Các "trùm sò" công nghệ, từ những lão làng như Steve Jobs, Bill Gates đến những nhân vật trẻ măng như Zuckerberg đều hiện lên một cách hài hước và thâm thúy trong loạt truyện tranh này.
Nét vẽ của Neil McAllister, nghệ sĩ truyện tranh của Adventures of Action Item, cùng Tony Talbert đã thể hiện các nhân vật nổi tiếng của làng công nghệ theo một góc nhìn hài hước và thâm thúy. Lần lượt các nhân vật đứng đầu của các tập đoàn "cứng tuổi" như Apple, Microsoft cho đến các “măng non” như Google, Facebook đều được thể hiện như các siêu anh hùng và siêu tội phạm trong thế giới hoạt hình sống động. Ngoại lệ duy nhất là nhân vật cuối cùng.
Steve Jobs
Sau khi bị "đá" khỏi Apple một cách đau đớn, Steve Jobs đã bị biến đổi trở thành một quái nhân. Ông ta tận dụng các năng lực tuyệt vời về mặt thiết kế của mình vào lĩnh vực Bóp méo Thực tế và khuyếch đại chúng một cách điên rồ nhằm gây ảnh hưởng tới toàn bộ đàn ông, đàn bà và trẻ em toàn thế giới. Hàng triệu triệu người đã bị mê hoặc bởi các ngôn từ công nghệ bóng bẩy của quái nhân cổ dài này. Ngôn từ chính là vũ khí bí mật lợi hại nhất của Jobs để hạ gục những ai "đủ thông minh" để không bị ảnh hưởng bởi ma thuật thay đổi suy nghĩ do ông ta tạo ra.
Bill Gates
Nhìn hệt như một siêu anh hùng giáp trụ đầy mình, Bill Gates từng kiếm được hàng tỷ tiền lời từ thị trường thế giới. Thay vì bán vũ khí, ông ta bán ra một hệ điều hành khủng khiếp và hàng tá các bộ phần mềm văn phòng lủng củng. Sau này, Bill đã quyết định chuộc lỗi bằng cách sử dụng siêu năng lực của mình bằng cách đứng lên chống lại bất công (và đẩy lùi sốt rét ở châu Phi). Một sự thực thú vị là công nghệ quang học trang bị trong bộ áo giáp của ông ta đã được ứng dụng cho Kinect.
Linus Torvalds
Linus Torvalds chiến đấu cho sự thật, công lý và quyền sử dụng máy tính một cách tự do không phụ thuộc vào bất kỳ ai. Không chỉ chiến đấu cho tự do bằng các công cụ siêu anh hùng do mình lập trình bằng mã nguồn tarball, ông còn nhận được sự hỗ trợ từ các đồng minh trong cộng đồng mã nguồn mở. Cú đá bay kiểu chim cánh cụt Tux của ông đã trở thành huyền thoại trong giới truyện tranh.
Ada Lovelace
Tất cả các siêu nhân công nghệ đều có thể lấy lại được siêu năng nguyên thủy của mình qua cỗ máy Động Cơ Phân tích mà Ada Lovelace phát minh từ những năm 1800. Theo hồ sơ chính thức, cô qua đời ngay sau khi bắt đầu kích hoạt sức mạnh thực sự của cỗ máy này, song có lẽ cô vẫn lang thang đâu đó trên Internet và sẵn sàng giúp đỡ những kẻ hữu duyên cần sự giúp đỡ.
Mark Zuckerberg
Mặc dù cũng có khả năng ném cừu (một ứng dụng đùa cợt với bạn bè trên Facebook) nhưng Mark Zuckerberg lại không sở hữu một siêu năng lực và không thể bay được như các siêu nhân khác. Sức mạnh của siêu nhân này nằm ở một cơ sở dữ liệu khổng lồ thu thập mọi thứ liên quan đến truyền thông qua lại trên Internet mà mọi người trên thế giới này tạo ra từ máy tính hoặc điện thoại di động. Cơ sở dữ liệu này lưu trữ các thông tin liên quan đến điểm mạnh, điểm yếu, vỏ bọc thân phận của mọi cá nhân và được Mark gọi là “Facebook”.
Larry Page và Sergey Brin
Hai nhà đồng sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin muốn giải cứu các nguy cơ chiến tranh thế giới, bất công xã hội và các mâu thuẫn đối lập… thông qua việc tập hợp thống nhất mọi người dưới băng rôn Google. Cặp đôi năng động này có khả năng tìm thấy mọi thứ họ muốn tìm và họ còn có thể sai khiến được cả thời tiết (các "đám mây"). Đứng sau lưng họ là đội quân Android hùng hậu và ngọt như mật.
Steve Ballmer
Máy nghe nhạc Zune, điện thoại di động Kin, Hệ điều hành Windows Vista... đều không phải là lỗi của Steve Ballmer. Ông ta chỉ quá kích động về Microsoft cùng công nghệ mà thôi. Và trước khi bạn biết đến những công nghệ đó, dị nhân này luôn mồm hò hét “CÁC NHÀ PHÁT TRIỂN” trong bài phát biểu của mình tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) hàng năm.
Carol Bartz
Chúng ta sẽ không thèm nhắc tới Yahoo nữa nếu không có sự xuất hiện của Carol Bartz, người đã nổi cơn tam bành vì chưa đưa đưa tập đoàn truyền thông này trở lại vị thế "đại gia" như xưa. Bà ta được đào tạo bởi "nghệ thuật quản lý" Fu (đây là 2 chữ đầu của một từ tục trong tiếng Anh, ám chỉ vụ bà Bartz có lần nổi quạu và dùng từ này với Michael Arrington, người sáng lập TechCrunch) và đám tay sai trung thành và sẵn sàng bỏ qua các nguyên tắc của luật lao động sẽ đưa bà tới chiếc ghế quyền lực của Google. Hoặc Facebook. Bà ta không chê đâu!
Steve Fox
Bạn biết cảm giác thất vọng khi trót mua một món đồ chơi công nghệ mới mà nó không được như kỳ vọng không? Tổng biên tập Steve Fox của PC World luôn lắng nghe và thấu hiểu các tâm tư tình cảm đó. Sau khi đích thân trải nghiệm cảm giác thất vọng do Windows Me mang lại trong quá khứ, Steve Fox đã thề sẽ dùng ngòi bút của mình vạch trần các chiêu trò tô vẽ, thổi phồng do đội quân bán hàng của các siêu nhân công nghệ tạo ra. Hãy cẩn thận!
Theo PCWorld VN
Bình luận