Có lẽ những thống kê mới nhất của Distimo vừa được công bố sẽ khiến chúng ta suy nghĩ lại về việc tải ứng dụng cho điện thoại iPhone tại Trung Quốc và các nước châu Á khác.
Distimo – một công ty phân tích các cửa hàng ứng dụng đã tiến hành một nghiên cứu về cửa hàng App Store tại châu Á với một loạt các nước như Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pakistan, Đài Loan và có cả Việt Nam.
Một trong những điểm chính của báo cáo là trong khi ở các nước phương Tây chứng kiến sự sụt giảm lượng ứng dụng tải về (Pháp và Đức) thì ở các nước châu Á lại ngược lại. Lượng ứng dụng tải về cho iPhone đã tăng trưởng đáng kế trong 6 tháng qua từ App Store của Apple. Trong đó Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn thứ 2 chỉ sau Mỹ. Xét về dân số, dù ở mức tương đối nhỏ nhưng Hàn Quốc lại là nước có lượng tải ứng dụng tăng nhanh nhất và điều thú vị là các ứng dụng tải về không có các trò chơi – thứ vắng mặt ở App Store Hàn Quốc. Còn ở các thị trường khác, trò chơi là thứ được tải về nhiều nhất.
Tuy nhiên, tỉ lệ các ứng dụng trả phí và tổng doanh thu khi so với các thị trường truyền thống như Mỹ hay châu Âu vẫn còn kém xa. Người dùng châu Á có xu hướng tải về các ứng dụng miễn phí hơn là trả tiền cho các ứng dụng không đi kèm quảng cáo. Lượng tải về trung bình cho 300 ứng dụng phổ biến nhất (cả miễn phí lẫn trả phí) tại các nước châu Á là tương đương với Mỹ. Nhưng nếu chỉ tính các ứng dụng trả phí, tỉ lệ giữa châu Á so với Mỹ chỉ là 1/3 – nếu không bao gồm Nhật Bản con số sẽ tụt xuống còn 1/6.
Nhật Bản thực sự tạo ra doanh thu lớn cho Apple trong số các nước châu Á. Tổng doanh thu ở châu Á bằng khoảng 2/3 doanh thu ở Mỹ – nguyên nhân là do giá bán bình quân một ứng dụng ở châu Á (2,62 USD) cao hơn so với Mỹ (1,48 USD).
Hơn nữa tính năng mua trong ứng dụng chưa cất cánh ở châu Á (ngoại trừ Singapo và Ma-lay-xi-a), ví như ở Trung Quốc chỉ 34% lợi nhuận từ 200 ứng dụng hàng đầu là đến từ các ứng dụng hỗ trợ tính năng này. Nhưng điều đó không có nghĩa là việc mua trong ứng dụng có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường châu Á trong năm tới. Tại Mỹ lượng thanh toán cho việc mua trong ứng dụng tăng gấp đôi trong một năm (từ 39% tháng 6/2010 lên 68% tháng 5/2011).
Theo báo cáo của Distimo, phần lớn các ứng dụng hàng đầu cho iPhone tại châu Á chỉ phổ biến tại thị trường này. Lượng ứng dụng bản địa ở châu Á cũng nhiều hơn (34%) so với Mỹ và châu Âu (30%). Việc bản địa hóa ứng dụng cũng được phân biệt giữa các quốc gia – đứng đầu là Trung Quốc (65% trong số 300 ứng dụng hàng đầu là ứng dụng bản địa), Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Như vậy những ứng dụng được bản địa hóa, phục vụ cho những mục địch riêng trong khu vực là chìa khóa để thành công cho các nhà phát triển. Tuy vậy điều này lại chưa thể hiện rõ tại những thị trường như Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a.
Theo Techcrunch
Bình luận