Kinh doanh game đầy lợi nhuận nhưng cần tôn trọng khách hàng.

Rất nhiều DN đang đổ xô làm game, bất chấp cả những rào cản cũng như khó khăn trong tình hình hiện nay bởi việc kinh doanh game đang thu được quá nhiều lợi nhuận.

Ngành kinh doanh "màu mỡ"

Đại diện một nhà phát hành game lớn trong nước cho biết, kinh doanh game được xem là một nghề thu lợi nhanh nhất. Giờ có nhiều game nên giá thành bản quyền cũng rẻ, chỉ cần bỏ ra vài tỉ đồng làm vốn là có thể mở ra được một công ty game nhỏ và mua được vài game về phát hành, thành công là thu được tiền tỉ ngay. Sự thành bại của một game online giờ cũng dễ nhận thấy, ở thị trường trong nước chỉ cần game ra mắt khoảng 3 tháng sẽ biết nó thành công hay không, đấy vẫn được xem như thời gian còn dài, bởi ở Trung Quốc người ta tính theo tuần và trong 1 tháng có thể biết được kết quả.

Chính vì vậy, tại Việt Nam game được xem như là lựa chọn của rất nhiều công ty từ lâu đời đến mới thành lập và họ kinh doanh đủ các thể loại game, miễn sao thu hút được người chơi. Nếu như thời gian đầu ở trên thị trường chỉ có mỗi game nhập vai trực tuyến thể loại MMORPG, Casual hay MMOFPS chơi trên máy tính là chính thì giờ đây game đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều với các thể loại như webgame, game mini, game tích hợp vào các mạng xã hội... người chơi có thể chơi được trên những thiết bị khác nhau như như máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động.

Bên cạnh việc mua game từ nước ngoài về phát hành, đến thời điểm hiện tại cũng xuất hiện nhiều công ty đi theo hướng tự sản xuất game trong nước để phục vụ game thủ. Bên cạnh các công ty lớn như VNG, VTC được xem là những người khởi đầu cho việc đầu tư sản xuất game trong nước, giờ còn xuất hiện rất nhiều công ty vừa và nhỏ khác có thể kể đến như Fgame, Giải pháp số, MusicKing, Emobi Games... với rất nhiều dự án game đã được hoàn thành và triển khai trên máy tính lẫn điện thoại di động.

... nhưng đừng bất chấp tất cả

Trên thị trường hiện nay, một game thành công hàng tháng có thể thu về hàng chục tỉ đồng cho DN, mặc dù số vốn ban đầu bỏ ra chỉ là vài tỉ đồng. Đơn cử doanh thu của game thành công nhất từ nhà phát hành VNG là Gunny, mỗi tháng doanh thu đem về cho họ trên 30 tỉ đồng, Kiếm Thế và Võ Lâm Truyền Kì doanh thu cũng lên con số hàng chục tỉ đồng. Hay VTC với các game như FIFA online, Audition, Đột kích, hàng tháng mỗi game đem về cho họ ít nhất khoảng 10 tỉ đồng... Còn với những DN khác, một game trung bình mang về từ vài tỉ đồng đến trên chục tỉ mỗi tháng, nếu như thu hút được một lượng người chơi tương đối.

Tuy nhiên, việc thu lợi nhuận cao từ game dẫn đến tình trạng nhiều công ty đang bất chấp tất cả để “hút máu” game thủ. Nếu như ngày xưa, khi một game ra mắt sẽ trải qua giai đoạn thử nghiệm để game thủ làm quen, sau đó chuyển sang giai đoạn chính thức mới tiến hành thương mại hóa thu tiền game thủ thì giờ đây nhiều công ty game đã thu tiền game thủ ngay khi game vừa ra mắt trên thị trường. Nhìn chung cái gì bán được trong game là bán tất, nhiều game thủ mỉa mai rằng, chơi game của nhà phát hành trong nước ngay cả “cọng cỏ” trong game họ cũng bán.

Các nhà phát hành “hút máu” game thủ như thế nhưng khi game đóng cửa, game thủ xem như mất trắng bởi trong tất cả các quy định do nhà phát hành đưa ra khi chơi game, mọi quyền lợi đều bảo vệ cho họ chứ game thủ hoàn toàn không có quyền lợi nào.

Nhiều công ty bất chấp tất cả những quy định về cấp phép, tiến hành phát hành game không phép, đến khi game đóng cửa đột ngột vì quy định từ cơ quan chức năng, game thủ xem như trắng tay mà vẫn chưa trải nghiệm hết game đang chơi.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)