Không thể duy trì “sự sống”, nhiều doanh nghiệp (DN) làm phần mềm nguồn mở (PMNM) tại Việt Nam đã đóng cửa và nhiều sản phẩm nguồn mở Việt không còn xuất hiện trên thị trường.
“Khai sinh” đã hơn 1 thập kỉ
Theo ông Tạ Quang Thái, Giám đốc Asianux Việt Nam, ở nước ta, PMNM manh nha phát triển từ năm 1998 theo nhiều luồng khác nhau. Luồng thứ nhất, trong các trường học, nơi sinh viên tìm đến các “kho” PMNM để lấy miễn phí mã nguồn về nghiên cứu, xây dựng nên các sản phẩm phục vụ học tập, thi cử.
Đáng tiếc, sau khi sinh viên ra trường thì các sản phẩm này cũng “tự động” ngừng phát triển bởi không có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hoặc các cơ quan Nhà nước.
Để tiếp thêm “sinh khí” cho những PMNM do sinh viên nghiên cứu phát triển, từ năm 2009 đến nay, một số tổ chức phi lợi nhuận như Hội Tin học Việt Nam, Viện Tin học Pháp ngữ… đã cổ vũ bằng cách tổ chức các cuộc thi như Mùa hè sáng tạo viết ứng dụng cho PMNM…
Thứ hai, các viện nghiên cứu, viện khoa học công nghệ sử dụng nguồn mở làm những sản phẩm nhúng trong thiết bị. Đã có nhiều thiết bị đóng gói sử dụng nguồn mở phục vụ cho ngành công an, quân đội như thiết bị an ninh, dò quét mạng, hoặc thiết bị dẫn đường GPS… được “xuất xưởng”.
Và luồng thứ ba là từ các DN CNTT-TT. Với đặc điểm đa phần DN vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, một số DN đã tìm kiếm PMNM có sẵn rồi phát triển thành sản phẩm của mình, sau đó thương mại hoá. Các sản phẩm PMNM này thường là sản phẩm tạo web (như Vportal của Vietsoftware) hoặc hỗ trợ làm việc cộng tác trên mạng (như iDesk của iNet Solution)… Hiện vẫn chưa có sản phẩm PMNM đặc thù phục vụ các chuyên ngành, lĩnh vực như tài chính, ngân hàng…
Gần đây, công ty MISA bắt đầu đem lại hi vọng về một phần mềm kế toán chạy trên Linux khi công bố hợp tác với Asianux để chạy thử phần mềm MISA trên nền nguồn mở, tuy nhiên hiện mới chỉ thành công trên môi trường giả lập. Cũng chính vì được DN CNTT-TT xây dựng và phát triển nhằm mục đích thương mại hoá nên tính đến giờ, cộng đồng nguồn mở Việt Nam đóng góp rất ít cho cộng đồng nguồn mở thế giới.
Vẫn sống chật vật
Hơn 10 năm qua, đã có nhiều PMNM do DN/người Việt Nam tham gia xây dựng/phát triển, điển hình như Unikey… Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thống kê chính thức nào về số lượng PMNM Việt Nam cũng như số DN Việt Nam tham gia làm PMNM hay doanh thu đạt được từ PMNM.
Liệt kê thử danh sách những DN hoạt động thuần tuý về nguồn mở, có thể kể tới những cái tên như Nhất Vinh, Vsena, Asianux… Điểm lại trong số đó thì khá nhiều DN đã “rời bỏ cuộc chơi”.
Chẳng hạn như Vsena ngừng hoạt động khiến nhân viên phải tứ tán đi nơi khác “trú chân”. Hoặc Công ty Rồng Việt Nam năm 2009 tuyên bố khá mạnh về việc đưa ra một bản phân phối Linux tên là Phượng Hoàng (Fenix) song sau đó chẳng bao lâu, Fenix đã không phát triển được. Hoặc nhóm Rồng Việt, hết nguồn tài chính để “chạy” thì sản phẩm hệ điều hành Rồng Việt cũng không còn xuất hiện trên thị trường.
Tiếp tục “điểm danh” những PMNM nguy cơ “chết yểu”, một sản phẩm khá nổi tiếng trong giới PMNM là hệ điều hành Há Cảo, giờ cũng chỉ còn “lòng nhiệt tình” của một người, thi thoảng có thời gian rỗi thì đóng gói lại rồi “vứt ra” cho “sống”. Hoặc hệ quản trị nội dung Nuke Việt không tìm được nguồn hỗ trợ để triển khai.
Với những công ty PMNM Việt Nam còn đang tồn tại thì “cuộc sống” cũng không vui vẻ gì vì luôn phải “căng óc” tìm cách chống đỡ rất nhiều khó khăn như các chi phí hạ tầng, điện, nước… trong thời buổi “bão giá” đã và vẫn đang “ép chặt” DN.
“Ở Việt Nam, PNMM chưa thể “đứng” hoặc nói cách khác là “sống” bằng tên của một sản phẩm Việt. Chúng tôi cũng đang cố gắng xây dựng để Asianux có thể phát triển trên tên tuổi của mình và đóng góp cho cộng đồng nguồn mở nhưng thực sự vẫn chưa làm được nhiều. Nhìn chung, tại Việt Nam hiện nay, các công ty làm PMNM đang sống lay lắt, tồn tại được cũng là may”, ông Thái thẳng thắn chia sẻ với phóng viên Bưu điện Việt Nam.
Có lẽ cũng vì “khó khăn kinh tế” nên có DN “sống” bằng dịch vụ PMNM đều đều 6 năm qua vẫn chỉ có 20 nhân viên.
Bàn thêm về khái niệm PMNM Việt Nam “chết yểu”, ông Thái phân tích chỉ có DN PMNM “chết” chứ PMNM không bao giờ “chết” mà vẫn tồn tại, tiếp tục chờ đợi cơ hội được phát triển tiếp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng trên thế giới đã có rất nhiều dự án PMNM “chết yểu” và Việt Nam chắc chắn cũng không “ngoại lệ”.
Cần “hồi sức” cho phần mềm nguồn mở
Phần mềm nguồn mở (PMNM) hay phần mềm tự do nguồn mở (PMTDNM) đã từng được coi là giải pháp giúp các cơ quan Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp (DN) tiết kiệm đáng kể chi phí và hiện vẫn được đánh giá là công cụ hữu hiệu giúp người Việt làm chủ được công nghệ trong thời hội nhập.
Thế nhưng “sức sống” của PMNM sau 10 năm hình thành và phát triển ở Việt Nam hiện vẫn còn yếu. Rất nhiều DN làm PMTDNM đã phải “đóng cửa” hoặc âm thầm hoạt động trong cảnh “te tua” khi không có sự hỗ trợ đủ mạnh từ phía Nhà nước cũng như các Bộ, ngành liên quan.
Bản thân cộng đồng DN PMTDNM cũng chưa thể tạo dựng thành một liên minh có khả năng hỗ trợ, hậu thuẫn lẫn nhau để cùng “chia ngọt sẻ bùi”. Thực tế phát triển PMNM hiện vẫn còn xa mới được như kì vọng.
Nhằm nghiêm túc nhìn nhận lại hiện trạng PMNM ở nước ta, Báo Bưu điện Việt Nam triển khai loạt bài ghi nhận, phân tích PMNM theo nhiều chiều khác nhau, qua đó mong muốn Chính phủ, các cơ quan Bộ, ngành, đặc biệt là cộng đồng DN đánh giá đúng hơn về tiềm năng cũng như “mở” thêm nhiều cơ hội hơn cho ứng dụng PNNM.
Theo ICTnews
Bình luận
Em biết và đã dùng qua 2 cái: Hacao Linux (giờ không dùng nữa) và Unikey (còn dùng dài dài)
Nền CNTT VN sử dụng "đồ chùa" quốc tế quá tràn lan khiến cho mọi thứ miễn phí của nước nhà đều không được trân trọng và không duy trì được bao lâu. Âu cũng là do cơ chế của nước nhà thôi
Đây là một sự thật đáng buồn cho nền IT nước nhà chứ không có gì vẻ vang cả đâu
Vẫn đang dùng Unikey và cả cái VietOCR,có nghe về Misa, tất cả chỉ có vậy có quá nhiều phần mềm nước ngoài miễn phí mà vẫn có chất lượng tốt
Có một số câu trả lời tôi sưu tầm được:
1 . Sao không hỏi cả các phần mềm FOSS đang được dùng tốt nữa. Mà phần mềm chết yểu thì có làm sao đâu, lẽ thường thôi. Theo cá nhân tôi nghĩ thì câu hỏi đúng là của sinh viên, vì vẫn còn tư duy “doanh nghiệp/người Việt Nam xây dựng/phát triển” và cái này quá lạc hậu khi thế giới hết phẳng lại lồi lõm biết bao nhiêu chu kỳ rồi
2. Tôi lại xin trích từ bản dịch cuốn "Báo cáo tình hình quốc tế về PMNM năm 210", của CENATIC, Tây Ban Nha thì đại loại thế này: Mô hình cộng đồng phát triển PMTDNM là một mô hình toàn cầu hóa trong đó các bên tham gia sử dụng Internet trong các quá trình phát triển và trong một môi trường hợp tác, bất chấp những người tham gia hoặc các dự án là của dân tộc nào, không phụ thuộc vào các vùng địa lý. Chính sự toàn cầu hóa của hệ thống phát triển này cho phép sự cộng tác cùng một lúc của một cộng đồng thế giới và một cộng đồng bản địa địa phương, với cộng đồng bản địa địa phương đấu tranh cho những khác biệt của riêng mình.
Từ định nghĩa thế này, có thể thấy những gì mà cộng đồng HanoiLUG, SaigonLUG đang làm, đang đóng góp cho các dự án nguồn mở như LibreOffice, Ubuntu, Fedora, GNOME, ... cũng được coi là sản phẩm FOSS có sự đóng góp của người Việt Nam chứ, nếu không, những ai đang sử dụng, ví dụ, Ubuntu hay Fedora, hay Firefox tiếng Việt thì nó ở đâu mà ra thế???
Ngược lại, nếu một công ty VN mà dựa vào một sản phẩm FOSS, ví dụ có giấy phép GPL, sau đó đóng nó lại khi phân phối, không tuân thủ giấy phép GPL nữa, thì nó sẽ không còn là FOSS nữa.
3. Có lẽ chúng ta giúp được câu trả lời cũng tốt nhưng nên kèm theo comment bình luận về cách tư duy lạc hậu này. Nếu các thế hệ cứ tiếp nối nhau tìm tòi trong cửa chật hẹp này thì phần quan trọng nhất là dùng FOSS đạt hiệu quả có ích lại bị sao lãng mất. Giá như chủ đề là “doanh nghiệp/người Việt Nam đã xài phần mềm nguồn mở hiệu quả như thế nào” thì xôm hơn, và em sẽ tham gia.
Mình không thuộc chuyên ngành lập trình nên không thể hiểu tường tận được mảng PMTDNM như các bạn chuyên ngành. Tuy nhiên như mình thấy thì bài viết mới chỉ đặt ra câu hỏi "Bao nhiêu phần mềm nguồn mở Việt “chết yểu”?" chứ không ám chỉ "Toàn bộ PMNM Việt 'chết yểu'".
Theo mình, nếu như các ban ngành chính phủ có trình độ hơn, có đầu óc hơn, có cái nhìn sáng suốt hơn và quan tâm đúng mức hơn thì lĩnh vực PMNM sẽ có tương lai hơn nhiều so với hiện nay. Việt Nam sẽ có nhiều thành tựu nổi bật và thiết thực cho chính người Việt cũng như cộng đồng quốc tế chứ không "chết yểu".
Thống kê thì cho thấy hơn 90% dự án PMNM chết (yểu hoặc không yểu :P). Nhưng do số dự án nhiều như quân Nguyên, nên chả sao
1 doanh nghiệp hoạt động 6 năm mà có 20 nhân viên thì cũng đâu coi là ít đâu. Có phải cty nào cũng phải phát triển "hoành tráng" đâu. Có cực kì nhiều cty sau 10 năm không có tới nổi 10 nhân viên nữa.
Hacao, Asianux... mình không hiểu có gì hơn các bản phân phối đang được dùng rộng rãi, như Ubuntu, Fedora? VN mở các dịch vụ hỗ trợ cho Ubuntu, Fedora thì các doanh nghiệp kia xem như hết đường làm ăn.
vn có mỗi cái unikey, ngoài ra ko có cái nào có tiếng tăm hết lol