Bree Warner thường xuyên vào MySpace để kết nối với bạn bè cũ, kết bạn mới và thu thập thông tin về công việc. Điều đáng nói là cô gái Los Angeles 27 tuổi không mấy khi ngồi trước máy tính. Thay vào đó, cô tải ảnh và vào mạng xã hội từ chiếc ĐTDĐ Helio của mình.
Các bạn của cô cũng vậy, “hầu hết mọi người đều có một chiếc BlackBerry để truy cập MySpace/Facebook”, Warner nói.
ĐTDĐ ngày càng trở thành phương tiện truy cập vào các trang mạng xã hội. Mặc dù có nhiều tên gọi và hình thức khác nhau song mạng xã hội đều giúp kết nối những người có cùng sở thích và mối quan tâm giống nhau. ĐTDĐ giúp mọi người, đặc biệt giới trẻ, kết nối với nhau mọi lúc mọi nơi.
Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ di động, các hãng sản xuất thiết bị đầu cuối và các nhà sáng lập web mạng xã hội đang đối mặt với 1 thách thức: biến mạng xã hội di động thành lợi nhuận.
Nhà phân tích cao cấp Jill Aldort của tập đoàn Yankee (Mỹ) gọi “mạng xã hội di động là một thị trường nóng với tiềm năng khổng lồ”. Bà cho biết hiện chỉ có 8% những người trưởng thành sở hữu ĐTDĐ ở Mỹ truy cập đều đặn vào các dịch vụ mạng di động, song sẽ tăng lên 20% vào năm 2011. Ngoài ra, các hãng di động Mỹ sẽ thu về khoảng 1,5 tỷ USD trong năm 2001, tăng so với 560 triệu USD năm nay từ các loại phí thuê bao, truy cập và nhắn tin. “Đó vẫn là con số chưa lớn”, bà nói.
Mạng xã hội di động năm 2007 tương đương mạng Internet năm 1994
Một nhà phân tích khác lại cho rằng với tất cả hứa hẹn phía trước, mạng xã hội di động hiện đang “ở thời kỳ Internet năm 1994”. Trong nhiều phương diện, di động là bước mở rộng tự nhiên của mạng xã hội PC (máy tính cá nhân). Hiện nay, một số mạng xã hội thậm chí không có phiên bản dành cho PC. Frederick Ghahramani, đồng sáng lập của AirG, hãng quản lý cộng động mạng xã hội trên các mạng di động tại Mỹ của Sprint Nextel, AT&T, Virgin Mobile, Boost Mobile và các mạng khác, cho biết 59% trong số 20 triệu người dùng của hãng trên thế giới không sở hữu hay dùng PC. Tất nhiên, các “nhà mạng xã hội di động” đối mặt với nhiều trở ngại khác nhau so với PC. Đánh máy trên “dế” là một khó chịu. Nhiều thiết bị không có bàn phím, màn hình bé, độ phủ sóng không đồng đều. Mặc dù vậy, nhiều hãng công nghệ tên tuổi đang tập trung vào di động. Mùa hè này Nokia đã mua lại Twango (Mỹ), một dịch vụ cho phép người dùng chia sẻ hình ảnh và viedo qua dế. Chỉ mấy tháng sau những đồn thỏi về Google Phone, Google tung ra Android, một công nghệ mở dành cho thiết bị di động có thể ứng dụng tốt cho mạng xã hội.
Tháng trước, Facebook tiết lộ một chuẩn di động khuyến khích 80.000 nhà phát triển của hãng mở rộng ứng dụng cho dế. Facebook cũng bắt tay với Research In Motion để đưa dịch vụ của hãng lên dế BlackBerry. Người dùng BlackBerry có thể đăng nhập và tải ảnh, gửi lời mời bạn bè từ danh bạ địa chỉ của máy ĐTDĐ.
Đồng sáng lập Dustin Moskovitz của Facebook cho hay số người dùng di động đang tăng trưởng nhanh hơn số dùng website. Đến cuối tháng 10, 4 triệu người dùng của Facebook đã tạo ra hơn 300 triệu lượt truy cập trên máy di động.
Tiềm năng khổng lồ
CEO Helio là Sky Dayton gọi di động là “mạng xã hội 2.0”. Liên doanh Helio giữa EarthLink (Mỹ) và SK Telecom (Hàn Quốc) đã sớm nhận ra tiềm năng của xã hội di động: MySpace là tính năng cốt lõi của các máy Helio ra đời từ năm 2006. Dayton cho hay doanh thu trung bình trên mỗi người dùng của Helio là gần 90 USD, cao hơn so với mức trung bình chung của ngành di động là 50 USD.
Không chỉ Helio, các phiên bản của MySpace cũng có trong mạng của AT&T, Sprint và T-Mobile. “Di động là một chiến lược quan trọng”, Amit Kapur, phó giám đốc phát triển kinh doanh của MySpace, nói.
Tuy nhiên, lợi nhuận của liên minh mạng xã hội di động vẫn còn chưa hết. Những dự đoán doanh thu của Yankee Group còn chưa tính đến quảng cáo - đây chính là “mỏ vàng” (theo nhiều nhà phân tích) của các công ty mạng xã hội. Đặc biệt, nếu có số lượng người dùng lớn, mạng xã hội di động sẽ còn sản sinh ra nhiều mô hình kinh doanh khác.
Huyền Thương (ICTnews/CNN Money)
Bình luận