Trao đổi với báo chí, ông Phan Thanh Hà, tổng giám đốc công ty cổ phần điện máy - máy tính - viễn thông Hợp Nhất với thương hiệu WonderBuy (27 Nguyễn Đình Chiểu, Q1, TP. HCM) xác nhận: “WonderBuy đã chính thức phá sản sau một năm hoạt động”.
Theo lời của ông Phan Thanh Hà, tính đến ngày 10/6, WonderBuy đã lỗ 52 tỉ đồng, trong đó có 9 tỉ tiền đặt cọc thuê mặt bằng, 20 tỉ đồng hàng hoá của các nhà phân phối, phần còn lại là khoản tiền thuê mặt bằng.
Vì sao?
Ông Hà nói rằng, về hiệu quả kinh doanh, có thể WonderBuy không bằng những siêu thị khác nhưng “không đến nỗi phải phá sản như hiện nay” mà nguyên nhân chủ yếu là do tiền thuê mặt bằng quá cao.
Được biết, WonderBuy thuê mặt bằng với giá 25 USD/m2/tháng. Trước đây, mỗi tháng siêu thị này phải trả 2,5 tỉ đồng tiền thuê mặt bằng, còn thời gian gần đây, do rút quầy nên tiền thuê mặt bằng đã giảm, còn 2,2 tỉ đồng.
Vào cuối tháng 5/2011, do không có khả năng chi trả khoản tiền thuê mặt bằng nên chủ nhà, theo hợp đồng đã gia hạn mười ngày để WonderBuy xoay xở nhưng vì không xoay xở được nên chủ nhà thu lại mặt bằng.
Giải thích số tiền 9 tỉ đồng đặt cọc bị chủ nhà giữ, ông Hà cho rằng khi làm hợp đồng, vì quá chủ quan nên có những điều khoản bất lợi cho siêu thị: “Nếu không thanh toán đúng hạn tiền thuê mặt bằng, sau mười ngày không có khả năng trả nợ thì chủ nhà sẽ giữ số tiền cọc”. Theo ông Hà, có khả năng số tiền trên bị mất.
Ngày 24/5/2011, WonderBuy đã nộp hồ sơ bảo hộ phá sản lên toà án TP. HCM. Về lí thuyết bảo hộ phá sản, WonderBuy sẽ tạm ngưng hoạt động từ 3 - 6 tháng để giãn nợ, tìm địa điểm mới, duy trì tên gọi cũ. Ông Hà cho biết WonderBuy chắc chắn phá sản vì hiện nay không còn ngân hàng nào cho vay.
“Mối quan hệ với HD Bank trước đây nay đã kết thúc, họ không cho chúng tôi vay vốn để duy trì vốn lưu động kinh doanh”, ông Hà nói.
Trước khi đóng cửa, WonderBuy có 140 lao động (trước ngày 30/12/2010 là 320 lao động). Theo lời ông Hà, siêu thị đã giải quyết chế độ như tiền lương, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm cho người lao động bằng hình thức trả sản phẩm hiện có hoặc những thiết bị làm việc đang được sử dụng trong siêu thị.
Trách nhiệm với khách hàng
Ông Phan Thanh Hà xác nhận, hiện lượng hàng tồn của WonderBuy có giá trị khoảng 3,2 tỉ đồng và khoản tiền hoàn thuế VAT từ cơ quan thuế khoảng 5 tỉ đồng. “Nếu có được số tiền này, chúng tôi sẽ thuê một doanh nghiệp để bảo hành sản phẩm mua từ WonderBuy còn hiệu lực bảo hành theo quy định của nhà sản xuất”, ông Hà nói.
Một vấn đề mà nhiều khách hàng quan tâm là WonderBuy sẽ thực hiện lời hứa của mình như thế nào với người tiêu dùng khi thực hiện chương trình khuyến mãi bán hàng vào dịp đầu năm nay. Ngày 21/1/2011, WonderBuy tung ra chương trình “bán hàng kiểu Mỹ” mang tên SuSu.
Khi khách hàng chọn mua một trong năm nhóm sản phẩm: máy tính xách tay chạy CPU từ Core i5, tủ lạnh trên 300 lít, máy giặt lồng ngang, máy lạnh công nghệ inverter, tivi LED, sau một năm sử dụng sẽ hoàn trả lại 20%, nếu chọn ba năm sẽ được trả 70%, còn chọn thời gian năm năm sẽ được trả 100% số tiền đã mua sản phẩm đó.
Theo ông Hà, hiện nay, số tiền phải trả lại cho khách hàng tham gia chương trình này khoảng 2 tỉ đồng. Giả sử, WonderBuy lấy lại 6,8 tỉ đồng sau khi trừ tiền nhà tháng 5 là 2,2 tỉ đồng (từ khoản tiền cọc 9 tỉ đồng), bán hết hàng tồn và lấy được 5 tỉ đồng hoàn thuế..., số tiền trên sẽ ưu tiên giải quyết cho người lao động, Nhà nước và nhà cung cấp hàng hoá, còn nhóm khách hàng mua hàng của chương trình trên sẽ được giải quyết cuối cùng.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Bình luận
Nguyên nhân thất bại này có hợp lý không ta? 52 tỷ lận mà?
Bài học cho những bạn sắp có ý định kinh doanh. Không phải lúc nào liều mạng cũng thành công
Kinh doanh hàng điện tử, ngoài mặt bằng ra còn phải có uy tín lâu dài. Trước khi kinh doanh cần tính toán số vốn bỏ ra phải đủ duy trì hoạt động kinh doanh trên 3 năm thì mới kinh doanh.