Cùng với thông tin dồn dập về việc Viettel liên tiếp đầu tư vào các mạng viễn thông ở khu vực châu Á, châu Phi và châu Mỹ, mới đây MobiFone và FPT cũng tuyên bố quyết ra "biển lớn" để mở rộng thị trường.
Đầu tư ra nước ngoài để mở rộng thị trường
Phát biểu tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động mới đây, ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch của MobiFone cho biết mạng di động này có tham vọng vươn ra thị trường nước ngoài để trở thành 1 trong 10 mạng di động hàng đầu châu Á. MobiFone dự kiến sẽ đầu tư ra nước ngoài và phục vụ cho thị trường khoảng 200 triệu dân. Phía MobiFone cho rằng, để thực hiện những chiến lược này, MobiFone sẽ chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực để có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển của công ty này trong điều kiện thị trường cạnh tranh trong nước ngày càng khốc liệt và dần đáp ứng các yêu cầu kinh doanh quốc tế. MobiFone chắc chắn sẽ trưởng thành hơn và tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn nếu đi ra nước ngoài", ông Minh nói. Như vậy, MobiFone là mạng di động thứ 2 của Việt Nam đưa ra chiến lược đi ra nước ngoài.
Ngay sau tuyên bố của MobiFone, ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT cho biết, trong 3 năm qua FPT đã đạt mục tiêu đầu tư ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Chiến lược này được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là xây dựng kết nối mạng đường trục đến đường biên giới, từ đó FPT cung cấp dung lượng kết nối cho các nhà khai thác tại Lào và Campuchia. Bước tiếp theo là chúng tôi làm các thủ tục để mua lại các nhà khai thác ở Campuchia và sau đó trực tiếp cung cấp dịch vụ tại đây. Hi vọng công thức này thành công tại Campuchia, sẽ thành công tại Lào và các thị trường khác”, ông Trương Đình Anh nói.
Ngoài mục tiêu sẽ đầu tư vào thị trường Lào và Campuchia, FPT cũng đang chuẩn bị đầu tư sang thị trường Nigeria. Mới đây, ngày 5/7, FPT và Công ty 21st Century Technologies của Nigeria đã kí biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác chiến lược trong lĩnh vực viễn thông, giáo dục và sản xuất thiết bị. FPT sẽ tìm cơ hội hợp tác trong các dịch vụ băng thông rộng, nội dung số, trò chơi trực tuyến, các giải pháp trong lĩnh vực viễn thông, sản phẩm công nghệ… Đồng thời, FPT dự kiến sẽ tư vấn kinh doanh và xây dựng mạng lưới hạ tầng cũng như cung cấp dịch vụ cho 21st Century Technologies…
Cũng đồng quan điểm với MobiFone, ông Trương Đình Anh cho rằng, nếu chỉ khai thác loanh quanh thị trường trong nước sẽ không thể lớn mạnh được. 'Thực tế ở một số ngành dịch vụ như tích hợp hệ thống chẳng hạn, FPT đã chiếm phần lớn thị phần trong nước. Vì vậy, “cửa” phát triển duy nhất cho FPT là phải đi ra nước ngoài để mở rộng thị trường của mình. Tuy rằng, thời điểm này việc đi ra nước ngoài sẽ là rất khó khăn", ông Trương Đình Anh nói.
Viettel bắt đầu nhắm đến thị trường châu Âu
Tháng 5/2006, Viettel bắt đầu cung cấp dịch vụ tại Campuchia với dịch vụ VoIP, sau đó là dịch vụ Internet. Tiếp theo đó, Viettel xin được cấp phép triển khai mạng di động và đến đầu năm 2009, mạng di động của Viettel tại Campuchia chính thức cung cấp dịch vụ. Tuy tham gia muộn nhưng Viettel đã đứng thứ nhất về hạ tầng và thuê bao tại Campuchia, tại Lào đứng đầu về hạ tầng mạng lưới. Doanh thu năm 2010 tại thị trường Campuchia đạt 161 triệu USD, tăng 2,8 lần so với năm 2009. Tại thị trường Lào đạt gần 61 triệu USD, tăng 4,5 lần. Thương hiệu Metfone đã được trao Giải thưởng Nhà cung cấp dịch vụ triển vọng nhất của năm do Frost & Sullivan bình chọn và trao giải.
Sau khi đầu tư tại Lào và Campuchia, Viettel bắt đầu tiến quân sang thị trường châu Mỹ và châu Phi. Ngày 4/5/2010, Haiti đã kí thỏa thuận đồng ý cho Viettel đầu tư vào hãng viễn thông sở hữu nhà nước Telecommunications d’Haiti (Teleco). Theo thỏa thuận này, Viettel sẽ đầu tư một gói trị giá 99 triệu USD vào Teleco. Trong đó, Viettel đã đồng ý đầu tư ban đầu 59 triệu USD và 40 triệu USD còn lại trong 4 năm tiếp theo để nâng cấp mạng lưới và các dịch vụ của Teleco đã bị ảnh hưởng nặng nề sau trận động đất khủng khiếp hồi tháng 1/2010.
Tháng 11/2010, Viettel cho biết đã thành công trong việc trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động ở Mozambique sau khi hợp tác với Movitel - hãng viễn thông lớn thứ 3 ở quốc gia này đấu giá giấy phép di động. Movitel đã đánh bại hai nhà thầu khác trong cuộc đấu giá giấy phép di động thứ 3 ở Mozambique có tới 22 công ty tham gia. Với giấy phép này, trong vòng 12 tháng, Movitel phải bắt đầu cung cấp dịch vụ. Trong 5 năm tới, Movitel sẽ đầu tư 400 triệu USD để phát triển kinh doanh đồng thời đảm bảo phủ sóng đến 85% dân số của Mozambique.
Đến tháng 1/2011, Viettel đã giành thắng lợi trong cuộc đấu thầu giấy phép di động thứ 4 ở Peru có sự tham gia của 4 nhà mạng, gồm Viettel, Americatel (công ty con thuộc Tập đoàn Entel của Chile), Hits Telecom (Công ty của Kuwait) và Winner Systems, liên doanh của Nga. Viettel dự định đầu tư khoảng 27 triệu USD để xây dựng mạng di động mới tại Peru. Peru có gần 30 triệu dân với thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.500 USD tính đến tháng 6/2010. Quốc gia Nam Mỹ này hiện có hơn 8 triệu người sử dụng Internet, đạt tỉ lệ 27%. Peru hiện là thị trường nước ngoài thứ 5 Viettel có giấy phép thành lập mạng di động.
Ông Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, tình hình đầu tư ra nước ngoài của Viettel rất khả quan. Viettel đang là mạng di động có vùng phủ sóng lớn nhất tại Campuchia và dự tính sẽ trở thành nhà mạng có số thuê bao lớn nhất tại đất nước Chùa Tháp này. Tại Lào, Viettel cũng đang là nhà mạng có vùng phủ sóng rộng nhất và bắt đầu kinh doanh có lãi. Theo ông Xuân, mục tiêu của Viettel đến năm 2015 là sẽ có thị trường quy mô 300 - 500 triệu dân. Nếu đạt được con số này, Viettel sẽ đạt doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn gấp 3 - 5 lần thị trường trong nước và trở thành một trong 10 doanh nghiệp viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới.
Nguồn thạo tin cho hay hiện Viettel đang tìm kiếm cơ hội đầu tư mới ở châu Âu. Liên tiếp trong thời gian gần đây, các lãnh đạo Viettel đã đi đến "Châu lục già" này. Trong buổi làm việc với Bộ TT&TT mới đây, ông Hoàng Anh Xuân khẳng định, với cách làm của mình, Viettel có thể đầu tư ra nước ngoài thành công, thậm chí cả những thị trường ở châu Âu.
Theo báo Bưu Điện Việt Nam số 97
Bình luận