Tại buổi tọa đàm "Quản lý cạnh tranh bằng mạng và diễn đàn" diễn ra sáng nay (5/8), tất cả các đại biểu tham gia đều cho rằng tình trạng nói xấu trên mạng đang bùng nổ, trong khi việc xử phạt như "gãi ngứa"!
Thời gian gần đây, trên mạng Internet đã diễn ra khá nhiều vụ bêu riếu, nói xấu nhau giữa cá nhân những người nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ với nhau, cũng như việc nói xấu để hạ uy tín của nhau giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực.
"Chìm xuồng" hoặc chưa đủ răn đe
Trong tháng 5 vừa qua, trên một trang mạng xã hội nổi tiếng đã bùng nổ với lời nhận xét đầy ác ý của một nữ doanh nhân kinh doanh giáo dục nhà trẻ với một ứng cử viên đại biểu quốc hội là một diễn viên điện ảnh. Vụ việc bùng lên trong các cư dân mạng rồi sau đó cũng "chìm xuồng" theo dòng thời sự.
Mới đây nhất là trên diễn đàn otosaigon đã có việc bêu xấu chất lượng dịch vụ sửa chữa ôtô của Công ty cơ khí ôtô Phạm Gia. Theo ông Phạm Trường Sơn - phó tổng giám đốc Công ty cơ khí ôtô Phạm Gia, những thông tin bêu xấu về ôtô Phạm Gia đưa trên diễn đàn otosaigon kéo dài... 4 năm!
Kết cục sau 4 năm chịu đựng, sống chung với nạn nói xấu của các thành viên diễn đàn này, Công ty ôtô Phạm Gia đã quyết định lên tiếng khiếu nại lên các cơ quan chức năng, và sau đó Công ty ôtô Xuyên Việt chủ quản diễn đàn otosaigon bị xử phạt 25 triệu đồng.
Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm "Quản lý cạnh tranh bằng mạng và diễn đàn" diễn ra sáng nay (5/8) tại TP.HCM do báo Doanh Nhân và Pháp Luật tổ chức, ông Phạm Trường Sơn cho biết doanh số của Công ty Phạm Gia đã bị thiệt hại rất lớn, cụ thể là giảm còn 35% sau khi bị diễn đàn otosaigon bêu xấu.
Ông Sơn cho rằng đây là nỗi đau và sự mất mát rất lớn đối với doanh nghiệp khi bị "chơi xấu" trên mạng. Vấn đề pháp lý đặt ra ở đây là với những mất mát khá lớn như vậy, doanh nghiệp chủ quản các diễn đàn chỉ bị xử phạt với số tiền vài chục triệu đồng so với sự sụt giảm doanh số của các doanh nghiệp bị nói xấu trên mạng.
Trong khi đó, những quy định của pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe và ngăn chặn hành vi nói xấu doanh nghiệp khác tiếp diễn.
Phạt tối đa 100 triệu đồng có đủ "gãi ngứa"?
Theo ông Đào Kim Phú - trưởng đại diện phía Nam Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, hiện cả nước có 49 báo điện tử và 645 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép. Ngoài ra còn có khá nhiều website tự lập, tùy tiện và chưa có sự quản lý. Theo ông Phú, sắp tới sẽ tăng cường vai trò quản lý nhà nước để hoạt động thông tin điện tử lành mạnh hơn, kiểm soát những trang mạng đưa các thông tin vô bổ, vì mục đích vụ lợi cá nhân.
Tuy nhiên, ông Phú cũng đồng ý rằng với mức phạt tối đa 100 triệu đồng cho một trường hợp nói xấu trên mạng vẫn chưa đủ sức răn đe. Do đó cần phải quy định thêm mức chế tài bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động Internet hoặc rút tên miền đã cấp phép đối với những vi phạm nghiêm trọng, thiệt hại lớn đến doanh nghiệp khác.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng với tốc độ phát triển các trang mạng cá nhân, diễn đàn trên mạng như vũ bão hiện nay, ranh giới của việc nói xấu trên mạng, xâm phạm đời tư cá nhân người khác hiện nay rất dễ bị lạm dụng. Một khía cạnh pháp lý mà luật sư Nguyễn Văn Hậu lưu ý với các blogger và thành viên các diễn đàn trên mạng là khi viết về người khác trên blog hay trên diễn đàn, nhất thiết phải được sự đồng ý của người đó, nếu không sẽ rất dễ bị kiện ra tòa.
Luật sư Hậu cho biết thêm ở Hàn Quốc, số tiền xử phạt những trang mạng nói xấu trong một năm đến 350 triệu USD, ở Mỹ thu về cho chính phủ 3 tỉ USD. Còn ở Trung Quốc, nếu nói xấu nhau trên mạng gây thiệt hại cho cá nhân, doanh nghiệp thì bị phạt đến 1 triệu nhân dân tệ.
Trong khi đó, tại Việt Nam mức chế tài theo quy định còn khá nhẹ, hơn nữa luật cũng quy định doanh nghiệp bị thiệt hại do bị nói xấu trên mạng phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại như hiện nay là rất khó khăn cho doanh nghiệp, vì những thiệt hại vô hình rất khó để chứng minh.
Và có khi nếu chứng minh được thì "chưa được vạ, má đã sưng"!
Theo Nhịp Sống Số - Tuổi Trẻ Online
Bình luận