Tác giả bài viết này (Nakamichi Tadashi) đến TP.HCM để thực hiện chuyên đề "Tình hình công nghệ truyền thông của 50 thành phố trên thế giới" của tạp chí Kinh Tế Thông Tin (Nikkei Communication). Và ông đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác về sự phát triển nhanh chóng của Wi-Fi ở TP.HCM.
Mới đặt chân đến TP.HCM, điều làm tôi ngạc nhiên nhất là các doanh nhân nước ngoài, khách du lịch tập trung tại hầu hết các quán cà phê, nhà hàng sử dụng mạng Internet Wi-Fi miễn phí. Không chỉ vậy, người dùng cũng không cần phải nhập wep key (mật mã vào mạng không dây), không cần nhập mật khẩu khi vào web. Người dùng chỉ cần sử dụng công cụ kết nối Wi-Fi sẵn có trong Windows XP, và chọn một trong những Access Point (điểm phát sóng Wi-Fi) hiện lên trong danh sách là có thể kết nối Internet ngay lập tức.
Ví như quán cà phê hay nhà hàng này không lắp đặt thiết bị Access Point nhưng ở gần đâu đó có lắp đặt thì vẫn có thể kết nối được. Chính bản thân tôi đã vào một nhà hàng dùng bữa, khi mở máy tính ra thì người phục vụ nói "Nhà hàng chúng tôi không lắp đặt Access Point", nhưng tôi đã kết nối được Internet bằng Access Point gần đó.
Đối với ký giả như tôi, môi trường mạng không dây như ở TP.HCM quá thuận lợi. Sau một lần thu thập tin tức, trong khi chờ đến cuộc hẹn sau tôi ghé vào quán cà phê gần nhất để trả lời email hay đọc tin tức và cứ tiếp như thế. Một điều đương nhiên là không cần phải tìm hiểu trước bản đồ vùng cung cấp dịch vụ mạng Wi-Fi công cộng như ở Nhật mỗi khi chuẩn bị đến đó.
Thêm một điều sung sướng nữa là vì không cần mật khẩu hòa mạng cho nên không cần chọn thiết bị khi kết nối. Tôi có cuộc hẹn tại sảnh của một khách sạn, nhưng còn dư 5 phút nên tôi đã sử dụng iPod touch để vào web. Vì không cần nhập wep key, mật khẩu cũng không cần nên việc kết nối chỉ xảy ra trong tích tắc.
Không cần bảo mật?
Tuy nhiên với môi trường sử dụng tùy tiện như vậy sẽ có vấn đề về bảo mật. Nếu không được mã hóa thì sẽ bị đánh cắp hoặc bị thâm nhập một cách dễ dàng vào server.
Tuy vậy, mạng Wi-Fi công cộng ở Nhật nói là an toàn thì chưa hẳn đã là như vậy. Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đều sử dụng một wep key chung cho tất cả các user. Chỉ cần biết wep key này thì có thể lấy trộm data. Tất nhiên chỉ có những người biết wep key mới lấy trộm được nên rào cản sẽ cao hơn.
Có nhiều ý kiến lên tiếng nếu ai cũng có thể kết nối không cần mật khẩu, người ta sẽ lợi dụng nó làm "bàn đạp" để vào mạng làm chuyện xấu. Thế nhưng hacker thì luôn tấn công mà không để lại dấu vết. Với cách suy nghĩ như vậy, việc bảo mật đường truyền mạng Wi-Fi công cộng ở Nhật có lo lắng cũng chẳng được gì.
Mong chờ xuất hiện ở Nhật
Quay lại chuyện mạng không dây ở TP.HCM. Tôi đã trở lại Nhật mà vẫn chưa có câu trả lời tại sao TP.HCM lại có một môi trường mạng không dây như vậy. Theo suy đoán của tôi, có một quán cà phê hay nhà hàng nào đó cho ra đời dịch vụ Wi-Fi miễn phí đầu tiên. Do tính cạnh tranh, các quán khác cũng lắp đặt và nó trở thành một môi trường như ngày nay. Việc không cần mật khẩu hay mã hóa dữ liệu là vì lúc đầu ý thức về bảo mật chưa cao và cứ thế duy trì đến ngày nay.
Mặc dù sự tình như vậy, nhưng khi sử dụng thực tế mới thấy dịch vụ Wi-Fi công cộng không có tí gì bảo mật được lan rộng khắp nẻo đường mới thấy thuận tiện làm sao. Ngồi trong máy bay trên đường về Nhật tôi ước gì ở Nhật cũng có môi trường như vậy.
Dự án phủ sóng Wi-Fi đang được FPT Telecom và Viettel Telecom triển khai tại các thành phố lớn. Dù triển khai độc lập, cách thức làm khác nhau, nhưng cả hai đơn vị này đều hướng đến mục đích xây dựng hạ tầng thành phố Wi-Fi và khai thác các dịch vụ giá trị gia tăng trên đó.
Hệ thống Wi-Fi do FPT Telecom thiết lập tại TP.HCM và Hà Nội hiện đạt trên 5.000 điểm phát sóng. Dự án có tổng vốn đầu tư là 1,5 triệu USD. Tại các tụ điểm công cộng như quán cà phê, ngân hàng, trường đại học, sân bay... người dùng có thể truy cập Internet miễn phí bằng các thiết bị di động tích hợp Wi-Fi như máy tính xách tay, điện thoại smartphone, PDA.
Viettel cũng đã thử nghiệm Wi-Fi trên địa bàn TP.HCM nhưng do liên quan đến một số thay đổi về kỹ thuật nên đến năm 2008, Viettel mới triển khai rộng rãi dịch vụ Wi-Fi này.
Thiên Tường
(V. Ngọc dịch - TTO)
Bình luận