Nếu như Motorola, Samsung hay LG... tham gia cuộc chơi máy tính bảng bằng hệ điều hành Android do Google sản xuất thì RIM lại quyết định tự mình phát triển phần mềm cho chiếc tablet Blackberry PlayBook của mình.
Việc PlayBook xuất hiện ở Việt Nam chỉ vài ngày sau khi ra mắt tại Mỹ cũng đã chứng minh độ nóng của sản phẩm này với cộng đồng người dùng Blackberry đông đảo trong nước. PlayBook có đầy đủ những nhân tố tạo nên một thiết bị tốt, nhưng trên quan điểm của người viết thì có lẽ nó sẽ không thành công ở Việt Nam, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Thiết kế
Không sở hữu những đường nét bóng bẩy, hoa mỹ như cách mà Samsung hiện thực trên Galaxy Tab 7”, Blackberry PlayBook đơn giản và thực dụng đúng với phong cách của RIM. Chiếc máy tính bảng này có thiết kế gọn gàng, cứng cáp, mạnh mẽ và vuông vắn. Điểm khác biệt nhất của PlayBook so với các đối thủ nằm ở các cạnh bên và mặt sau: chúng hoàn toàn phẳng và gần như không có một đường cong nào.
Với vẻ ngoài như thế, các nút bấm trên PlayBook cũng bị loại bỏ gần hết và chỉ còn 3 nút điều khiển đa phương tiện kiêm điều chỉnh âm lượng đặt trên đỉnh máy, cùng vị trí với nút nguồn hình tròn. Nút nguồn này chính là điểm yếu nhất trong thiết kế của RIM khi mà nó quá nhỏ và phẳng, làm người dùng phải tập trung và dùng nhiều lực mới có thể mở máy. Các cổng kết nối MicroUSB, MicroHDMI và đế sạc đều được chuyển về mặt đáy.
Có thể bạn sẽ cho rằng khung viền màn hình PlayBook là quá lớn nhưng nó là điều bắt buộc khi chúng đồng thời đóng vai trò là bộ khung cảm ứng để điều khiển máy. Ngoài các thao tác thông thường thực hiện trên màn hình, việc mở Task Manager hay Option của ứng dụng đều phải vuốt từ các khung viền cảm ứng, nếu RIM thiết kế bộ khung quá nhỏ sẽ làm cho máy mất cân bằng và không có điểm tựa với ngón tay người dùng.
Nói riêng về màn hình, PlayBook có thể xem là thiết bị có chất lượng hiển thị tốt nhất trong số những máy tính bảng đang có mặt trên thị trường. Màn hình 7” của máy có thể tái tạo màu sắc gần như hoàn hảo, màu đen gần đạt đến “đẳng cấp” của công nghệ OLED, hình ảnh trong, có chiều sâu, độ sáng cao hơn cả iPad 2 và đặc biệt là khả năng hiển thị dưới ánh nắng mặt trời mà không đối thủ nào có thể so sánh. Điểm yếu duy nhất là RIM đã thiết kế màn hình PlayBook hơi rộng, giảm kích thước hiển thị thực tế so với màn hình 4:3.
Trải nghiệm
Blackberry PlayBook có nền tảng hệ điều hành rất tốt, máy chạy nhanh và độ trễ thấp trong mọi thao tác nhờ vào con chip lõi kép 1 GHz và dung lượng RAM lên đến 1 GB. Nếu từng dùng WebOS trước đây, bạn sẽ thấy khó chịu với cách thể hiện hiệu ứng và tốc độ khởi chạy ứng dụng của nó, nhưng tình trạng trên hoàn toàn không xảy ra với PlayBook dù cho 2 hệ điều hành này có phương thức hoạt động tương đối giống nhau.
Để trở về màn hình chính hay quản lý các ứng dụng đang chạy, người dùng sẽ dùng ngón tay vuốt ngược từ khung viền màn hình phía dưới lên trên, đóng ứng dụng bằng cách vuốt lên tại giao diện này. Trong khi đó, thao tác vuốt màn hình từ trên xuống dưới sẽ làm xuất hiện các tính năng phụ trợ và tùy chọn của phần mềm. Thực tế sử dụng cho thấy phương thức hoạt động của hệ điều hành QNX trên PlayBook là rất tốt tạo hứng khởi cho người dùng bởi sự mới lạ và tiện lợi của nó.
RIM cũng xây dựng cho PlayBook một cơ chế đa nhiệm cho phép các ứng dụng chạy song song, đồng thời chia sẻ tài nguyên hệ thống mà không gặp bất cứ một giới hạn nào. Tất nhiên, nếu không thích thì bạn có thể tắt chế độ đa nhiệm trong phần Setting để nâng cao thời lượng sử dụng pin. Phần Setting của PlayBook rất gọn gàng và được sắp xếp khoa học, giống với cách Android và iOS hiện thực nhưng lại tinh giản, đẹp và tối ưu hơn.
Nếu so với iPad, tất cả các máy tính bảng đều gặp một vấn đề hiện rất nan giải là việc thiếu vắng hàng loạt phần mềm. Tình trạng này còn trở nên tệ hơn với PlayBook khi số phần mềm trên kho ứng dụng App World chỉ dừng lại ở con số vài chục, đã vậy, RIM hiện đang chặn App World ở Việt Nam nên người dùng nước ta hoàn toàn không thể tải phần mềm cho Playbook mà chỉ có thể sử dụng các ứng dụng mặc định. Mặt khác, PlayBook lại không có khả năng xử lý các tác vụ thông thường như e-mail, ghi chú, kết nối 3G... mà buộc phải dùng kèm với một chiếc điện thoại Blackberry thông qua phần mềm Blackberry Bridge.
Khi sử dụng với điện thoại Blackberry, PlayBook sẽ truy cập dữ liệu thông qua kết nối Bluetooth để sử dụng các phần mềm danh bạ, e-mail (yêu cầu gói dịch vụ BIS), sử dụng 3G của điện thoại làm modem... tất cả các tính năng này PlayBook đều không thể hoạt động nếu thiếu vắng điện thoại. Đây là một nhược điểm rất lớn với những người dùng thông thường vốn không quen dùng điện thoại Blackberry. Nếu không có điện thoại, bạn chỉ có thể chơi game (cũng có rất ít game), duyệt web, xem video, chơi game Flash trên trình duyệt, chỉnh sửa văn bản, nghe nhạc và xem hình trên PlayBook, rất giới hạn so với những máy tính bảng hiện
có trên thị trường.
Kết luận
Blackberry PlayBook hoàn toàn có thể thành công nếu máy khắc phục những nhược điểm về phần mềm và giới hạn của điện thoại như đã nói ở trên. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, bạn không nên chọn chiếc máy náy cho dù nó có màn hình đẹp, tốc độ nhanh và thời lượng
pin tốt hơn hầu hết các đối thủ ở phân khúc máy tính bảng.
Theo Khám Phá Mobile Review số 52
Bình luận