Hãng nghiên cứu thị trường Gartner vừa đưa ra danh sách mười công nghệ được đánh giá là có tầm quan trọng chiến lược đối với các doanh nghiệp trong năm 2008.
Hai chuyên gia phân tích của hãng Gartner, David Cearley và Carl Claunch, đã đưa ra danh sách mười công nghệ chiến lược cho năm 2008 tại một hội nghị do hãng này tổ chức ở Orlando, bang Florida, Mỹ, vào giữa tháng Mười vừa qua. Dưới đây là bản tóm tắt về mười công nghệ này.
1. Công nghệ thông tin xanh (Green IT)
Công nghệ thông tin xanh là sự nghiên cứu và thực hiện việc sử dụng các tài nguyên điện toán một cách có hiệu quả. Các hệ thống kỹ thuật hay các sản phẩm điện toán dựa trên những nguyên tắc của công nghệ thông tin xanh phải được xem xét kỹ ở ba khía cạnh cơ bản: khả năng kinh tế, trách nhiệm xã hội, và những tác động đến môi trường. Điều này khác với những hoạt động truyền thống của doanh nghiệp là chỉ tập trung vào khía cạnh kinh tế khi xem xét một giải pháp công nghệ thông tin.
Công nghệ này sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn vì nhiều lý do, trong đó có sự gia tăng nhận thức về việc bảo vệ môi trường, mối quan tâm về chi phí cho điện năng, những yêu cầu về điều tiết năng lượng, những quy định của các chính phủ về nguồn cung cấp nguyên-nhiên-vật liệu, và các doanh nghiệp ngày càng nhận thấy họ phải có trách nhiệm nhiều hơn với xã hội.
Claunch cho biết các nhà thiết kế chip đã nhận ra rằng nếu giảm 20% hiệu suất hoạt động của một nhân trong bộ xử lý thì năng lượng sử dụng có thể giảm được phân nửa. Vì vậy, việc tăng cường thêm nhân có thể cải thiện hiệu suất của bộ xử lý và tiết kiệm năng lượng.
Các chuyên gia ước tính ngành công nghệ thông tin thải ra 2% lượng khí CO2 gây nên hiệu ứng nhà kính. Claunch nói: “Những bộ nhớ có tốc độ truy suất cao tiêu thụ rất nhiều năng lượng".
Một trong những bước kế tiếp sẽ là tăng cường các đặc tính tiết kiệm năng lượng cho những thiết bị di động như điện thoại và máy tính xách tay.
2. Hợp nhất các phương tiện liên lạc (Unified Communications – UC)
Công nghệ này là sự hợp nhất của năm phương tiện liên lạc hiện được coi là chủ yếu, gồm thư thoại, tổng đài chuyển mạch (PBX), thư điện tử và các trình lập thời biểu công tác, tin nhắn nhanh, và hội thảo và sự hợp tác. Những xu hướng then chốt là liên lạc trên nền giao thức Internet (IP), chuyển đổi các hệ thống analog thành kỹ thuật số, và tích hợp các công nghệ âm thanh, hình ảnh, cảm biến, mạng và các hệ thống lưu trữ lại với nhau.
Các nhà phân tích nhận định cơ hội và ích lợi của việc trao đổi thông tin trên một cấu trúc hợp nhất đang trở nên rõ ràng hơn khi mà tất cả thông tin đều được số hóa và truyền tải trên nền IP. Hãng Gartner cho rằng giá trị lớn nhất của UC là khả năng làm giảm “sự thụ động của con người” trong những quy trình kinh doanh.
3. Quản lý quy trình kinh doanh (Business Process Management – BPM)
BPM bao gồm các phương pháp, kỹ thuật và công cụ để thiết kế, thực hiện, kiểm soát và phân tích các quy trình kinh doanh liên quan đến con người, các tổ chức, các ứng dụng và các nguồn thông tin khác.
Theo Cearley, BPM là một quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp hơn là một công nghệ, nhưng nó là cần thiết để bảo đảm những kiến trúc hướng đến dịch vụ (Service-Oriented Architecture – SOA) mang lại giá trị cho doanh nghiệp. Việc xem xét những đạo luật như đạo luật Sarbanes-Oxley đòi hỏi các công ty phải xác định những quy trình làm việc là rất quan trọng.
Ông nói: “SOA và BPM có những mục đích chung. Cả hai đều tập trung mang lại tính nhanh nhạy, linh hoạt, khả năng thích ứng trong một tổ chức và cải thiện quy trình doanh nghiệp. SOA là một cơ chế quan trọng giúp cho việc thực hiện BPM được dễ dàng hơn".
4. Quản lý thông tin về dữ liệu (Metadata Management)
Thông tin về dữ liệu (metadata) là nền tảng của cơ sở hạ tầng thông tin. Nó hiện diện trong tất cả các hệ thống công nghệ thông tin, như cơ sở dữ liệu quản lý thông số cấu hình hệ thống, các trình đăng ký dịch vụ và phát triển các ứng dụng…
Theo các chuyên gia, quản lý tốt thông tin về dữ liệu mang lại nhiều lợi ích như giảm chi phí sở hữu, đơn giản hóa việc hỗ trợ các hệ thống, và bảo đảm tính toàn vẹn của dữ liệu.
5. Công nghệ ảo hóa 2.0 (Virtualization 2.0)
Ảo hóa là một công cụ chủ đạo của các nhà quản trị công nghệ thông tin để kết hợp các ứng dụng trong một cơ sở dữ liệu. Hiện nay, công nghệ này ngày càng được phát triển. Tại Diễn đàn Ảo hóa do công ty nghiên cứu thị trường IDC tổ chức vào tháng Hai năm nay, John Humphreys, Giám đốc chương trình của IDC, nhận định rằng trong vòng mười tám tháng tới, ảo hóa sẽ tiến vào giai đoạn 2.0, trở thành một công cụ được nhiều doanh nghiệp săn lùng để lập kế hoạch cho tính liên tục trong kinh doanh và phục hồi hệ thống sau thảm họa.
Claunch cho biết “Virtualization 2.0” là đơn giản hóa việc cài đặt và di chuyển các ứng dụng, tạo sự dễ dàng khi di chuyển công việc từ một máy tính này sang một máy tính khác, và cho phép thực hiện những thay đổi mà không gây ảnh hưởng đến những hệ thống khác.
Công nghệ này mang lại nhiều lợi ích trong việc phục hồi hệ thống sau thảm họa vì nó cho phép sắp xếp lại các hệ thống ảo trong những trật tự khác nhau, cung cấp nhiều khả năng linh hoạt hơn.
Claunch nói: “Ảo hóa là một công nghệ quan trọng vì nó cung cấp rất nhiều giá trị".
6.Ứng dụng kết hợp nội dung số (Mashups & Composite Application)
Mashup là một công nghệ web dùng để kết hợp nội dung từ nhiều nguồn khác nhau. Theo Cearley, công nghệ này chỉ mới phát triển trong thời gian gần đây nhưng nó đã tạo nên một cuộc cách mạng lớn trong lĩnh vực này.
Mashup đang trở nên thịnh hành theo trào lưu Web 2.0. Các dịch vụ web thường dùng mashup để kết hợp dữ liệu bản đồ với nhiều loại dữ liệu từ nhiều nguồn khác trên web. Các cơ quan tình báo của quân đội Mỹ đã sử dụng những ứng dụng mashup để tìm hiểu các tình huống bằng cách phối hợp các tin tức tình báo lại với nhau. Các doanh nghiệp có thể sử dụng mashup để kết hợp những khả năng của các ứng dụng bổ sung. Zillow.com, trang web dự đoán giá bất động sản, hay AuctionMapper.com, trang web thể hiện các kết quả tìm kiếm của eBay trên bản đồ để giúp định vị những người bán hàng gần nhất, là những ví dụ sinh động về việc ứng dụng mashup.
Vì dựa trên nền tảng kỹ thuật hiện có – JavaScript, XML và DHTML, kết hợp với kết nối Internet tốc độ cao để hỗ trợ giao diện đồ họa và tính năng phong phú – mashup không yêu cầu đầu tư nhiều. Kỹ thuật này đang được tiếp tục phát triển để áp dụng cho những ứng dụng nghiệp vụ phục vụ hoạt động của doanh nghiệp.
7. Nền tảng web và WOA (Web Platform & WOA)
Kiến trúc hướng đến web (Web-Oriented Architecture – WOA) là một phiên bản của SOA nhắm vào các ứng dụng web. WOA là một phần của xu hướng mở rộng các chức năng công nghệ thông tin đang được phân phối như là một dịch vụ. Cearley nhận định rằng trong tương lai, mọi thứ có thể được phân phối như là một dịch vụ, kể cả hệ thống lưu trữ và những nhu cầu cơ bản khác về cơ sở hạ tầng.
Ông nói WOA thực sự là một mô hình dài hạn, và chúng ta có thể thấy nó tiến hóa từ nhiều phần khác nhau của thị trường khai thác các ứng dụng web. Ông cho rằng đã đến lúc các nhà điều hành công nghệ thông tin cần phải chú ý đến nó và nắm bắt ý nghĩa của nó.
8. Cơ cấu điện toán (Computing Fabrics)
Trong thiết kế của các máy chủ dạng phiến (blade server) ngày nay, bộ nhớ và bộ xử lý là một sự kết hợp cố định trên một bản mạch, chúng không thể kết hợp với những bộ nhớ và bộ xử lý của những bản mạch khác.
Những thiết kế mới sẽ cho phép phối hợp những bản mạch khác nhau thành một máy chủ đơn lẻ hoạt động với một hệ điều hành nào đó. Thiết kế mới này dựa trên một công nghệ có tên là “cơ cấu điện toán”.
Các nhà phân tích cho biết máy chủ theo công nghệ này sẽ xem những bộ nhớ, bộ xử lý và các thẻ xuất nhập dữ liệu như là những thành phần của máy, chúng có thể được kết hợp và tái kết hợp theo những trật tự riêng biệt nhằm đáp ứng những nhu cầu của người sử dụng. Công nghệ này giúp thỏa mãn các nhu cầu ngày càng tăng của người sử dụng.
9. Web trong thế giới thực (Real World Web)
Khả năng truy cập mạng mọi lúc mọi nơi ngày càng gia tăng với băng thông hợp lý đã giúp tạo nên bước khởi đầu cho điều mà các nhà phân tích gọi là “web trong thế giới thực”. Mục tiêu của việc này là gia tăng tính thực tế của thông tin khi tìm hiểu về một vị trí, vật thể hay con người xác định. Ví dụ như khi một du khách chụp một tấm ảnh về một tượng đài hay một điểm du lịch hấp dẫn, họ có thể nhận được ngay những thông tin về tượng đài hay địa điểm đó thay vì phải lật xem trong sách hướng dẫn du lịch.
10. Phần mềm xã hội (Social Software)
Những phần mềm xã hội như podcast (bản thu số của một chương trình phát thanh trên Internet được tải về máy tính hay thiết bị nghe nhạc cá nhân), videocast (tương tự như podcast nhưng là những đoạn phim), blog (nhật ký điện tử), wiki (phần mềm cho phép người sử dụng dễ dàng xây dựng, hiệu chỉnh và liên kết các trang web do nhiều người khác phát triển), social bookmark (việc lưu, tổ chức, chia sẻ hay tìm kiếm những trang web) và những công cụ mạng xã hội, thường được xem như là những phát triển của Web 2.0, đang làm thay đổi cách người ta giao tiếp với nhau về mặt xã hội cũng như trong môi trường doanh nghiệp.
Cearley nói: “Chúng thực sự tạo sức mạnh cho con người khi giao tiếp với nhau qua một phương tiện thông tin điện tử theo một cách phong phú hơn nhiều so với hệ thống thư điện tử hay những hệ thống khác trong doanh nghiệp".
Sự ảnh hưởng của những công cụ này đối với các doanh nghiệp thường khác nhau. Một số công cụ có tiềm năng cải thiện hiệu suất làm việc vẫn chưa được phát triển đầy đủ để sử dụng trong doanh nghiệp. Ví dụ như, các chương trình wiki có giá trị cao và đã được phát triển để sử dụng một cách an toàn và có hiệu quả trong doanh nghiệp. Trong khi đó, các chương trình dự báo thị trường có nhiều giá trị đối với doanh nghiệp lại chưa được phát triển đầy đủ. Ngược lại, podcast có thể được sử dụng một cách an toàn và có hiệu quả nhưng không mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp.
(Theo Đăng Thiều/TBVTSG)
Bình luận