sản xuất dành cho mục đích giải trí. Mẫu Vigilante đầu tiên vẫn chừa không gian cho một phi công, nhưng những mẫu sau này, như mẫu 502, được thiết kế hoàn toàn cho các chuyến bay không người lái.

Vigilante 502 có thể đạt độ cao tối đa gần 4.000m và vận tốc 117 hải lí/giờ. Với kích thước cao 2,4m, rộng 0,6m và dài 8m, phiên bản 502 khá nhỏ so với các mẫu trực thăng khác và là một trong những mẫu hoạt động linh hoạt và hiệu quả nhất trong các dòng UAV. Nó có thể lật, lượn, xoay vòng, bổ nhào… vô cùng dễ dàng với tải trọng đến hơn 180 kg dành cho các thiết bị cứu hộ hoặc vận tải hàng hóa.

Để cất/hạ cánh, Vigilante chỉ cần một khu vực có đường kính khoảng 6m. Đây là một ưu điểm của mẫu UAV này, nó đặc biệt có ích cho Hải quân vì có thể thực thi nhiệm vụ trên các tàu khu trục cỡ nhỏ và các loại tàu chiến cỡ nhỏ khác.

Mẫu 502 được trang bị động cơ tăng áp 4 thì 4 xy-lanh Rotax 115-hp. Với thời gian hoạt động 4 giờ đồng hồ, Vigilante 502 có thừa năng lực và thời gian để truy tìm mục tiêu và “đánh nhanh rút gọn”. Ngoài ra, mẫu 502 này có thể thực hiện các chuyến bay do thám tầm thấp ở những khu vực dân cư đông đúc mà không bị phát hiện cũng như có thể bay giữa các thân cây ca hay những tòa nhà cao tầng.

WASP

Bộ tư lệnh Không quân đặc biệt Mỹ (gọi tắt là AFSOC) và Hải quân Mỹ đã đạt được bước tiến mới trong công nghệ do thám trên không nhờ vào thiết bị không người lái mini Wasp III. Với sải cánh chỉ 72 cm và cân nặng chưa đến 0,5 kg, Wasp III và mô-đun điều khiển của nó có thể được gói gọn trong một chiếc ba lô học sinh.

Chiến trường luôn là nơi nguy hiểm và thời gian luôn là yếu tố quyết định. Wasp III được thiết kế để đối đầu với “sự sợ hãi” này. Khi có nhiệm vụ, Wasp III sẽ được gắn lên bệ phóng, chỉ với vài thao tác đơn giản kéo/thả là nó đã lao đi làm nhiệm vụ. Thời gian cho mỗi nhiệm vụ là 45 phút ở độ cao tối đa 182m. Một khi đã ở trên không, nó gần như trở nên vô hình nếu nhìn bằng mắt thường.

Wasp III được trang bị 3 camera cho các nhiệm vụ quan sát thăm dò, trong đó có 1 camera hồng ngoại phục vụ cho các nhiệm vụ do thám ban đêm hay các nhiệm vụ đặc biệt khác.

Theo Vietnamnet



Bình luận

  • TTCN (0)