Các nhà nghiên cứu tại đại học Michigan đã tìm ra cách để tăng cường pin cho điện thoại thông minh, ít nhất là trong việc sử dụng Wi-Fi với tên gọi là E-MiLi (Energy-Minimizing Idle Listening).
Giáo sư Kang Shin và sinh viên Xinyu Zhang đã phát triển một tiêu chuẩn khái niệm giúp có thể kéo dài thời lượng pin lên đến 54% dù đang bật Wi-Fi. Thậm chí khi đang ở chế độ tạm nghỉ, sóng không dây cũng được kích hoạt để chuyển/nhận dữ liệu. E-MiLi sẽ làm chậm nhịp đồng hồ của card không dây xuống khoảng 1/16 lần so với lúc hoạt động bình thường, và chỉ đưa nó lại đúng công suất khi nó nhận dữ liệu về. Theo thông cáo báo chí đề cập, khi sử dụng với chế độ Power-Saving trên điện thoại, các nhà nghiên cứu cho biết chức năng E-MiLi có thể giảm việc tiêu thụ điện năng trên từ 44 đến 92% trong điều kiện thực tế. Công nghệ này tỏ ra khá hứa hẹn nhất là trên mạng 4G LTE vốn rất hao pin khi sử dụng.
Phần khó nhất, theo giáo sư Shin là làm cho điện thoại nhận ra thông điệp đang đến trong khi nó đang ở chế độ tiết giảm điện năng. “Chúng tôi nảy ra một ý tưởng, thông thường là thông điệp sẽ đến với phần mở đầu (header) và chúng tôi nghĩ chiếc điện thoại có thể được bật để dò ra nó, giống như việc bạn nhận ra ai đó đang gọi tên mình cho dù bạn có đang buồn ngủ đến 90%” ông Shin nói.
Ông cũng cho biết ngoài việc sử dụng thêm phần mềm để làm chậm tốc độ của vi xử lí, công nghệ này cũng cần một bản firmware mới cho điện thoại và máy tính để mã hóa phần đầu của thông điệp – phần địa chỉ người nhận – theo một cách mới và dễ dò ra. Hai nhà nghiên cứu đã tạo ra một bản firmware mới, nhưng để sử dụng E-MiLi trên diện rộng thì nhà sản xuất chipset cho Wi-Fi có thể phải thay đổi firmware của họ và các công ty chuyên chế tạo smartphone và máy tính cần tích hợp con chip mới vào sản phẩm của họ.
Giáo sư Shin cũng cho biết E-MiLi sẽ tương thích với các model hiện nay, vì thế thông điệp gửi với các thiết bị tương lai sử dụng mã hóa của E-MiLi sẽ nhận được như một điện thoại thông minh bình thường mà không có E-MiLi. Tiêu chuẩn này cũng có thể được sử dụng ở các giao thức truyền thông không dây khác có yêu cầu lắng nghe khi tạm nghỉ như ZigBee.
Theo Engadget
Bình luận