Chính quyền Tổng thống Obama muốn đưa việc tấn công và xâm nhập hệ thống lên ngang tầm với tội phạm có tổ chức và đặt ra các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với tội phạm công nghệ.
Đây là động thái của Nhà trắng trước hàng loạt vụ xâm nhập nhiều hệ thống lớn làm thất thoát dữ liệu gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, chính quyền ông Obama mong muốn cập nhật CFAA (Computer Fraud and Abuse Act) điều chỉnh để nhận định rõ loại tội phạm mạng sang nhóm RICOA, có thể bị truy tố theo dạng tội phạm có tổ chức.
"Những điều tra của mật vụ đã cho thấy sự phức tạp của tội phạm công nghệ cao hiếm khi được thực hiện từ một cá nhân đơn lẻ. Các tên tội phạm mạng tổ chức thành các mạng lưới, và thường được phân cấp hay vai trò cụ thể để quản lí và duy trì hoạt động phạm pháp, hướng đến các phi vụ đánh cắp dữ liệu thương mại và bán chúng để thu lợi", Phó tổng chưởng lí James Baker nhận định.
Baker cho biết: máy tính ngày nay đã trở thành "công cụ chủ chốt cho hoạt động phạm pháp có tổ chức" với nhiều hacker "cấu kết với các nhóm tội phạm truyền thống tại Châu Á và Đông Âu". Do đó, Nhà Trắng cần đề ra một kế hoạch mạnh tay hơn để đương đầu với các loại hình tội phạm này.
Đây được xem là một phần tiếp theo trong kế hoạch tăng cường an ninh mạng của Tổng thống Obama, được công bố lần đầu tiên vào tháng 5 và nêu chi tiết vào tháng 6. Theo luật mới, những hacker gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia có thể bị phạt tù lên đến 20 năm. Kế hoạch còn có thể nhân đôi thời gian tù hiện tại và tăng án phạt trong mỗi hạng mục.
Hôm nay, nhóm Anonymous cũng chính thức nhận trách nhiệm vụ hack vào tài khoản Twitter của đài truyền hình NBC News và tung tin nước Mỹ lại bị khủng bố bằng máy bay đâm vào khu vực Ground Zero (khu vực tàn tích của hai tòa tháp đôi đã sụp đổ sau vụ 11-9). Bạn đọc xem chi tiết tại đây.
Trong bối cảnh tình hình an ninh mạng đang trở nên nóng hơn bao giờ hết, chính quyền Obama tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt như xây dựng đội ngũ phòng vệ trên môi trường mạng (Mỹ chiêu mộ "chiến binh ảo" cho chiến tranh mạng | Mỹ đối phó với nguy cơ chiến tranh mạng: “Lá chắn” và “thanh gươm”) và đưa ra các biện pháp cứng rắn thậm chí xếp các vụ tấn công mạng từ các quốc gia khác là hành vi gây chiến, có thể sử dụng vũ lực để đáp trả.
Một số nhóm hacker có tổ chức như Anonymous hay LulzSec đang nằm trong tầm ngắm của giới chức trách, đặc biệt sau các đợt tấn công của hai nhóm này vào hệ thống website của các cơ quan tổ chức Mỹ bao gồm cả CIA, website Thượng nghị viện Hoa Kì, hệ thống của các nhà thầu quân sự và cả NATO.
Trong tháng 7, FBI đã bắt 16 hacker thuộc Anonymous để răn đe nhóm này nhưng các thành viên khác vẫn tiếp tục (Trả đũa vụ bắt giữ, Anonymous hack 70 web cảnh sát).
Theo TTO
Bình luận