Sáng qua, 28/09, Chương trình Hội nghị Lãnh đạo Công nghệ thông tin lần thứ 7 với chủ đề “Lãnh đạo CNTT: Tầm nhìn và Trách nhiệm” đã diễn ra vào tại khách sạn Sheraton, Hà Nội.

Sự kiện do Tập đoàn dữ liệu Quốc tế IDG tổ chức, phối hợp cùng với Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Nội vụ và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam.

CNTT đã thực sự bùng nổ vài năm trở lại đây, với rất nhiều dòng sản phẩm và xu thế công nghệ mới, hiện đại ra đời. Việc ứng dụng CNTT vào mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống như kinh tế - chính trị - xã hội đã trở thành một xu thế chung của phần lớn quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đi cùng với sự phát triển đó, vai trò của những người lãnh đạo CNTT (CIO), từ lâu, cũng được chú ý và nhìn nhận đúng đắn trên thế giới. Chức danh, cũng như vai trò lãnh đạo của các CIO ở Việt Nam trong những năm gần đây cũng đã được nhìn nhận và đánh giá cao từ phía các nhà lãnh đạo, chuyên gia và cộng đồng CNTT.

Và cuối tháng 7 vừa qua, Bộ TT&TT đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng Giám đốc CNTT của cơ quan nhà nước (gọi tắt là Hội đồng CIO). Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự quan tâm của Nhà nước ta dành cho những nhà lãnh đạo CNTT và những đóng góp của họ cho sự phát triển chung của xã hội.

Bên lề Hội nghị, các diễn giả, đại diện cho các hãng công nghệ nổi tiếng trên thế giới như RIM (BlackBerry), NetApp, Schneider Electrics, Kaspersky… đã có những lời chia sẻ rất tích cực về tương lai của CNTT-VT tại Việt Nam, một thị trường mới nổi sau khủng hoảng đầy tiềm năng, đang là đích ngắm của nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Ông Scott Morris, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á, Công ty Giải pháp CNTT NetApp. : NetApp là công ty còn khá trẻ, mới thành lập được 18 năm. Không phải mới biết đến thị trường Việt Nam, nhưng chúng tôi cũng đã cân nhắc hiệu quả tính thời điểm để tiếp cận và chinh phục thị trường mới nổi đầy tiềm năng này. Năm ngoái, chúng tôi đã đầu tư cơ bản cơ sở hạ tầng, và nhân lực, bước đầu tiếp cận và khai thác khá tốt một số đối tác tại Việt Nam. Trong bối cảnh chung, khủng hoảng và mất cân bằng kinh tế, tài chính kéo dài, những thị trường mới nổi sẽ cần nhiều cơ hội hơn, và bản thân họ cũng sẽ có những động thái tích cực để thể hiện những tiềm lực riêng. Việt Nam là một trong số đó, và chúng tôi mong muốn sớm có một vị trí tốt tại thị trường Việt Nam, mong muốn sớm được hiệu tác hiệu quả với nhiều đối tác tại thị trường CNTT-VT đầy tiềm năng này.

Ông David Blumanis, Phó Chủ tịch Nhóm Giải pháp Trung tâm dữ liệu, Bộ phận CNTT, Công ty Schneider Electric, vùng châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản: Dù là nước phát triển, hay đang phát triển, thì sự phát triển và bùng nổ CNTT kéo theo nó những khủng hoảng cả hữu hình vô hình, và một thực tế thấy được, đó là khủng hoảng nặng về năng lượng. Ngành CNTT hiện nay, được coi là ngành tiêu tốn nhiều điện năng nhất.

Do đó, việc đầu tư cho CNTT có hiệu quả, mà vẫn đảm bảo tiết kiệm năng lượng, sử dụng và tiêu thụ tốt là rất cần thiết. Chúng tôi đến Việt Nam lần này, với Giải pháp Công nghệ xanh, là một giải pháp phần mềm quản lí hiệu quả việc sử dụng và tiêu thụ năng lượng tại các cơ quan, nhà máy. Có mặt ở Việt Nam đã lâu, chúng tôi khá am hiểu thị trường CNTT-VT cũng như các doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ các doanh nghiệp, mà ngay cả các cơ quan Nhà nước cũng sớm nhận thấy sự đầu tư thích đáng và hiệu quả để có được một “Hệ thống CNTT” khỏe mạnh, bền vững. Họ đã sớm thích nghi những giải pháp công nghệ mới, tích cực trong việc hạn chế rủi ro, và quản lí hiệu quả nhân lực cũng như hao mòn chi phí, đặc biệt trong việc tiêu hao năng lượng. Vấn đề là tầm nhìn chiến lược và quy hoạch có tính hệ thống cao, logic các hệ thống và hạ tầng CNTT của các doanh nghiệp Việt Nam mà thôi. Tôi tin rằng, tương lai gần, Việt Nam sẽ thực sự trở thành quốc gia mạnh về CNTT.

Ông Maxim Mitrokhin, Giám đốc Điều hành APC - Kaspersky: Với những hoạt động tích cực tại Việt Nam thời gian gần đây, mà đối tượng chúng tôi hướng tới là học sinh, sinh viên và giới trẻ. Bởi sắp tới, chúng tôi đã định hình rõ mục tiêu là nhằm nâng cao ý thức giáo dục, giúp người dùng Việt Nam nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn để từ đó nhận biết được những hiểm họa cần sớm ngăn chặn từ Internet. CNTT Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh, tuy nhiên ý thức bảo vệ và tự bảo vệ của khối các cơ quan, doanh nghiệp cũng như người dùng cá nhân rất cao. Người dùng, mà phần lớn là giới trẻ đã sớm biết trang bị cho mình những kiến thức cần thiết khi hòa mình vào thế giới Net rộng lớn. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với một nước “trẻ” về CNTT như Việt Nam, đó cũng là góp phần cho những định hướng chiến lược mới, lâu dài và bền vững của Kaspersky tại Việt Nam.

Một vài hình ảnh bên lề Hội nghị:

Theo XHTT



Bình luận

  • TTCN (0)