Mức giảm giá hời khiến nhiều người dùng "hoa mắt chóng mặt" ngay khi nhìn thấy và click vào nút "mua" không chút đắn đo. Nhưng đến khi sử dụng, họ mới té ngửa là mình đã chuốc bực vào người.
Thời gian gần đây, mô hình các website mua theo nhóm nở rộ tại Việt Nam, với sự ra đời của hàng loạt website như Muachung, Nhommua, Cucre, Hotdeals, Phagia... Người dùng có thể tìm thấy tại đây rất nhiều "deal" hời với mức giảm giá phổ biến từ 30% (cho sản phẩm) và 50-70% (cho các loại hình dịch vụ), áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như ăn uống, du lịch, làm đẹp, đồ dùng gia đình...
Ngàn lẻ một bức xúc
Nhờ sự kết hợp của mức giảm giá hấp dẫn và các sản phẩm cung cấp đa dạng, được cập nhật, thay đổi hàng tuần, lại tập trung ở các lĩnh vực dịch vụ mà hiếm khi người dùng có thể tìm được "deal" ngoài đời thật, các website này đã nhanh chóng thu hút được một lượng khách hàng đông đảo, ủng hộ nhiệt tình.
Chị Hà, nhân viên một ngân hàng trên đường Quang Trung (Hà Nội) cho biết, từ hồi biết đến hình thức mua theo nhóm, tổng cộng chị đã chi không dưới vài triệu cho các coupon và voucher giảm giá. "Tôi đã mua voucher của rất nhiều spa để thư giãn, làm đẹp, cũng mua cả phiếu giảm giá của các nhà hàng để cuối tuần cả nhà đi thay đổi không khí. Gần đây nhất là mua voucher khách sạn cho bà chị ruột để gia đình chị ấy đi nghỉ trong Đà Nẵng vào tháng 7". Tuy nhiên, sau một thời gian làm khách hàng tích cực của các trang web mua theo nhóm, chị Hà cho biết, không phải lúc nào chị cũng cảm thấy hài lòng.
"Một số nhà hàng khi quảng cáo trên web thì chụp hình rất đẹp, nhìn bữa ăn rất hoành tráng, đa dạng, đầy đặn, ngon lành. Nhưng khi đến ăn thực tế thì mỗi đĩa chỉ lèo tèo vài miếng, ở dưới toàn độn rau với cà rốt. Set mang tiếng cho 4 người ăn mà họ chuẩn bị được 150 gram thịt bò cho món lẩu, thử hỏi ai ăn ai nhịn? Đấy là chưa kể set có bao gồm nước trong bữa nhưng phục vụ lại bảo "Cửa hàng em không có nước lọc, mời anh chị chọn đồ uống khác", chị Hà kể lại.
Trường hợp của chị Nhung (nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy) cũng bức xúc không kém. Chị mua voucher của một quán cà phê trên mạng, nhưng khi đến nơi thì quán cho biết đã đổi chủ mới và "không biết gì về các chương trình khuyến mại cũ", dù thời hạn sử dụng voucher của chị Nhung vẫn còn. Phản ánh đến trang web nơi chị mua voucher thì cũng chỉ nghe được câu "Chúng tôi sẽ tìm hiểu và giải quyết". Nhưng từ đó đến nay đã cả tháng cũng chưa thấy website có động tĩnh gì. Tuy nhiên giá trị voucher không quá lớn nên chị Nhung cũng bỏ qua. "Thời gian đi đôi co với họ tôi còn làm được nhiều việc hơn. Nhưng từ giờ thì đúng là xin chừa. Chẳng lẽ chuẩn bị mua voucher nào cũng phải gọi đến kiểm tra trước xem họ còn mở cửa kinh doanh hay chuẩn bị đổi chủ mới không hay sao?"
Ngoài tình trạng quảng cáo một đằng, thực thi một nẻo thì các Thượng đế còn gặp phải vô số tình huống trớ trêu khác mà họ không lường trước được khi bỏ tiền ra mua "deal". Chị Ngọc (nhân viên PR - Trung Hòa Nhân Chính) cho biết chị từng sử dụng dịch vụ của khá nhiều spa quảng cáo trên Muachung, Nhommua và đều khá ưng ý. Tuy nhiên, một lần, khi gọi điện đến đặt chỗ tại một spa mới đăng quảng cáo trên Nhommua và thật thà "khai" với nhân viên spa rằng mình sẽ sử dụng coupon, chị đã bị lịch sử trả lời rằng "Spa hôm nay quá đông, kín khách nên không phục vụ được". Nghi ngờ sự trung thực của spa này, chị Ngọc đã đích thân phi xe đến trực tiếp và lần này giả vờ như một khách hàng bình thường, không sử dụng coupon thì lại được niềm nở đón tiếp. "Em lễ tân còn gọi nhân viên xuống phục vụ luôn. Lúc ấy tôi điên quá nên mới nói toạc ra và đòi gặp trực tiếp quản lí thì các em ý bèn xuống nước năn nỉ".
Việc bị phân biệt đối xử như chị Ngọc không phải là tình trạng hiếm gặp. Nhiều ý kiến phản ánh trên một diễn đàn dành cho các bà mẹ cũng cho thấy tình trạng tương tự. Khách đến mà trót nói sử dụng coupon giảm giá là ngay lập tức bị đối xử lạnh nhạt, thiếu nhiệt tình. "Các em nhân viên còn cười khúc khích với nhau: Lại khách "Mua chung" khiến nhà tôi khó chịu, ăn mất cả ngon", một thành viên kể lại. "Mà đây là mình bỏ tiền ra mua chứ có phải đi xin đâu. Thôi lần sau cứ đường đường chính chính vào ăn, không mua riêng với chả mua chung gì hết cho lành", thành viên này kết luận.
Tránh bẫy - Cách nào?
Chia sẻ với VietNamNet, một cựu nhân viên của Muachung cho biết, trong nhiều trường hợp, việc quản lí chất lượng các deal thực sự khó khăn. Theo quy định, trước khi niêm yết "deal" thì người của website sẽ phải đến sử dụng thử dịch vụ hoặc ăn thử đồ ăn trước. Nếu đảm bảo đầy đặn, hợp vệ sinh, giá cả hợp lí thì mới kí hợp đồng. Tuy nhiên, từ phản ánh của khách hàng, chúng tôi mới biết là mâm cỗ "ăn thử" hoặc dịch vụ "massage thử" thì một số nhà hàng/spa làm rất tốt, chu đáo, hoàn hảo, nhưng đến khi triển khai thực tế thì bớt xén khẩu phần, thức ăn hoặc làm rối, rút ngắn thời gian (với dịch vụ spa). Một số spa, nhân viên còn đòi tiền tip lộ liễu".
Việc nhân lực quá mỏng không cho phép các trang web đi kiểm tra dịch vụ sau khi bán nên dẫn tới những trường hợp như của chị Nhung, chị Hà và chị Ngọc. Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận một điều rằng khâu kiểm tra chất lượng dịch vụ chưa được quan tâm đúng mực và thi hành thực chất như ở nước ngoài, khiến người tiêu dùng phải nhiều phen chịu ấm ức.
Cách tốt nhất để tránh những nhà hàng/dịch vụ "đen" này, là bạn hãy dựa vào các phản hồi, đánh giá về dịch vụ được các người dùng khác post ngay trên trang mua. Tính năng vay mượn từ các mạng xã hội này tỏ ra rất đặc dụng vì nó sẽ giúp bạn tham khảo ý kiến của những người mua trước. Mặc dù vậy, cũng đã có thắc mắc của một số người dùng về việc các phản hồi "chê" của họ bị quản trị website xóa sau khi đăng, dẫn tới việc thông tin một chiều, chỉ có lợi cho người bán.
Đồng thời, bên cạnh những lỗi của nhà hàng, nhà cung cấp dịch vụ thì đôi khi, người dùng cũng tự chuốc bực vào người do lỗi đọc không kĩ của mình. Các voucher, coupon giảm giá thường có điều khoản sử dụng cụ thể được nêu bên dưới, nhưng vì quá mải mê với mức giá được giảm, hoặc do thói quen mà một số khách hàng... không chịu đọc. Đến khi lôi ra sử dụng mới té ngửa và lại ấm ức bên bán.
Sau sự cố "thức ăn lèo tèo" đầu tiên, chị Hà cho biết từ giờ, chị chỉ chọn những nhà hàng uy tín, có tên tuổi để mua phiếu. Đối với các nhà hàng buffet thì hoàn toàn yên tâm, nhưng với các set menu, chị phải đọc kĩ thực đơn và định lượng do nhà hàng mô tả bên dưới, rồi ước lượng xem từng ấy thực ăn thì thực sự dành cho bao nhiêu người. "Theo kinh nghiệm cá nhân thì thường các set menu tuy đề dành cho 4 người ăn nhưng chỉ 3 người thì mới gọi là tạm no được. 4 người thì phải gọi thêm nhiều món nữa mới may ra. Vì vậy, cứ nhìn giá mua mà chia cho 3 người để ra mức giá chính xác mà mình phải trả".
Một kinh nghiệm nữa là khách hàng cần đọc quỹ quy định gộp voucher trong một hóa đơn. Một số deal cho phép sử dụng số lượng voucher không giới hạn trong một hóa đơn, nhưng đại đa số các nhà cung cấp dịch vụ hạn chế số voucher sử dụng trong một lần thanh toán. Với các dịch vụ làm đẹp tại spa, hình thức phổ biến là 1 voucher/1 dịch vụ và tối đa không quá 2 - 3 voucher trong một hóa đơn. Với các dịch vụ ăn uống, nhà hàng, tối đa thường không quá 4 voucher/hóa đơn, trừ trường hợp hóa đơn có giá trị cao (trên 10 triệu) thì sẽ được áp dụng thêm voucher. Nếu người dùng dự định đi nhóm đông người và sử dụng coupon, họ cần đọc rõ quy định này để tính toán mức "tổng thiệt hại" cho chính xác, tránh tình trạng mua nhiều mà được dùng ít.
Chị Ngọc, một người có thâm niên đi làm đẹp tại các spa cũng khuyến cáo các chị em "đừng quá mê mẩn trước những mức giảm quá khủng", ngoài sức tưởng tượng. Theo chị Ngọc, thường thì bảng giá dịch vụ của các spa là tương đối giống nhau, có chăng thì độ chênh lệch cũng không đáng kể, tùy thuộc vào spa lớn hay nhỏ, ở vị trí khuất hay khu vực trung tâm... "Rẻ quá thì hoặc là sử dụng mĩ phẩm không tốt, hoặc là sẽ rút ngắn thời gian làm dịch vụ: ví dụ như gói massage chuẩn là 70 phút thì họ rút còn hơn 50 phút". Tương tự, spa nào đẩy giá niêm yết lên quá cao, để rồi quảng cáo giật gân về mức giảm lên đến 80-90% cũng là không chính xác. "Khó có gói dịch vụ chăm sóc cơ bản nào - ngoại trừ các gói trị liệu phức tạp- lại lên đến tiền triệu", nên đề giá gốc 1 triệu, giảm 80% còn 200.000 đồng thì mọi người cũng đừng nghĩ là quá hời.
Cùng chung quan điểm này với chị Ngọc, chị Vân, đại diện một nhãn hàng đồ điện gia dụng từng bán trên Muachung cho biết, khác với loại hình dịch vụ, các sản phẩm - hàng hóa - vật dụng có mức giảm giá không cao, tối đa chỉ được 30% vì giá thành sản xuất cao, mức lãi không nhiều. "Nếu khách hàng cứ trông đợi mức giảm giá khủng đến 60-70% là bất khả thi, vì thế thì người bán phải chịu lỗ. Tuy nhiên, hiểu được tâm lí ham giảm giá của khách hàng nên nhiều người bán đã đẩy giá gốc lên mức cao phi lí, rồi cứ niêm yết mức giảm 50-60% nhìn cho... thích mắt". Chỉ có điều, nếu người dùng bỏ thời gian đi tham khảo giá cả thực ngoài thị trường thì sẽ biết ngay mình đã được ăn "bánh vẽ", giá giảm rồi nhiều khi vẫn cao hơn cả ngoài thị trường. Theo chị Vân, quan trọng nhất là người dùng cần tỉnh táo trước những "deal" quá sốc và nên tìm đến những thương hiệu có uy tín để mua sản phẩm.
Đối với các voucher đi nghỉ tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resort), một mặt hàng đang rất Hot trong mùa du lịch hè, người dùng cũng cần lưu ý một số điểm trước khi mua: Nên đọc kĩ các nội dung có bao gồm trong voucher (phương tiện đi lại, đưa đón, các bữa ăn bao gồm, loại phòng, giờ nhận phòng - trả phòng, quy định về giường ghép thêm (extra bed), quy định về trẻ em đi kèm). Anh Trung, hướng dẫn viên một công ty du lịch trên phố Đào Duy Từ cho biết, nhiều khách khi đọc voucher "2 ngày 1 đêm tại resort" cứ đinh ninh sẽ được ở từ 8h sáng hôm trước đến tối hôm sau, trong khi quy định của tất cả các khách sạn, resort đều là nhận phòng từ 2h chiều hôm trước đến 12h trưa hôm sau là trả phòng. "Các hành trình 2 ngày 1 đêm phải tính cả thời gian đi lại, di chuyển chứ không phải ở trọn vẹn 2 ngày ở khu nghỉ. Mặc dù vậy, rất nhiều khách do không đọc kĩ hoặc do không hiểu quy định chung của các khách sạn, resort nên xảy đến tranh cãi".
Theo VietNamNet.
Bình luận