Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới. Đó là một điều không phải bàn cãi với việc Internet ngày càng thâm nhập sâu vào cuộc sống của mọi người.

Kinh doanh sản phẩm trong môi trường trực tuyến hứa hẹn mang lại những cơ hội lớn cho cả người dùng lẫn doanh nghiệp như tăng doanh số, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian. Thế nhưng trên thực tế tại thị trường Việt Nam điều này lại chưa phát huy hết những tiềm năng của thương mại điện tử vốn có.

Giống như Internet, đầy hứa hẹn nhưng cũng không ít rủi ro, thương mại điện tử vẫn chưa đạt được những bước tiến cần thiết. Theo một bảng báo cáo mới nhất của Kantar Media Việt Nam và Yahoo! cho thấy, các giao dịch trực tuyến chủ yếu chỉ được thanh toán bằng tiền mặt (93%) và chuyển khoản ATM (18%). Hầu hết mọi người đều tìm đến các “chợ điện tử” để tìm thông tin hàng hóa, số lượng người sử dụng các công cụ thanh toán trực tuyến là rất ít.

Bỏ qua những cửa hàng trực tuyến chính hãng còn chưa phong phú, hầu hết mọi người đang tìm đến các “chợ điện tử” – nơi tập trung rất nhều cửa hàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau và gần như đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của người dùng. Thế nhưng trên một hành trình tìm kiếm một món hàng, rất nhiều vấn đề đã nảy sinh.

Loạn mức Giá, dịch vụ

Có thể nói chưa bao giờ khách hàng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lại được các công ti bán lẻ quan tâm, ưu ái như hiện nay. Không chỉ được ưu đãi giảm giá, hàng hóa trên mạng cũng rất đa dạng, phong phú. Rõ ràng ở “chợ điện tử”, người dùng có rất nhiều sự lựa chọn đối với một loại sản phẩm. Khi gõ vào một từ khóa, kết quả trả về có thể ở con số hàng chục hay hàng trăm với rất nhiều công ti khác nhau ở mọi vùng trên đất nước. Nhiều lựa chọn là tốt nhưng cái đáng bàn ở đây là mức giá được đưa ra giữa các công ti lại chênh lệch nhau khá nhiều, có khi tới vài triệu đồng cho một chiếc điện thoại hay máy tính. Lượng thông tin kèm theo cũng khá ít ỏi và nếu không để ý kỹ, người dùng sẽ bị “mức giá rẻ bất ngờ” đánh lừa.

Có rất nhiều điểm cần chú ý để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái hay hàng kém chất lượng. Đó là cách tính giá cho sản phẩm đã bao gồm các loại thuế hay chưa, xuất xứ của sản phẩm là xách tay hay chính hãng, phụ kiện kèm theo hay phí vận chuyển là bao nhiêu và có hỗ trợ thanh toán trực tuyến hay không. Mỗi chi tiết khác biệt sẽ ảnh hưởng đến mức giá cuối của sản phẩm khi đến tay người dùng.

Những rủi ro khi giao dịch trực tuyến

Rõ ràng để tham gia và thực hiện giao dịch trên các chợ ảo này, việc bạn làm đầu tiên là phải đăng ký. Dạo qua một số trang mua bán, các thông tin mà người dùng cần cung cấp là tên, email, ngày tháng năm sinh, giới tính hay tỉnh/thành phố nơi đang sống hay thêm cả tài khoản mạng xã hội. Tất nhiên là rất ít người để ý vấn đề này và họ thường vô tư nhập các thông tin thực của bản thân. Cùng với đó là các thông tin khác trong quá trình giao dịch như địa chỉ nhà riêng, số CMND, số tài khoản, .. . Những thông tin này rất dễ bị bên thứ 3 (những trang bán hàng giả danh, địa chỉ và các dịch vụ rao vặt ảo, .. .) lấy cắp và sử dụng vào mục đích xấu, gây tổn hại đến người dùng, nhất là khi truy cập từ những máy tính không được trang bị các công cụ bảo mật đầy đủ.

Nếu đã tham gia mua bán trực tuyến, người dùng sẽ phải chấp nhận việc có thể không có một sự tiếp xúc thực tế nào giữa hai bên – trừ khi bạn đến tận cửa hàng ghi trên trang web. Thay vào đó hai bên giao tiếp với nhau thông qua các công cụ như email, chat hay gọi điện. Chất lượng hàng hóa vì thế rất khó để kiểm định xem có giống với quảng cáo trên “gian hàng ảo” hay không trước khi đưa ra quyết định mua.

Quyền lợi không được đảm bảo

Cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động của thương mại điện tử ở Việt Nam ra đời khá muộn so với các nước khác trên thế giới. Mãi đến cuối năm 2005 Việt Nam mới có luật “Luật giao dịch điện tử” và năm 2007 mới có nghị định hướng dẫn thi hành luật đó. Bên cạnh đó các văn bản pháp luật có liên quan khác như Luật dân sự, Hải quan, sở hữu trí tuệ mới đang dần được hoàn thiện và bổ sung các điều khoản liên quan đến thương mại điện tử. Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng thì hoạt động một cách mờ nhạt và chưa kiên quyết trong việc đảm bảo công bằng cho những trường hợp giao dịch trực tuyến. Mới đây nhất ngày 01/07/2001, Luật bảo vệ người tiêu dùng mới có hiệu lực – khá chậm cho một lá chắn không thể không có trước những rủi ro ngày càng nhiều trong môi trường trực tuyến. Theo thống kê 55% người tiêu dùng không biết mình có quyền gì và vì thế họ thường ít có cơ hội thương lượng trực tiếpvới các doanh nghiệp. Rất nhiều các trường hợp bị lừa đảo những không biết kêu với ai và cuối cùng chỉ biết ngậm ngùi “trình bày” trênnhững diễn đàn và tự dặn bản thân tránh lặp lại một lần nữa.

Chưa có phương thức thanh toán phù hợp

Các hình thức thanh toán phổ biến hiện nay là chuyển tiền qua bưu điện, đưa trực tiếp, chuyển khoản, dùng thẻ Tín dụng hay thẻ ghi nợ. Mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng và chưa thể được coi là phương án tối ưu. Đó có thể là việc mất thời gian công sức cho chuyển tiền mặt hay phải đợi lâu để món hàng đến được tay mình. Chưa kể việc nhiều trường hợp bên bán nhận được tiền nhưng lại không chuyển hàng hay chuyển hàng kém chất lượng cho bên mua. Không phải ai cũng có sẵn một tài khoản ở ngân hàng hay rành rọt việc sử dụng máy vi tính – điều cản trở việc thực hiện các giao dịch với rất nhiều e ngại và bỡ ngỡ. Chất lượng thanh toán cũng không đồng đều, với từng “chợ điện tử”, ngân hàng hay các dịch vụ thanh toán trung gian.

Hiện nay tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp đang tìm đến các giải pháp khác như công cụ thanh toán trực tuyến nội địa Nganluong.vn, Baokim.vn hay cổng thanh toán quốc tế Paypal. Đóng vai trò trung gian hỗ trợ cả bên thu và bên bán trong quá trình giao dịch, những công cụ này giúp người dùng an tâm khi mua hàng bởi tiền chỉ được trao khi người bán đã nhận được hàng và khi có lừa đảo sẽ được bồi thưởng đầy đủ với giá trị món hàng. Tuy nhiên, trên thực tế các công cụ thanh toán trực tuyến nội địa kể trên vẫn chưa được phổ biến sâu rộng đến người tiêu dùng.

Cần một giải pháp tổng hợp

Không thể nằm ngoài xu hướng của thế giới, thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhưng để phát triển nhanh và bền vững thì luôn cần có sự phối hợp của nhiều bên, từ người dùng đến doanh nghiệp, nhà nước.

Hiểu biết của người dùng cần được nâng cao khi thực hiện các công cụ trực tuyến. Các điều luật nhà nước đưa ra cần quy định cụ thể rõ các quyền của người tiêu dùng cũng như trách nhiệm của họ để tránh các trường hợp dùng quyền đòi hỏi một cách quá đáng. Các thông tin về sản phẩm cần được cung cấp một cách đầy đủ cho người dùng với đội ngũ hỗ trợ phải thường xuyên có mặt và cập nhật trên gian hàng thường xuyên. Điều đó cũng đúng với các chính sách quy định của đơn vị quản lý để tránh việc xuất hiện các thắc mắc của người dùng trong việc tiếp cận sản phẩm.

Theo Khám Phá Mobile Review số 60



Bình luận

  • TTCN (0)