Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cho biết đây cuộc điều tra là một hoạt động lớn, quan trọng của toàn ngành TT-TT trong năm 2010. Ảnh: M.Tú.

Báo cáo "Điều tra Thống kê toàn quốc về Hiện trạng Phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và Nghe - nhìn năm 2010" đã cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các địa phương trong khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ.

Theo kết quả vừa được Bộ TT-TT công bố sáng nay, rất nhiều tỉnh, thành phố đã có tỉ lệ xã có truyền dẫn cáp đồng và cáp quang đạt 100%, tuy nhiên chỉ có 14/63 tỉnh, thành có tỉ lệ xã kết nối băng rộng ADSL đạt 100%. Nhiều tỉnh miền núi như Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng, Lai Châu có tỉ lệ ADSL rất thấp, dao động từ 27-34%.

Sự phân hóa vùng miền cũng thể hiện rõ ở những chỉ số còn lại trong bản điều tra. Cụ thể, đối với tỉ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định, bình quân cả nước là 41,7%. TP. Hồ Chí Minh là nước dẫn đầu cả nước với tỉ lệ 65%. Đáng chú ý, Quảng Ninh đã vượt Hà Nội để đứng ở vị trí số hai (60% so với 59%). Nhưng khi tham chiếu với một chỉ số quan trọng khác là mật độ điện thoại cố định (thuê bao/100 dân), thì lại lộ rõ nhiều vấn đề. Ở chỉ số này, An Giang là tỉnh có mật độ thấp nhất cả nước với vẻn vẹn 8,4 máy điện thoại/100 dân. Rất nhiều tỉnh, thành miền Trung và miền Tây Nam Bộ có mật độ điện thoại dao động dưới ngưỡng 15%, trong khi đó, dù có tỉ lệ hộ gia đình sở hữu điện thoại cố định không cao nhưng nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai lại có mật độ ở nhóm trung bình (trên 15%). Hà Nội và TP. HCM là hai địa phương có mật độ cao nhất cả nước nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức chưa quá bán (32,3 và 32 máy/100 dân).

Trong bảng chỉ số Hộ gia đình có máy thu hình (TV), thủ đô Hà Nội đã vượt lên đứng đầu danh sách với 97%. Bình quân cả nước ở mức cao 90,4% nhưng, một lần nữa, các tỉnh khu vực miền núi phía bắc như Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên lại đứng cuối danh sách với 61-65%.

Một chỉ số rất được quan tâm là tỉ lệ hộ gia đình có nối mạng Internet. Theo kết quả điều tra, sự phân hóa giữa các vùng, miền, địa phương, giữa các tỉnh, thành lớn với các địa phương khác là rất rõ rệt, khi địa phương dẫn đầu (TP. HCM - 33%) có tỉ lệ cao gấp 15 lần so với địa phương đứng chót bảng (Hậu Giang - 2%). Các tỉnh đồng bằng và các tỉnh miền núi đều "thấp đều" khi dao động quanh ngưỡng 3-5%. Có tới 45 trên tổng số 63 tỉnh, thành rơi vào nhóm "thấp đều" này. Hà Nội tuy đứng thứ hai trong danh sách song khoảng cách với TP. HCM cũng rất rộng (22% so với 33%).

Chỉ số Tỉ lệ hộ gia đình có máy tính cá nhân cũng không phải là ngoại lệ. Ở chỉ số này, một lần nữa TP. HCM lại khẳng định vị thế quan trọng, đầu tàu của mình với 44%, bỏ xa hai thành phố tiếp theo là Đà Nẵng (32%) và Hà Nội (28%). Tuy tỉ lệ bình quân cả nước là 12,6% nhưng có tới 46/63 tỉnh, thành có tỉ lệ sở hữu máy tính thấp dưới 10%. So với những tỉnh chót bảng như Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Lai Châu, Thái Bình, Hà Nam, Trà Vinh (đồng hạng 5%) thì địa phương dẫn đầu là TP. HCM có tỉ lệ cao gấp 9 lần.

Một điểm đáng chú ý nữa trong Báo cáo điều tra là Bình Dương đã vượt lên dẫn đầu cả nước về tỉ lệ người trong Hộ gia đình sử dụng ĐTDĐ với 57%, cao hơn TP. HCM (54%), Đà Nẵng (47%) và Hà Nội (45%). Tuy nhiên, tổng số thuê bao di động cụ thể của cả nước tính đến thời điểm hết năm 2010 là bao nhiêu thì không được tiết lộ với báo giới.

Phát biểu tại Lễ công bố kết quả điều tra, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền Thông Nguyễn Bắc Son cho biết đây là một hoạt động lớn của toàn ngành trong năm 2010 và những số liệu thu thập được là cơ sở quan trọng để giúp Bộ xây dựng, trình Chính phủ kế hoạch triển khai các dự án, Đề án lớn trong giai đoạn 2011 - 2015. Về phần mình, đại diện Ban soạn thảo cho biết đây là lần đầu tiên, Bộ triển khai một cuộc điều tra chuyên ngành với quy mô lớn trong thời gian gấp rút như vậy.

Một chuyên gia am hiểu lĩnh vực CNTT trong nước cho biết, số liệu thống kê được công bố sáng nay khá đầy đủ và phản ánh toàn diện những khó khăn mà các đề án phát triển ngành công nghiệp CNTT VN phải đối mặt. Khả năng tiếp cận công nghệ không đồng đều giữa các địa phương, với nhiều khu vực còn rơi trong nhóm "vùng lõm, vùng đói" về Internet, máy tính, điện thoại di động sẽ đặt ra rất nhiều bài toán cho các nhà hoạch định chính sách. Các chương trình lớn như đưa băng rộng tới với người dân nông thôn cũng chưa thực sự đạt được hiệu quả như kì vọng.

Từ ngày 1/6/2010, Bộ TT-TT đã tiến hành điều tra 63/63 tỉnh, thành phố, 697/697 huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, 11.111/11.111 xã, phường, thị trấn, 132.392/132.392 thôn, tổ dân phố; 14 doanh nghiệp viễn thông, Internet có hạ tầng mạng và 67/67 Đài Phát thanh Truyền hình.

Theo VietNamNet



Bình luận

  • TTCN (0)