Sự chậm trễ trong việc cung cấp dịch vụ của hãng di động thứ 8 - Indochina Telecom khiến giới chuyên gia lo ngại về viễn cảnh không mấy sáng sủa khi thị trường viễn thông ở ngưỡng bão hòa, mức cước cũng tiến sát giá thành.
Không giống như các hãng viễn thông khác khá ồn ã trước thời điểm ra mắt dịch vụ, gần 2 năm nhận giấy phép, Indochina Telecom (Đông Dương) không có bất cứ tuyên bố nào liên quan đến việc khai trương mạng di động thứ 8 tại Việt Nam. Dù rằng, trong giai đoạn này, hãng đang gấp rút đàm phán với đối tác, mua sắm thiết bị, phát triển hạ tầng để đặt chân vào thị trường di động nhất có thể.
Tại lễ kí biên bản hợp tác về đào tạo nhân lực với Viện Công nghệ Thông tin hôm qua, phía Indochina Telecom không cho biết bất cứ kế hoạch cụ thể nào liên quan đến việc khai trương mạng di động thứ 8. Dù rằng, hãng nhận giấy phép gần 2 năm và được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp cho 2 đầu số vàng 0998 và 0999.
Tuy nhiên, một nguồn tin của hãng tiết lộ với VnExpress.net rằng các công việc đàm phán với đối tác, lắp đặt hạ tầng và xây dựng đội ngũ nhân sự đang được hãng gấp rút hoàn thành. Thời điểm ra mắt dịch vụ sẽ không còn lâu nữa.
Khác với 7 hãng viễn thông tại Việt Nam gồm VinaPhone, MobiFone, Viettel, S-Fone, Vietnamobile, Beeline và EVN Telecom, Indochina Telecom hoạt động với tư cách là mạng di động ảo. Nghĩa là hãng được thiết lập mạng và bán dịch vụ di động cho người tiêu dùng mà không cần tới tần số vô tuyến điện. Đông Dương chỉ có thể hợp tác với các doanh nghiệp khác để dùng chung hạ tầng và kinh doanh dịch vụ.
Mạng di động gần như được "chỉ định" chia sẻ hạ tầng cho Indochina Telecom chính là ông lớn đang chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam là Viettel.
Một lãnh đạo cấp cao của Viettel cho hay việc chia sẻ hạ tầng mạng nhiều nước trên thế giới đã làm nhưng ở Việt Nam chưa có tiền lệ. Chính vì thế, công việc đấu nối, thử nghiệm mạng lưới và đàm phán về tỉ lệ ăn chia giữa các bên khá mất thời gian. "Có thể phải 2 tháng nữa, công việc đàm phán giữa Viettel và Indochina Telecom mới hoàn thành", vị lãnh đạo nói.
Ông này cho rằng triển khai mạng ảo thực chất là việc mua buôn để bán lẻ. Indochina Telecom gần như mua dịch vụ của Viettel sau đó bán lại cho người tiêu dùng. Vì vậy để mạng ảo này tồn tại và kinh doanh có lãi, Viettel phải bán dịch vụ cho Indochina Telecom với giá rẻ.
Tuy nhiên giới chuyên gia nhìn nhận, trong bối cảnh các hãng viễn thông đang cạnh tranh khốc liệt, cước tiệm cận giá thành, lợi nhuận theo đó cũng giảm khá mạnh, việc bán rẻ dịch vụ là câu chuyện Viettel phải cân nhắc. Trên thực tế, 3 ông lớn di động đang roaming dịch vụ với hàng trăm hãng viễn thông trên thế giới nhưng tại thị trường trong nước họ lại luôn coi nhau là đối thủ. Mỗi năm, các hãng viễn thông cũng bỏ hàng tỉ đôla để đầu tư phát triển mạng lưới, trong khi lẽ ra họ hoàn toàn có thể hợp tác để dùng chung hạ tầng.
Một chuyên gia cho rằng Indochina Telecom sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi triển khai mạng di động ảo. Do vậy, hãng sẽ phải nhắm đến thị trường ngách, nơi mà các mạng lớn không để ý tới hoặc chưa có điều kiện cung cấp.
Trên thực tế, ngay cả thị trường ngách là các thuê bao nghèo, khách hàng chưa có cơ hội dùng di động cũng đang bị cả 3 đại gia VinaPhone, MobiFone và Viettel càn quét. Thời gian qua, hàng loạt chính sách khuyến mãi, giảm giá, cho sử dụng thử dịch vụ được các hãng áp dụng với mong muốn vé nốt số thuê bao còn lại của thị trường.
Theo VnExpress
Bình luận
"Mức cước cũng tiến sát giá thành" cái này thì cần phải xem xét lại. Trong tình hình cạnh tranh gay gắt như hiện nay với mức giá hơn 1K/phút cũng chưa thực sự rẻ để người dân thu nhập bình thường có thể gọi điện 1 cách thoải mái. Chúng ta không so sánh giá cước với các nước phát triển như Mỹ hay Hàn Quốc bởi thu nhập họ cao hơn mình rất nhiều. Nên so sánh nó với thu nhập thì hợp lí hơn. Còn việc tiến sát giá thành thì không hẳn là vậy. Đã có đến 7 nhà mạng hoạt động thì việc cạnh tranh trên từng thuê bao nhỏ cũng là điều cần thiết. Trong khi đó các nhà mạng chỉ tập trung vào việc phát triển thuê bao rồi làm các dịch vụ mới có tính phí để gia tăng lợi nhuận mà không để ý nhiều việc tinh chỉnh nhân sự và giảm bớt các chi phí không cần thiết. Ví dụ riêng ở Viettel có nhân viên được trả đến 50M/tháng nhưng hiệu quả mang lại không cao và chủ yếu vào theo kiểu cửa sau. Nếu là những tập đoàn lớn thì nên có nhận thức rõ ràng trong điều hành công ty 1 cách chiến lược