Nokia dường như đang tạm dừng tham vọng phát triển một hệ điều hành cao cấp, và chuyển dần nỗ lực sang phát triển phần mềm dành cho điện thoại giá rẻ.
Theo một nguồn tin thì dự án này là một hệ điều hành nguồn mở có tên mã Meltemi, đang được Mary McDowell, phó chủ tịch phụ trách ĐTDĐ của Nokia, lãnh đạo. Hiện tại, đại diện Nokia từ chối bình luận về những sản phẩm hay công nghệ tương lai của công ty.
Nỗ lực xây dựng một hệ điều hành của Nokia là một dấu hiệu nữa cho thấy giá trị của ngành công nghệ đang chuyển từ phần cứng sang phần mềm. Google ra phần mềm Android và hiện đang thống lĩnh thị trường smartphone tầm trung, trong khi iPhone, chạy phần mềm iOS của Apple, thống lĩnh thị trường smartphone cao cấp.
Theo các nhà phân tích, các hãng sản xuất ĐTDĐ có phần mềm riêng, như Apple, có nhiều lợi thế. Họ có thể định vị sản phẩm tốt hơn trước đối thủ, và không phụ thuộc vào các công ty khác trên con đường tăng trưởng.
Nỗ lực của Nokia cũng đang là những gì mà hãng Samsung của Hàn Quốc đang làm. Samsung đang đầu tư vào hệ điều hành riêng của hãng là Bada, và sản xuất các smartphone cao cấp chạy Android. Nhà phân tích Tim Shepherd của hãng Canalys cho rằng có mối nguy hiểm “khi phụ thuộc quá vào một nền tảng”. Ông muốn nói đến các nhà sản xuất xây dựng smartphone chạy Android.
Vấn đề với Nokia là ngay cả người tiêu dùng tại các thị trường mới nổi cũng đang muốn có những chiếc điện thoại thông thường giá rẻ nhưng lại hoạt động được như smartphone. Điện thoại thông thường hiện nay thường hạn chế chức năng truy cập Internet và chủ yếu để nghe, gọi, nhắn tin.
Với Nolia, kinh doanh ĐTDĐ giá rẻ rất quan trọng với sự sống còn của hãng. Những mẫu máy này chiếm 47% doanh số thiết bị và dịch vụ của công ty trong quý II. Nhưng vị thế dẫn đầu mảng điện thoại giá rẻ tại các thị trường mới nổi của Nokia đang bị các nhà sản xuất giá rẻ Trung Quốc thách thức.
Ngoài ra, smartphone bình dân – một phần nhờ Android mà Google cung cấp miễn phí cho các nhà sản xuất – cũng đe dọa đến thị trường điện thoại giá rẻ. Lần đầu tiên kể từ năm 2009, doanh số điện thoại thông thường đã giảm 4% trong quý II so với cùng kì năm trước, theo hãng nghiên cứu IDC.
Thực ra, Nokia vốn có lịch sử tự phát triển phần mềm. Bắt đầu năm 2003, công ty đã xây dựng hệ điều hành cao cấp Maemo, nhưng nỗ lực đó bị trì hoãn vì thay đổi trong quản trị và chuyển hướng chiến lược. Ban đầu Nokia dự định nền tảng này sẽ dùng trong máy tính bảng và thiết bị điện tử, chứ không chỉ có điện thoại. Nhưng khi Apple ra iPhone năm 2007, Nokia bắt đầu nhắm Maemo cho smartphone.
Năm ngoái, Nokia nói họ sẽ kết hợp Maemo với phần mềm của Intel, tạo ra hệ điều hành thế hệ tiếp theo là MeeGo. Nhưng sang tháng 2/2011, Nokia lại chuyển sang smartphone sử dụng phần mềm của Microsoft. Tuần này, Nokia bắt đầu bán smartphone N9, thiết bị cuối cùng và duy nhất dùng MeeGo của hãng.
Theo ICTnews
Bình luận