Không hào nhoáng với các công nghệ thời thượng, FX77 tập trung vào những tính năng cơ bản với chất lượng tương đối xuất sắc.
Được công bố hồi tháng một năm nay, Panasonic Lumix FX77 có cảm biến 12,1 triệu điểm ảnh, zoom quang 5x (24 – 120 mm) kèm cơ chế chống rung và đặc biệt là màn hình LCD cảm ứng tới 3,5 inch. Theo hãng, kích thước và trọng lượng phiên bản này đã được cải tiến để nhỏ và nhẹ hơn so với các phiên bản dòng FX trước đó. Bản thân cảm biến CCD cũng được thiết kế lại và cơ chế lấy nét tự động được đẩy lên nhanh hơn.
Là phiên bản hướng tới đại chúng, FX77 cũng có đầy đủ các tính năng tự động tiêu chuẩn như trên các dòng máy compact của Panasonic và các hãng khác như tự động lấy nét khuôn mặt, tự động nhận cảnh, hỗ trợ nhiều chế độ mặc cảnh thông dụng, đồng thời bổ sung thêm chế độ chụp ảnh tĩnh 3D và điều khiển thông qua cảm ứng.
Phiên bản này không hỗ trợ chỉnh tay, vì thế nếu muốn chỉnh người chụp phải chuyển về chế độ Normal Picture (tương tự chế độ Program trên các máy khác) để chỉnh ISO, cân bằng trắng... FX77 có khả năng quay video Full HD với định dạng tiên tiến AVCHD, được tung ra cạnh tranh trực tiếp với hai đối thủ cùng phân khúc là IXUS 310HS của Canon và Cyber-shot TX10 của Sony.
Dưới đây là đánh giá chi tiết máy ảnh này theo trang web Cameralabs.
Thiết kế và tính năng
Về mặt hình dáng và thiết kế, có thể nói FX77 khá tương tự với Sony Cybershot TX10. FX77 có thiết kế tông màu chủ đạo gồm đen và trắng với một viền kim loại bạc chạy dọc cạnh trên xuống hai bên. Với kích cỡ tương đối mỏng, FX77 hoàn toàn vừa vặn trong túi quần hay túi áo.
Mặt trên gồm các nút công tắc nguồn, nút quay phim độc lập và nút chụp ảnh hình ô-van điệu đà ở góc phải. Phần giữa của cạnh trên được bố trí một microphone mono và speaker nhỏ gọn.
Mặt sau của FX77 được phủ hoàn toàn bằng màn hình LCD 3,5 inch, rộng nhất so với cả Canon IXUS 310 lẫn Sony Cybershot TX10 nhưng độ phân giải lại khá nghèo nàn, chỉ 230.000 điểm ảnh. Với kích cỡ lớn và hỗ trợ chế độ màn ảnh rộng 16:9, LCD này khá lí tưởng cho quay phim HD, nhưng khi chụp ảnh thì ảnh sẽ bị co lại theo kích cỡ thường với hai vạch đen hai bên. Vì vậy, nếu không thường xuyên quay video, người chụp cũng không có nhiều cơ hội tận dụng được đầy đủ kích cỡ màn ảnh rộng của màn hình này.
Độ nhạy điều khiển trên màn hình FX77 khá tốt, phả ứng gần như tức thời. Mặc dù có độ sáng và tương phản tốt, nhưng màn này nhìn tốt nhất vẫn chủ yếu là góc thẳng. Độ rộng góc nhìn của màn hình vẫn hạn chế và không được hiệu quả bằng các phiên bản cùng hãng khác.
Đèn tích hợp có khoảng chiếu xa tới 6 m ở góc rộng với độ hồi khá nhanh, chỉ vài giây. Tương tự như TX10, FX77 được trang bị cổng mini HDMI và AV/USB. Máy hỗ trợ thẻ SD (HD và XC) với pin Lithium có dung lượng đủ chụp khoảng 200 kiểu mỗi lần xạc.
Ống kính và chống rung
FX77 được trang bị zoom quang 5x với tiêu cự tương đương 24 – 120 mm. Ở tiêu cự rộng, FX77 tương đương với Canon IXUS 130HS và Sony Cybershot TX10 và cũng theo trào lưu chung của các máy ảnh đại chúng hiện nay do nhu cầu chụp ảnh toàn cảnh như phong cảnh, nội thất… đang ngày càng trở nên thông dụng. Ở dải tele, FX77 có vẻ nhỉnh hơn, giúp người chụp có thể tận dụng thêm một chút khả năng chụp chân dung hay cắt cúp ảnh, dù tiêu cự này vẫn chưa đủ dài thành siêu zoom cho các mục đích chụp thể thao hay hoang dã.
Độ mở ống kính của FX77 đạt tối đa với f/2.5 ở góc rộng 24 mm. Độ mở này đủ thích hợp với các cảnh thiếu sáng, nhất là được hỗ trợ thêm cơ chế ổn định hình ảnh Mega O.I.S và chế độ Active khiến cho FX77 khá hữu dụng kể cả khi không cần chân máy.
Chế độ chống rung trên FX77 khá đơn giản, chỉ hai chế độ: tắt và bật. Hai bức ảnh dưới thể hiện hai chế độ này. Có thể thấy ở tốc độ 1/15s, cơ chế chống rung trên FX77 có thể bù tới 3 stop.
Các chế độ chụp
Ở chế độ chụp tự động, FX77 với chế độ tự động thông minh iA (intelligent Auto) sẽ kích hoạt cơ chế lấy nét theo khuôn mặt và nhận diện cảnh để quyết định thông số phơi sáng phù hợp (7 chế độ cho ảnh và 4 chế độ cho phim). Khi không thể nhận cảnh, máy sẽ chuyển về chế độ tự động đo sáng. Nếu muốn chỉnh nhiều hơn, người chụp có thể chuyển về chế độ Normal Picture để chỉnh nét, đo sáng, ISO và một số thông số khác nữa.
Bên cạnh chế độ lấy nét nhận diện khuôn mặt, FX77 còn có chế độ lấy nét tự động (23 vùng), đơn vùng, theo điểm và bám nét. Người chụp có thể chạm vào bất cứ đâu trên màn hình để lấy nét ở bất kì chế độ nào. Theo hãng, FX77 có tốc độ lấy nét được cải thiện nhanh hơn khoảng một phần ba lần so với phiên bản đời trước FX75.
Chế độ chụp ảnh tĩnh 3D mới được tích hợp cho phép người chụp chụp tới 20 ảnh khi lia máy từ trái sang phải. Sau đó máy sẽ chọn ra 2 bức và tạo ra hình ảnh 3D với file MPO, có thể hiển thị trên các màn Panasonic Viera hay các TV 3D tương thích khác. Không như TX10, phiên bản FX77 không thể hiển thị giả lập hình ảnh 3D trên màn hình LCD, vì thế đây cũng là một hạn chế lớn đối với chế độ này.
Chế độ ghi nhớ khuôn mặt trên FX77 có thể nhớ tới 6 khuôn mặt khác nhau và được lưu với tên và ngày sinh gắn kèm. Nếu trong quá trình chụp, máy nhận ra những khuôn mặt này, thông tin về người đó sẽ được hiện lên màn hình và chế độ lấy nét sẽ được tự động ưu tiên cho khuôn mặt đó.
Chế độ quay phim
FX77 có thể quay phim Full HD 1.920 x 1.080 pixel 50i và 1.280 x 720 pixel. Phim được lưu với định dạng AVCHD với chất lượng 17 Mb/giây. Người dùng cũng có thể lưu dưới dạng MJEG với độ phân giải 720p VGA hay QVGA 30 khung hình/giây. Video MJPEG mặc dù dễ biên tập hơn nhưng lại chiếm dung lượng lớn hơn so với AVCHD.
Cơ chế chống rung chủ động trên FX77 tỏ ra khá hữu dụng bởi nó hoạt động ngay khi quay phim. Ngoài chế độ tự động thông minh, Panasonic cũng hỗ trợ vài chế độ quay phim mặc cảnh nhưng ở lĩnh vực này, có vẻ như FX77 vẫn chưa bằng được Canon IXUS 310HS. Tương tự như Sony Cybershot TX10, FX77 vẫn bị khoảng trễ tính từ thời điểm khi người dùng bắt đầu nhấn phím quay và video được bắt đầu ghi, dù khoảng trễ này hiện chỉ trong khoảng 1 giây. Ở chế độ AVCHD máy có thể ghi với thời lượng tối đa 30 phút, trong khi chế độ MJEG 720p với thẻ 2G chỉ quay được khoảng 8 phút.
Điều khiển
Bật công tắc nguồn, Lumix FX77 sẵn sàng chụp ảnh trong khoảng thời gian 2 giây, đủ hợp lí ở mức trung bình, không nhanh cũng không chậm. Zoom khá mượt và nhanh, điều khiển tương đối dễ dàng dù các nút cảm ứng bố trí hơi sát.
Do không còn giao diện menu truy cập nhanh Q. Menu, các truy cập tính năng phải theo tuần tự nên khá chậm và không trực quan. Mặc dù có thể tùy biến như đưa được chức năng chỉnh ISO ra ngoài màn hình, nhưng nếu tuân theo trình tự thông thường, thì chỉ một thao tác đơn giản là thay ISO từ 100 lên 400 cũng phải mất tới 6 thao tác nhấn và chạm.
Ở chế độ chụp tốc độ cao High Speed Burst, FX77 có thể chụp tới 36 kiểu dung lượng 3 MB (2.048 x 1.536 pixel) với tốc độ khoảng 7 khung hình/giây, khá xuất sắc đối với một máy du lịch. Ở chế độ phân giải tối đa (4.000 x 3.000 pixel với kích cỡ ảnh khoảng 5 MB), FX77 cũng có thể tăng tốc được tới khoảng 3 khung hình/giây.
So sánh độ phân giải giữa Panasonic Lumix FX77, Canon IXUS 310HS và Sony Cybershot TX10
Để so sánh, cảnh được chụp trên các máy gần như cùng thời điểm, sử dụng chất lượng ảnh JPEG cao nhất, ống kính được đặt ở tiêu cự tương tự nhau và các máy đều ở chế độ tự động Program. ISO cũng được đặt ở mức thấp nhất có thể trên mỗi máy (ISO 100 trên Panasonic và Canon, 125 trên Sony).
Bức ảnh trên được chụp với máy FX77 với ống góc rộng 24 mm, tốc độ 1/1.000 giây, độ mở f/2.5 và ISO 100. Các vùng ô vuông màu đó sau đó được crop và phóng đại 100% trên máy tính để so sánh.
Ở thử nghiệm này, điều đầu tiên có thể nhận thấy ngay là khả năng trình diễn của FX77 khá nghèo nàn, phơi sáng không chính xác, hơi thừa sáng chừng 1 stop khiến cho chi tiết trên vùng tối hiển thị tốt nhưng trên vùng sáng lại bị mất.
Nhìn vào hình phóng, chi tiết hình ảnh của FX77 hơi mờ, cạnh viền không sắc nét, chi tiết cỏ dưới chân đồi cũng mờ nhẹ. Tòa hải đăng ngoài đảo ở ảnh crop thứ hai do quá sáng đã bị biến mất so với các ảnh từ hai đối thủ là Canon và Sony. Ở ảnh thứ ba nhược điểm dường như rõ ràng hơn khi chi tiết ở phần mái và tường gạch không rõ ràng, thêm vào đó là hiện tượng viền màu. Ảnh thứ tư thì phần chữ trên banner cũng bị mờ như các phần khác của ảnh.
Tuy nhiên, lưu ý đây là những ảnh đã được phóng đại để xem xét về mặt kĩ thuật, còn trên thực tế, nếu bạn không phải phóng lớn thì các nhược điểm này cũng không có vấn đề gì.
So với Canon IXUS 310HS, ảnh của Panasonic rõ ràng mờ hơn và mất chi tiết hơn dù chưa đến nỗi tệ. Trên các bức ảnh crop thử nghiệm có thể thấy ảnh của Canon khá sắc nét và chuẩn hơn với nhiều chi tiết hơn. Mặc dù nếu kĩ tính cũng có thể thấy ảnh trên Canon cũng có hiện tượng halo sáng và viền tím, nhưng so về giá thành thì rõ ràng chất lượng ảnh của Canon trông vẫn thuyết phục hơn.
So với Sony Cybershot TX10, chất lượng ảnh của Sony cũng yếu về độ chi tiết nhưng thay vì bị mờ, các ảnh của TX10 lại có xu hướng nhiễu hạt và vón cục, nhất là các chi tiết tảng đá trên đỉnh đồi và tường trước nhà thờ.
Nhận xét chung
So với Sony Cybershot TX10, phiên bản này khá tương đồng về trọng lượng và kích cỡ, nhưng màn hình lớn hơn, zoom dài hơn. FX77 thua kém TX10 ở chỗ cảm biến ít điểm ảnh hơn và không có lớp vỏ chống bụi và chống sốc.
Giống như Canon, Sony Cyber shot TX10 được trang bị rất nhiều công nghệ và chức năng hiện đại mà Panasonic không có. Chẳng hạn dù cũng có 3D nhưng FX77 không có nhiều tùy chọn, rồi chế độ chụp cầm tay tốt nhưng độ phân giải lại bị giảm, chế độ chụp tăng tốc cũng vậy.
Tuy nhiên về chất lượng, có thể nói FX77 dù 12 triệu điểm ảnh vẫn hơi vượt trội hơn so với TX10 16 triệu điểm. Độ trễ giữa bấm máy và quay của FX77 cũng ngắn hơn. Cùng với màn ảnh rộng 3,5 inch, nếu như người chụp chỉ quan tâm đến video thay vì các chức năng tiên tiến thông minh khác thì FX77 cũng là máy ảnh rất đáng chú ý.
So với Canon IXUS 310HS, FX77 nhỏ và nhẹ hơn mà vẫn có zoom dài hơn. Tuy nhiên, phiên bản đối thủ đến từ Canon lại tỏ ra vượt trội hơn FX77 ở khá nhiều mặt, chẳng hạn như độ mở lớn f/2.0 tối đa và hỗ trợ chế độ chụp đêm cầm tay với độ phân giải tối đa.
IXUS 310 HS cũng ưu điểm hơn nhờ có các chế độ ưu tiên cửa trập và ưu tiên độ mở cũng với các chế độ chụp giải trí khác như chụp tự động theo khuôn mặt hay nụ cười và một loạt các hiệu ứng sáng tạo khác. Phiên bản này còn hỗ trợ thêm chế độ quay video 1080p 24 khung hình/giây, quay chậm cùng nhiều chế độ mặc cảnh hơn.
Tóm lại, Panasonic FX77 là máy ảnh gọn nhẹ cho những người chú trọng vào các yếu tố trọng yếu và chức năng của nhiếp ảnh thay vì các công nghệ thời thượng, tiên tiến. Hai yếu tố chính FX77 trội hơn so với các đối thủ là zoom quang 5x với góc tele tới 120 mm và màn hình rộng 3,5 inch rất hữu dụng cho quay video HD.
FX77 cho chất lượng hình ảnh khá chuẩn xác và đáng tin cậy kể cả trong thử nghiệm ISO cao nhưng các chế độ chụp đêm Handheld Night Shot và chế độ tăng tốc đã không duy trì được độ phân giải đầy đủ 12 triệu điểm của mình. Phiên bản này cũng thiếu vắng đi một số công nghệ thời thượng trên các đối thủ như Sony và Canon dù không phải ai cũng nhận ra. Tuy nhiên, những thiếu sót này lại tạo ấn tượng xấu là hãng này không quan tâm tới đổi mới công nghệ.
Nếu bạn chỉ muốn tìm một máy ảnh nhỏ gọn với màn cảm ứng lớn, zoom tương đối dài và chất lượng cả ảnh lẫn video xuất sắc thì FX77 xứng đáng là một lựa chọn hợp lí.
Theo Số Hóa
Bình luận