Người dùng điện thoại di động càng được lợi về giá cước khi các nhà mạng cạnh tranh.

Không giống như nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam, thị trường di động lại nằm trong tay các doanh nghiệp nội.

Còn với các mạng ngoại (có vốn nước ngoài), hơn một năm qua, thị trường đã chứng kiến sự mệt mỏi của SFone, sự im lặng của Beeline, còn Vietnamobile vẫn đang đeo bám thị trường, giành thị phần. Sự trở lại đầy tham vọng của Beeline khi công bố gói đầu tư khá lớn đã làm nhiều người đặt câu hỏi: Liệu mạng ngoại tại Việt Nam sẽ làm nên chuyện?

Những nét mới

Sự quyết liệt của Vietnamobile gần đây khi liên tiếp tung ra các gói cước đầy cạnh tranh và các chương trình khuyến mại “chịu chơi” nhất trên thị trường đã khiến nhiều người bất ngờ. Chiêu khuyến mại ngoại mạng mạnh tay đến 50% và các gói cước sáng tạo nội mạng chỉ 30.000 đồng/tháng, chưa kể các chương trình ưu đãi tới hàng loạt các tỉnh ngoại thành được nhà mạng này dồn dập triển khai trong vài tháng trở lại đây. Không chỉ dừng lại ở đó, Vietnamobile còn đầu tư phủ sóng hầm đèo Hải Vân, để trở thành nhà mạng thứ 4 mang sóng tới địa danh hiểm trở này.

Khi phủ sóng đèo Hải Vân, các nhà mạng đều nhận định rằng đó là một khoản đầu tư tốn kém, không mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề thương hiệu. Chỉ hơn 2 năm hoạt động nhưng Vietnamobile cũng quyết mang sóng phủ khắp mọi miền, kể cả những nơi khó khăn nhất. Điều đó đã khẳng định quyết tâm trở thành mạng di động quan trọng tại Việt Nam mà bà Elizabete Fong, tổng điều hành của Vietnamobile tuyên bố cách đây 2 năm.

Trong khi đó, VinaPhone và MobiFone đang đau đầu chuyện sáp nhập, Viettel đang chú trọng đến rất nhiều dự án ở nước ngoài. Xem như thị trường viễn thông di động đang tìm hướng đi mới. Bỗng gần đây, thị trường lại sôi động bất ngờ với sự quay lại đầy tham vọng của Beeline khi công bố kế hoạch kinh doanh khá rõ ràng. Tham vọng đưa Beeline leo lên vị trí thứ 4 sau 3 mạng lớn là Vinaphone, Mobifone và Viettel của tân tổng điều hành Michael Sasha Cluzel liệu có thành hiện thực hay không vẫn còn ở phía trước.

Sẽ có những cuộc chạy đua?

Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông nhận định, với mức đầu tư mới 500 triệu USD của Tập đoàn VinpelCom vào mạng Beeline tại Việt Nam, chắc chắn họ sẽ rất quyết liệt để đạt được mục tiêu về thị phần, về doanh thu tại thị trường này. Trong khi đó, Vietnamobile cũng đang gấp rút hoàn thiện về chất lượng sóng, chất lượng dịch vụ, gói cước để nâng cao vị thế cạnh tranh. Nhà mạng này còn vừa tiến hành thử nghiệm thành công 3G và sẽ chính thức cung cấp dịch vụ 3G trong năm nay. Những động thái tích cực này chắc chắn sẽ “thổi lửa” cho thị trường di động và xua đi không khí không mấy ấm áp của hai mạng ngoại tại Việt Nam trong hơn 1 năm qua, nhất là với Beeline.

Một số chuyên gia khác còn đưa ra khả năng, sẽ xuất hiện một cuộc chạy đua về chất lượng, dịch vụ chăm sóc khách hàng, về giá cả các gói cước sẽ diễn ra quyết liệt giữa các mạng ngoại với nhau và giữa hai nhà mạng ngoại này với các mạng lớn. Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, khi Vietnamobile ra đời và tiếp đó 3 tháng sau là sự đổ bộ của Beeline đã khiến các “ông lớn” phải tỉnh giấc, liên tục đưa ra các chiêu phản công lại các gói cước siêu khủng của hai mạng ngoại này…

Trong lĩnh vực viễn thông, sự cạnh tranh giữa các nhà mạng luôn là yếu tố tích cực mang lại dịch vụ và giá cả ngày càng tốt hơn cho người sử dụng di động. Một xu hướng mới của các nhà mạng hiện nay là tập trung khai thác phân khúc hẹp của thị trường. Chẳng hạn như Vietnamobile đưa ra các gói cước Maxi Talk chỉ 5.000 đồng/ngày dành riêng cho những người có nhu cầu đàm thoại nhiều cả ngày đêm; gói cước G5 chỉ 30.000 đồng/tháng cho riêng khu vực miền Trung, gói cước Biz 30 dành riêng cho công sở…

Các nhà mạng khác cũng có những gói cước theo phân khúc hẹp của thị trường. Việc này xuất phát từ thực tế khi cuộc chạy đua giảm giá cước không hiệu quả, các nhà mạng buộc phải tính đến việc cạnh tranh bằng những gói cước thông minh, sáng tạo, hiệu quả. Việc tập trung vào từng nhóm khách hàng cụ thể sẽ giúp các nhà mạng chăm sóc khách hàng được tốt hơn và khách hàng sẽ sử dụng hiệu quả hơn số tiền bỏ ra. Đó cũng là chiến lược của Beeline khi quay lại thị trường cung cấp các dịch vụ có chất lượng.

Theo SGGP




Bình luận

  • TTCN (1)
Hoàng Duy  1

Một bài viết có tính chất quảng cáo và "dìm hàng"!!!

Quảng cáo cho mạng Vietnamobile nhưng vẫn nhắc đến sơ sơ Beeline để đánh lạc hướng người đọc.