Một số chuyên gia tin rằng cuộc chiến bản quyền liên quan đến chiếc điện thoại thông minh (smartphone) sẽ khiến chi phí sản phẩm gia tăng. Và tất nhiên, người tiêu dùng phải gánh chịu khoản phí này.
Dày đặc các vụ kiện tụng
Những vụ kiện tụng liên quan đến bản quyền smartphone vừa qua của Apple và Samsung chỉ là những vụ kiện mới nhất trong hàng loạt kiện tụng leo thang của các đại gia di động trong 18 tháng qua.
Sau hơn 40 vụ kiện, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy tranh chấp sẽ giảm dần, khiến nhiều chuyên gia lo ngại “cuộc chiến tranh bản quyền” liệu có là dấu hiệu về một thị trường lành mạnh hay sẽ cản trở những phát kiến tương lai. Các đại gia cạnh tranh nhau ở mọi mặt, giá cả, bản quyền và quảng cáo. Cuộc chiến này được ví là một cuộc “Chiến tranh thế giới thứ 3”.
Kể từ đầu năm 2010 đã có rất nhiều smartphone và những vụ kiện liên quan đến smartphone trên toàn cầu, song dường như không vụ việc nào có được một phiên tòa và một phán xử xác đáng.
Florian Mueller, một nhà hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cho biết danh sách kiện tụng bắt đầu dày đặc vào năm 2010.
Liên quan đến hệ điều hành Android, đã có 41 vụ kiện kể từ đầu năm ngoái. Google, hãng sản sinh ra nền tảng Android, thường là người bị kiện. Còn Apple từng là người đứng đơn kiện trong ít nhất là 3 vụ việc, bắt đầu vào tháng 3/2010 chống lại HTC – hãng sản xuất smartphone Android lớn nhất. Tháng 10/2010 Apple còn đệ đơn kiện Motorola.
Các luật sư bản quyền dự đoán rằng sẽ có nhiều vụ kiện tụng không chỉ liên quan đến smartphone mà còn những tranh chấp liên quan đến các công nghệ không dây như LTE.
Một ngàn lẻ một … lí do kiện
Những vụ kiện gần đây của Apple chống lại Samsung đã liệt kê 10 lỗi vi phạm bản quyền và 2 lỗi vi phạm nhãn hiệu đăng kí thương mại trên một số smartphone Samsung và trên máy tính bảng Galaxy Tab.
“Samsung đã copy công nghệ sáng tạo của Apple, giao diện người dùng độc đáo và phong cách thiết kế sản phẩm thẩm mĩ của Apple, vi phạm các quyền tài sản trí tuệ giá trị của Apple”, “Quả Táo” đã viết như thế trong đơn kiện.
Chỉ 1 tuần sau đó, Samsung lại đệ đơn lên chính quyền ở 3 quốc gia, tuyên bố Apple vi phạm bản quyền smartphone của Samsung. Ngay sau đó, công ty tiếp tục gửi đơn kiện lên quốc gia thứ tư.
Các luật sư bản quyền đều không đề cập đến tính xác thực của những tuyên bố nêu trong đơn kiện, mà chỉ nói đến việc các bản quyền được viết và cấp như thế nào, đồng thời nêu lên sự cần thiết tránh những hiểu nhầm, sao chép lẫn nhau.
“Phần lớn những tuyên bố này đều do các công ty đang cạnh tranh lẫn nhau muốn chiếm một phần trong miếng bánh thị trường smartphone”, Mitchell Stein, một luật sư sở hữu trí tuệ ở Los Angeles nói, “Mặc dù vậy, nói cho cùng thì tôi cũng thấy có một số tuyên bố xác đáng”.
“Có một tuyên bố khiến tôi rất sốc là Apple kiện Amazon về cửa hàng ứng dụng Android của Amazon, có tên là Amazon Appstore”, ông nói thêm, lưu ý rằng kho ứng dụng của Apple đã có tên là App Store. “Vì thế, Apple nghĩ rằng Amazon không thể gọi kho ứng dụng của họ là “appstore”? Điều đó cho thấy sự sáng tạo và hiếu chiến của các công ty trong lĩnh vực này”, Mitchell Stein nhận định.
Một số vụ kiện tụng liên quan đến chiếc smartphone do những công ty không nổi tiếng khơi mào, như hãng NTP, từng mua hoặc đạt được một số lượng lớn bản quyền. NTP trở nên nổi tiếng sau khi thắng vụ kiện trị giá 612,5 triệu USD với hãng RIM vào tháng 3/2006. Vụ kiện này kéo dài tới 4 năm liền. Tháng 7/2010, NTP tiếp tục đệ đơn kiện chống lại một loạt đại gia Apple, Google, LG, Motorola, Microsoft và HTC.
Donald Stoute, đồng sáng lập NTP, tuyên bố việc sử dụng tài sản trí tuệ mà không được phép “thật không công bằng với NTP và các giấy phép của công ty”.
“Bạn sẽ chứng kiến các hãng smartphone cạnh tranh nhau kiện tụng lẫn nhau trong vài năm nữa, nhưng các vụ kiện do những công ty kiểu NTP khơi mào sẽ còn kéo dài, chống lại các đại gia di động nổi tiếng vì những vụ kiện mang lại cho họ những khoản tiền lớn nhất”, luật sư bản quyền Greg Bishop ở California nói.
Gánh nặng tài chính …
Các luật sư cũng cho biết chi phí của các vụ kiện bản quyền tương đối thấp so với chi phí phát triển và marketing một chiếc điện thoại thông minh. “Không một công ty nào dính líu đến các vụ tranh chấp nao núng vì chi phí kiện tụng. Vì thế, kiện tụng là một gánh nặng, nhưng là một gánh nặng mà các công ty sẵn sàng chịu đựng”, Greg Bishop nói và cho biết thông thường chi phí một vụ kiện bản quyền giao động từ 5-10 triệu USD.
Tuy vậy, một số luật sư dự đoán rằng chi phí bản quyền sẽ “sớm trở thành khoản chi phí lớn nhất để xây dựng một chiếc điện thoại thông minh”.
Các vụ kiện bản quyền liên quan đến hệ điều hành Android và các mẫu máy Android hiện đang là trung tâm của cuộc chiến smartphone, một phần bởi phần mềm nguồn mở này đã nhanh chóng thống lĩnh thị trường. Theo hai hãng nghiên cứu lớn Gartner và IDC, vào cuối năm 2010 Android đã là nền tảng smartphone lớn nhất thị trường.
Bản chất của một hệ điều hành nguồn mở Android đã dẫn đến sự bùng nổ nhanh chóng trên toàn cầu của nó. Nhưng bản chất nguồn mở cũng khiến Android mỏng manh hơn trong khâu phòng thủ.
Dường như Google tin rằng phần mềm Android được viết với loại “giấy phép công cộng”. Chính vì thế, các luật sư cho rằng Google đã khiến toàn bộ hệ sinh thái của hãng trở nên “yếu đuối” trước các rủi ro kiện tụng. Hồ sơ bản quyền của Google cũng “quá yếu” và Google cần có thêm nhiều thỏa thuận về giấy phép, bản quyền hơn nữa với các nhà sản xuất phần cứng và phần mềm. “Đây là một sự yếu kém trầm trọng về chiến lược của Google, và nó cũng cho thấy Google có rất ít trách nhiệm trong ma trận bản quyền này”, Greg Bishop kết luận.
Gần đây Google đã thua một vụ kiện, trên cuộc chiến smartphone nói riêng, và trên công nghệ nguồn mở nói chung. Hãng Bedrock Computer Technologies đã đệ đơn kiện Google hồi năm 2009, cho rằng Google vi phạm một trong các bản quyền liên quan đến Linux của họ. Thẩm phán đã xử Google phải trả cho Bedrock 5 triệu USD.
Và hệ quả
James Madison, Tổng thống thứ 4 của Mỹ, có lẽ không bao giờ hình dung nổi các cuộc chiến tranh bản quyền điện thoại thông minh ngày nay, khi ông đặt ra những điều luật vào năm 1787, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dành cho các tác giả văn học. Cuộc chiến smartphone đang tạo ra những định nghĩa mới về tranh chấp bản quyền.
Các chuyên gia cho rằng giá trị của thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đạt hơn 100 tỉ USD hàng năm, song tỉ suất lợi nhuận đang co dần lại và vì thế cạnh tranh càng khắc nghiệt. Những yếu tố đó đồng nghĩa với việc “giành được một lợi thế nào đó về giấy phép, bản quyền, hoặc khiến đối thủ phải mất nhiều chi phí, tiền bạc hơn vào việc phát triển, quảng bá sản phẩm là điều rất quan trọng”.
Trong khi đó, sự hội tụ của viễn thông và công nghệ máy tính vào smartphone càng khiến số bản quyền gia tăng, và tính phức tạp của cuộc chiến smartphone càng cao. Các cuộc chiến bản quyền smartphone ngày nay thực sự độc nhất và chưa hề có tiền lệ.
Một số chuyên gia thị trường tin rằng những cuộc chiến bản quyền này sẽ khiến chi phí điện thoại thông minh gia tăng. Và tất nhiên, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu khoản phí này. Tranh chấp cũng khiến những công ty sáng tạo nhỏ ngại va chạm tránh xa thị trường smartphone.
Giáo sư Jonathan Asking của trường Luật Brooklyn lo ngại kiện tụng sẽ làm hạn chế sáng tạo. “Thật không may, với người tiêu dùng và các nhà sáng tạo, mỗi một công nghệ mới lại không được sử dụng mà loay hoay trong phòng xử án với hàng loạt công ty cạnh tranh kiện tụng, tranh chấp lẫn nhau”, ông nói.
“Từ xưa đến nay, các công ty điện thoại luôn phải chi nhiều tiền cho các luật sư hơn bất cứ ngành công nghiệp nào”, Jonathan Asking nói thêm. “Những khoản tiền này sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn khi được dùng vào nghiên cứu và phát triển, hay ít nhất là marketing cho người tiêu dùng”.
Tuy vậy, cũng một số luật sư bản quyền lại không đồng ý, và nói rằng họ tin các vụ tranh chấp bản quyền trong smartphone là một tín hiệu của thị trường lành mạnh và sáng tạo.
Theo ICTnews
Bình luận