“Lí do để “hạ” Vịnh Hạ Long thực chất lại là do thiếu hiểu biết của các trang web của báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và một số diễn đàn đã chép nội dung và giao diện trang Web new7wonders mà không được phép của họ.

Tất cả chỉ tập trung đẩy địa danh của Việt Nam lên mà không nghĩ rằng việc một IP vào trực tiếp trang web của họ là điều kiện để sinh thêm nguồn lợi tài chính cho họ. Nên hiểu đây là trang web “cá nhân” (tổ chức New7wonders do ông Bernard Weber, người Canada lập ra, trang web này của tổ chức ấy). Luật lệ là do cá nhân tự đặt, bước vào cuộc chơi thì muốn hay không anh phải chấp nhận luật của người đặt ra cuộc chơi”. Đây là đoạn trích một bài viết đã đăng trên Thế Giới Số nhân sự vụ Vịnh Hạ Long bị gỡ bỏ khỏi danh sách bầu chọn với lí do không có ban vận động bầu chọn cho kì quan ứng cử, không gửi hồ sơ đăng kí với ban tổ chức và làm theo hướng dẫn sau đó vào tháng 4/2008.

Sau 3 năm rưỡi, chính ông Bernard Weber này đã sang Việt Nam và tuyên bố việc Vịnh Hạ Long được lọt vào danh sách chung kết gồm 28 kì quan được chọn ra từ 400 ngàn kì quan của 200 nước là “một kết quả rất đáng tự hào”.

Nhân sự kiện này Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cũng lên tiếng “Đây là thời điểm để mỗi người Việt Nam thể hiện lòng yêu quê hương đất nước của mình”. Ý của vị bộ trưởng ắt hẳn là kêu gọi nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa các tin nhắn và click chuột bầu chọn cho danh thắng này khi hạn công bố kết quả 11/11/2011 đã gần sát bên.

Có lẽ cũng cần trích lại một ý kiến đã được dẫn trong bài báo của gần 4 năm trước: “giá chúng ta dùng tiền ấy để làm sạch hơn môi trường thật, đẩy chất lượng dịch vụ tại Hạ Long lên, thay vì đi spam mail trên web”.

Khi môi trường du lịch Việt Nam đang còn chịu nhiều điều tiếng, các tour ngày càng nhàm chán, an ninh cho du khách còn chưa được đảm bảo, việc các dịch vụ “chặt chém”, lừa đảo đang có xu hướng gia tăng, việc xây dựng một ý thức làm du lịch bền vững, bảo vệ môi trường… còn chưa được xây dựng nền tảng, thì việc đưa một danh thắng Việt Nam vào một chức danh chỉ do một tổ chức cá nhân lập ra qua một cuộc bầu chọn trên internet liệu có cần thiết. Nhất là khi để đạt được mục đích đó chúng ta phải vin vào cả đến “lòng yêu nước”. Với sức mạnh của lòng yêu nước chúng ta có thể xây dựng cả một nền du lịch hấp dẫn, bền vững chứ không chỉ là hô hào mọi người nhấp chuột cho một tước hiệu “ảo”, trên không gian “ảo”.

Không ai chỉ ra rằng trong 400 ngàn địa danh (con số quá lớn các thắng cảnh khiến ta phải nghi ngờ, tính ra trung bình mỗi nước có đến… 2.000 thắng cảnh) được đưa lên bầu chọn, những địa danh nào là thắng cảnh thiên nhiên thực sự, địa danh nào là do ai đó vui tay điền vào. Với cách xuất phát lúc đầu của cuộc bầu chọn, bạn hoàn toàn có quyền cho… bãi cỏ trước nhà bạn là kì quan thiên nhiên.

Điều đáng quan tâm nữa là không ai điều tra tác động của giải thưởng với các địa danh đã đoạt danh hiệu “7 kì quan thế giới nhân tạo mới” cũng do tổ chức này làm trước đây. Liệu danh hiệu ấy có làm tăng thêm giá trị cho “kì quan” hay chí ít có làm tăng thêm lượng du khách đến với các “kì quan” này hay không? Hay chiến dịch “kì quan” này chỉ nhằm phục vụ mục đích tài chính của tổ chức cá nhân thực hiện chiến dịch?

Chúng ta đã khổ nhiều với tước hiệu ảo, thành tích ảo nên có người tin rằng có thêm một danh vị trên không giao ảo nữa cũng chẳng sao. Có thể thế, nhưng ảo mãi thì các giá trị thật làm cho đất nước thành kì quan đích thực ở đâu?

Theo Thế Giới Số.



Bình luận

  • TTCN (2)
ATK  1019

Nhờ cái này mà báo giới phát hiện, Lý Nhã Kỳ tốt nghiệp từ 1 trường nuôi dạy... chó. Laughing
Theo
http://bit.ly/qEOUWf

Hải Nam  30903

VNE lấy tiêu đề phản cảm và dìm hàng quá Big Grin