Trong một buổi trả lời trực tuyến độc giả về tương lai phát triển của blog, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Doãn Hợp cho biết: Blog là loại hình thông tin hiện đại, Chính phủ hoàn toàn có thể quản lí tốt blog và không nên hạn chế phát triển blog.
Tuy nhiên thời đại toàn cầu hóa, xã hội thông tin đồng nghĩa với việc blog phát triển mạnh (tính chung cả mạng xã hội - PV) thì sự thống trị của báo chí bị đe dọa nghiêm trọng và có phần “lép vế” hơn trước. Khi báo chí truyền thống bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các tay viết nghiệp dư luôn luôn đông đảo, luôn đưa tin mọi lúc, mọi nơi thì có người lầm tưởng... báo chí đã hết thời!?
Thực tế có rất nhiều blogger (người viết blog) ngày càng có ảnh hưởng lớn trong việc truyền bá thông tin, kết nối độc giả. Nhiều trang blog cá nhân thu hút lượng người đọc nhiều hơn cả báo chính thống. Tuy nhiên một câu hỏi được nhiều người từng đặt ra là, liệu blog có phải là một hình thức mới của báo chí?
Thông tư số 07/2008/TT-BTTTT ngày 18/12/2008 của Bộ TT&TT hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân trong Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lí, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet trong đó nói rõ blog không thể là báo chí...
Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm này. mặc dù mối quan hệ giữa blog và báo chí ngày càng khăng khít. Tuy nhiên, ranh giới giữa blog và báo chí ngày càng mờ nhạt và có sự đan xen, tương hỗ lẫn nhau.
Blog không phải là báo chí
David S. Broder, nhà báo người Mỹ từng được trao giải thưởng Pulitzer, đã quả quyết: “Bạn không thể trở thành một nhà báo khi mà cả ngày chỉ ngồi bên máy tính để tìm tư liệu viết tin bài. Bạn phải ra ngoài, sục sạo các nguồn tin, phỏng vấn, điều tra…”
Theo Brode phân tích, hầu hết các blogger đều sao chép hoặc tổng hợp lại thông tin từ báo chính thống dưới góc nhìn cá nhân của họ, kèm các link dẫn để minh họa. Họ không có nhiều nguồn khai thác tin và cũng không có sự bảo trợ của các hãng truyền thông lớn để đi điều tra như các nhà báo, chưa kể đến việc phần lớn trong số họ không được đào tạo về chuyên ngành báo chí và trải qua quá trình dài làm việc trong môi trường này. Trách nhiệm của họ trước những sai sót về thông tin hoặc trước hậu quả lên nhận thức xã hội không lớn như của các nhà báo chính thống.
Tuy nhiên David cũng nhìn nhận sự năng động của blog khi đưa ra ví dụ: “Trung bình mỗi tuần, mục tin tức của Washington Post nhận được 2.000 bức thư phản hồi từ độc giả nhưng chỉ 100 trong số đó được công bố trên trang tin. Điều này khiến 100 người thấy hài lòng, đồng nghĩa rằng sẽ có 1.900 người bất mãn. Họ sẽ làm gì tiếp theo? - Viết blog, đương nhiên là thế!”
Đồng quan điểm với Brode, Alex Wilhelm - chủ sở hữu của The Next Web nhìn nhận qua góc độ khác: “Báo chí muốn khẳng định họ là phương tiện thông tin đáng tin cậy nhất. Đúng là mọi người cần thông tin đáng tin cậy với những số liệu đầy đủ, nhưng họ cũng cần biết sự việc đó, số liệu ấy có ý nghĩa gì. Đây là lí do blog xuất hiện, chúng tôi cung cấp cho họ những góc nhìn nhiều chiều về sự việc đó”.
Thực tế trong xã hội thông tin, không chỉ làng báo cạnh tranh với nhau mà ngay cả các web - blogger cũng có sự ganh đua quyết liệt để khẳng định danh tiếng. Họ phải liên tục cải thiện chất lượng thông tin trên trang của mình. Nhiều người bắt đầu nhấc điện thoại, gửi email, thậm chí là ra ngoài điều tra để đảm bảo tính xác thực của thông tin thay vì chỉ ngồi trước màn hình vi tính.
Điểm qua quy trình của 2 loại hình thông tin này, nhiều nhà báo kì cựu cho rằng: “Thông tin thô vào, qua một cỗ máy biên tập, thông tin tinh ra, định kì - đó là những gì nhà báo làm. Trong khi đó những blogger cũng có thể làm như vậy.
Có người còn so sánh, sự khắt khe của bạn đọc blog còn "ác nghiệt" hơn so với đọc báo và độc giả thì đến từ mọi lĩnh vực mà không bị bó hẹp đối tượng người đọc. Nếu một thông tin nào đó bị sai lệch, họ được tự do comment (bình luận) và những comment đó hiện lên tức thì trên trang blog như sự đính chính.
Chính Brode cũng thừa nhận: Báo chí cũng không tránh khỏi việc mắc lỗi nhưng thử hỏi trong trường hợp ấy, mấy khi báo chí đăng tin đính chính? Blog không phải là báo chí, mà công thức của nó là: Blogging = Báo chí + ý kiến. Tôn chỉ của báo chí là tính khách quan, còn tôn chỉ của blog là cá tính. Hai cái này khó có thể đi cùng nhau.
"Một tờ báo không thể là báo khi mang tính chủ quan còn blog sẽ không thể lôi kéo được người khác nếu không có quan điểm cá nhân trong đó”... , Brode phân tích.
Blog và báo chí: mối quan hệ tương hỗ
Không đồng tình với những quan điểm trên, nhiều blogger và cũng chính là những nhà báo "tay ngang" thừa nhận: Blog và báo chí: mối quan hệ tương hỗ, có ranh giới hết sức mờ nhạt và quan hệ hết sức khăng khít với nhau.
Một câu kinh điển mà những nhà báo thực thụ ai cũng biết, đó là: báo chí là nơi thiếu thông tin nhất. tại sao vậy, vì báo chí đôi khi chưa hoặc không thể phản ánh hết mọi thông tin do nhiều yếu tố khách quan như quan điểm chính trị, thời điểm công bố thông tin, góc nhìn tôn giáo... chính vì vậy nhiều người (cả người đọc và người viết) đã tìm đến blog như một sự... cứu rỗi.
Nhiều blogger tâm sự, blog là sân tập cho những người muốn trở thành nhà báo. Bằng cách viết những thứ mà họ quan tâm lên trang cá nhân, blogger có thể tạo ra một trang tin của riêng mình. Nếu họ có thể cung cấp thông tin giá trị và được nhiều độc giả tin cậy, rất có thể họ sẽ trở thành đối tác cung cấp tin của một hãng tin chính thống. Ví dụ, web-blog FiveThirtyEight.com đã được New York Times mua lại tin tức hàng ngày.
Có người còn đề cao ý tưởng của những tay viết nghiệp dư khi đưa ra số liệu thống kê của Brodeur và MarketWire: có tới 75% phóng viên thấy blog hữu ích để phát triển ý tưởng, giúp họ nhìn nhận đa chiều và sâu sắc hơn. 21% trong số họ bỏ ra mỗi ngày 1 tiếng để đọc blog. Và 16% trong số những phóng viên trên thế giới sở hữu những trang blog riêng.
Thực tế trong xã hội thông tin, dù blog chưa cung cấp được cho họ những thông tin hoàn hảo và tin cậy 100%, nhưng không thể phủ nhận rằng trên blog có những bài viết chuyên ngành tuyệt vời - điều mà báo chí đang khao khát. Đây cũng là một nguồn thông tin vừa rẻ và vừa dễ thu thập cho các nhà báo...
Chính vì vậy, nhiều người cho rằng ranh giới giữa blog và báo chí tùy thuộc chính sách quản lí báo chí và blog ở mỗi nước cộng với trình độ dân trí của người đọc. Tại sao vậy? Theo Shane Evans, Phó Tổng biên tập của Goal.com, từng tuyên bố: “Đã qua rồi cái thời bạn cần một cái bằng báo chí để có thể làm việc trong lĩnh vực này. Ngày nay, nếu những bài viết trên blog của bạn thu hút hàng ngàn, hàng triệu lượt truy cập thì rõ ràng bạn là một cây bút có tầm ảnh hưởng lớn”.
Và như để kết cho bài viết này, nhân ngày 21/6 - Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Chúng tôi xin dẫn lời Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp từng nói: "Blog sẽ làm xã hội thông thoáng!". Hiện tại số lượng blogger tại Việt Nam là khoảng hơn 2 triệu và không ngừng tăng lên. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp tin rằng, trong tương lai, blog sẽ làm xã hội thông thoáng, cởi mở, đầy đủ thông tin và hiểu biết lẫn nhau hơn. Thông qua đó, sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn, góp phần nâng cao nhận thức, nâng cao trình độ và nâng cao xã hội...
Theo Tài chính điện tử
Bình luận