Trước sự lớn mạnh của Google, Facebook và hàng loạt dịch vụ đa năng trên nền tảng mạng xã hội hiện nay, liệu 2 "lão già" AOL và Yahoo! có đủ lực để tạo dựng lại hình ảnh?

Có một thực tế khá khắc nghiệt là hầu hết công ty web từng suy sụp - như Yahoo! và AOL - không thể vực dậy. Sóng sau xô sóng trước, cuộc hôn nhân giữa AOL và Time Warner chính thức đổ vỡ hồi cuối năm 2010 sau 10 năm "đồng sàng dị mộng" là minh chứng hùng hồn cho sự lụi tàn của trào lưu "dot com". Giống Yahoo!, sự bảo thủ và khả năng quản lý yếu kém đã khiến AOL thực sự hụt hơi trong cuộc đua với Google, Facebook và nhiều dịch vụ trực tuyến khác. Đầu tháng 9/2011, đến lượt Yahoo! bất ngờ sa thải Giám đốc điều hành Carol Bartz bởi Hội đồng quản trị Yahoo! cho rằng Yahoo! đã không có được bước tiến rõ rệt nào trong việc cải thiện tình hình kinh doanh cũng như hình ảnh huyền thoại Yahoo! ngày nào vẫn tiếp tục "chìm nghỉm" sau hơn 2 năm lèo lái của "nữ tướng" này.

Theo Tạp chí BusinessWeek, không lâu sau khi Yahoo! "trảm tướng", Giám đốc điều hành AOL, ông Tim Armstrong bắt đầu tất bật "miệng điện, tay email" tới các ngân hàng, nhà đầu tư của Yahoo! để trình bày dự án sáp nhập AOL và Yahoo!. Về mặt lô-gic, bằng cách "hòa quyện" nội dung và khách hàng của 2 hãng này, Amstrong - từng là cựu chủ tịch bộ phận Google tại Mỹ - có thể xây dựng được một đế chế kinh doanh có khả năng tạo ra nhiều lợi nhuận hơn.

Một ý tưởng tuyệt vời, song tất cả vẫn chỉ là ý tưởng. Người đời thường có câu "3 cây chụm lại nên hòn núi cao", nhưng trên không gian mạng luôn đòi hỏi những gì mang tính đột phá thì 2 chú chim én Yahoo! và AOL xem ra khó lòng tạo ra mùa xuân mới.

Kịch bản tốt nhất được mong đợi, theo giới thạo tin, sẽ là Yahoo! đồng ý thâu tóm AOL và CEO của công ty mới sẽ không ai khác ngoài Armstrong. Tuy nhiên, có thể thấy, sự sáp nhập nếu có này, không giống bất kỳ sự hợp lực theo phong cách quản trị McKinsey, mang lại nhiều hy vọng cho hoài bão vực dậy AOL và Yahoo!. Ở thời điểm hiện tại, AOL và Yahoo! chưa thực sự bước chân vào cổng thiên đàng nhưng rõ ràng là biểu đồ nhịp tim đã gần như là đường thẳng. Những ngôi sao một thời như MySpace, Digg và RealNetworks cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Rõ ràng là lấy lại phong độ, hình ảnh và quan trọng nhất là hấp lực cho một dịch vụ web nói riêng - và trong trường hợp này 2 hãng khổng lồ trong ngành web nói chung - sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với việc "thay da đổi thịt" cho một chuỗi cửa hàng thuốc tây hay thương hiệu đồ ăn nhanh nào đó. Lý do ư? Thật đơn giản, thế giới công nghệ có những quy luật kinh tế riêng, và trong thế giới này, thành công được xây dựng trên những nỗ lực của toàn mạng lưới (nhiều người gọi đây là hệ sinh thái - ecosystem). Ví dụ, Apple trở thành một hãng "có giá" bậc nhất thế giới bởi có thể hiểu rằng khi người dùng mua máy nghe nhạc iPod thì hiển nhiên họ thích mua nhạc từ iTunes, tương tự với iPhone, iPad và thậm chí là những sản phẩm "quả táo" đang trong thời kỳ "thai nghén".

Trong khi đó, Google mỗi ngày bình thản "in tiền" nhờ cái gọi là tìm kiếm (googling) gần như đã trở thành nhu cầu thường nhật của hàng tỷ con người, và phần đông trong số hàng tỷ này hiếm khi chuyển sang sử dụng một dịch vụ khác một khi đã đăng nhập vào GMail, chia sẻ phim trên YouTube. Facebook cũng thế. Có thể nói, Google hay Facebook đã tạo ra nhiều tính năng ngay trong một dịch vụ duy nhất, hay nói cách khác là người dùng có thể chuyển đổi qua lại dễ dàng các dịch vụ ngay từ giao diện trình duyệt mà không cần phải đăng nhập lại. Liên thông giữa các dịch vụ không phải là cái gì đó gọi là sáng tạo, nhưng chí ít, Google và Facebook đã nhanh hơn dù chỉ là nửa bước chân.

Ảnh
Yahoo! vẫn sinh lợi trong những năm mà "nữ tướng" Bartz điều hành, một phần nhờ chiến lược cắt giảm chi phí, nhân sự được Bartz thực hiện triệt để.

Dẫu thế, Yahoo! và AOL vẫn có những cách truyền thông để tạo ra doanh thu với phân khúc khách hàng (quảng cáo) và người dùng riêng của mình vốn đang từng ngày bị Google và Facebook thôn tính. Khi cuộc chiến mạng xã hội bắt đầu, AOL và Yahoo! mới thấm thía câu nói "mạnh vì gạo, bạo vì tiền". Với ngân sách eo hẹp, AOL cũng như Yahoo khó lòng có được những kế sách chiêu dụ người dùng cũng như tranh giành những phân khúc thị trường mới.

Dưới thời Bartz, thời điểm bùng nổ trào lưu mạng xã hội và ứng dụng trên thiết bị, Yahoo! không có một sản phẩm mới đáng chú ý nào; tệ hơn nữa, từ tháng 8 vừa qua, sức mạnh tìm kiếm của Yahoo! được Microsoft Bing đảm nhận. Còn ở lĩnh vực quảng cáo trên thiết bị di động, Yahoo! gần như bóng chim tăm cá. Trước đó 1 năm, chính Bartz là người phát lệnh giao khâu phát triển máy tìm kiếm (search engine) cho Microsoft.

Ánh hào quang ngày nào xem ra đã và đang thực sự rời xa bộ đôi Yahoo! - AOL. Mọi chuyện đã quá trễ, mọi cố gắng đều trở nên vô vọng. Tuy nhiên, bài học từ Apple lại không ít thì nhiều khiến cổ đông AOL và Yahoo! hy vọng dù chỉ là chút ánh sáng nơi cuối ngõ cụt. Steve Jobs đã từng làm được điều hết sức kỳ diệu vào năm 1997 bởi vào thời điểm bấy giờ tình trạng của Apple thê thảm hơn Yahoo! bây giờ rất nhiều. Liệu kế sách của Steve - cắt giảm hơn nữa chi phí đồng thời tạo ra những cái chẳng giống ai - có thể áp dụng cho Yahoo! và AOL? Không có lời khuyên nào tốt cả, đặc biệt với thế giới công nghệ vốn luôn biến đổi và đòi hỏi những điều sáng tạo.

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (3)
Trương Nhật Trường  13

theo mình yahoo nên đồng ý lời đề nghị mua lại của Microsoft thì tương lai của Yahoo sẽ sáng sủa hơn, vì dù sao MS vẫn có 1 nguồn lực mạnh và sức sáng tạo, như win 8 chẳng hạn ...

Nguyen The Hao  11

Chưa quá muộn

Nhớ ngày nào máy mình còn sử dụng AOL player và Y!M thường xuyên mà giờ này hai "gã khổng lồ" đã bé tí lại. Mọi chuyện điều chưa quá trễ cho AOL và Y!M đâu, mọi cơ hội đều dành cho Yahoo và AOL trước khi suy nghĩ đến chuyện "bán mình", nhưng họ cần một CEO tài năng và những chiến lược sắc bén cụ thể chứ không phải chứ không phải việc phát triễn chậm chạp, yếu kém dưới thời Carol Bartz. Mong rằng Yahoo và AOL sẽ bắt tay nhau và tìm ra được một CEO và làm đc những gì mà Steve Jobs đã làm cho Apple sau 16 năm quay lại Apple

Trương Nhật Trường  13

có lẽ chúng ta đã quá thần tượng Steve Jobs mà quên đi thực tế là thế giới chỉ có 1 Steve Jobs. kinh doanh thì ko thể cứ mãi mơ mộng