Ngành công nghiệp báo chí đang trong tình thế gần giống ngành công nghiệp âm nhạc dù chẳng có mấy nhà báo “hát hò” ra hồn.
Các nhà báo đang hoang mang và hoảng sợ. Họ phải làm việc suốt ngày đêm để nhận được những đồng lương thấp hơn nhiều so với các ngành khác nhưng trách nhiệm xã hội lại lớn hơn mức họ tưởng tượng rất nhiều. Lĩnh vực mới mẻ nhất và non trẻ nhất (báo điện tử) của ngành công nghiệp này lại đang sống trong cảnh làm mà chẳng được trả tiền (thu phí). Chưa hết, ngành công nghiệp báo chí toàn cầu lại đang thay đổi nhanh đến mức chóng mặt. Nó thay đổi nhanh đến mức chính các nhà báo, những người làm việc hàng ngày trong ngành cũng chẳng biết điều gì đang diễn ra nữa. Báo in ngày càng ít độc giả, các chương trình truyền hình thì chẳng có cách gì kéo khán giả trở lại còn báo điện tử vẫn chưa thể tìm ra câu hỏi: Làm thế nào để độc giả chịu trả tiền cho những bài báo của họ?
Nói một cách khác, ngành công nghiệp báo chí đang trong tình thế gần giống ngành công nghiệp âm nhạc dù chẳng có mấy nhà báo hát hò ra hồn.
Và có lẽ đây chính là những lý do để ông Rick Stengel – Tổng biên tập điều hành của tạp chí TIME tổ chức một cuộc hội thảo về tương lai của báo chí (The Future of News) hôm 12/10 vừa qua. Hội thảo đã quy tụ được những gương mặt rất nổi tiếng như Joe McGinnis, tác giả của một loạt những bài phóng sự điều tra đình đám và những cuốn sách về chính trường Mỹ; Ayman Mohyeldin, phóng viên mảng tin tức quốc tế của đài truyền hình NBC News; Kara Swisher, người sáng lập và điều hành tờ báo công nghệ D: All Things Digital; James Warren, cựu tổng biên tập điều hành của tờ Chicago Tribune (đã phá sản) và hiện đang làm cho tờ New York Times và cuối cùng là một nhà quản lý của một tờ báo điện tử Evan Ratliff, đồng sáng lập kiêm biên tập viên của tờ The Atavist.
Theo ông Rick Stengel: “Ngày nay, thông tin đã nhiều hơn trước rất nhiều và cũng ngày càng có nhiều người được tiếp cận với thông tin nhưng chúng ta (các nhà báo) vẫn chưa có thời gian ngồi lại để tính toán xem làm thế nào để có thể yêu cầu mọi người trả tiền cho những thông tin đó. Quả thực đây là một vấn đề rất quan trọng bởi không ai có thể duy trì một ngành kinh tế mà không mang lại lợi nhuận. Các công ty truyền thông (báo chí) đã phải vật lộn với vấn đề này suốt 2 thập kỷ qua nên giờ đây đã đến lúc người ta phải tính toán lại trước khi tất cả cùng lôi nhau “xuống vực”. Số việc làm tại các tòa soạn đã giảm khoảng 1/3 so với 1 thập kỷ trước đây và thậm chí là cả một tập đoàn như The Tribune đã phải phá sản. Tuy nhiên, đừng đổ lỗi cho Internet”.
Quan điểm “không nên coi Internet là kẻ thù” và cần phải coi nó là một công cụ cần thiết của báo chí lập tức được các thành viên tham dự hội thảo tán đồng. Ayman Mohyeldin của đài NBC News khẳng định công nghệ là một công cụ và nó ra đời để giúp cho công việc của các nhà báo dễ dàng hơn, tác phẩm của họ có chất lượng cao hơn. “Tuy nhiên, chúng ta đang quên mất rằng có một sự khác biệt rất lớn giữa thông tin và kiến thức. Nếu một quả bom phát nổ ở Afghanistan, mọi người sẽ biết ngay sau vài giây thông qua Twitter, Facebook nhưng chắc chắn họ không biết quả bom đó có ý nghĩa thế nào? Vụ nổ đó có nguồn gốc từ đâu? Ai đã gây ra? Chuyện gì đang xảy ra ở đó?... Và đó là công việc của báo chí”, ông Ayman Mohyeldin nói.
Vị phóng viên kỳ cựu này thậm chí còn cho rằng đã đến lúc báo chí truyền thông cần phải quên đi cách làm báo cũ: Tập trung đưa tin mới nhất, nóng nhất (breaking news). Ông lấy ví dụ cách đưa tin của hàng loạt đài truyền hình về cái chết của Steve Jobs – nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc hãng công nghệ Apple: Sáng ngày 5/10, các tin tức về Steve Jobs bùng nổ trên các tờ báo nhưng có điều, hầu hết mọi người đều biết tin này thông qua màn hình điện thoại di động hay máy tính. Tin tức lan đi khắp thế giới nhanh như điện thông qua các nền tảng mạng xã hội nhưng rồi các đến tối ngày hôm đó, gần như tất cả các chương trình truyền hình đặc biệt về Steve Jobs vẫn đưa lại bài diễn văn mà ông này đọc tại lễ trao bằng tốt nghiệp của trường ĐH Stanford hồi năm 2005 như thể các nhà đài vừa mới khám phá ra.
“Họ đã quên mất rằng, đoạn video đó đã được chia sẻ hàng triệu lần trên Facebook. Hãy nói cho tôi biết, liệu đó có phải là một mô hình kinh doanh khôn ngoan hay không khi mà họ cứ cố nói cho tôi điều mà tôi đã biết từ lâu rồi”, Ayman Mohyeldin đặt câu hỏi.
Trong vụ này, tờ TIME đã có cách làm rất khôn ngoan khi quyết định không chạy đua với các tờ báo khác trong việc đưa tin nhanh về Steve Jobs mà thay vào đó là cho ra đời một ấn bản đặc biệt, khá đầy đủ về Steve Jobs trong vài giờ sau đó.
“Hãy nhớ rằng, dù bạn có nhanh đến đâu thì chỉ 2 ngày sau người ta đã không còn nói đến nó nữa. Nhiệm vụ của chúng tôi không phải là thông báo cho độc giả biết về cái chết của ông ấy mà chúng tôi phải nói về cuộc đời ông ấy, về việc ông ấy đã thay đổi thế giới của chúng ta ra sao và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo khi ông ấy không còn nữa. Nhu cầu của độc giả là vô cùng và việc biết một thông tin nào đó không thể ngăn cản họ muốn biết thêm nữa”, đại diện của tờ TIME nói.
Và đây cũng chính là tương lai của báo chí. Thông tin sẽ sản sinh nhanh hơn, đến tay độc giả nhanh hơn và giúp cho ngày càng nhiều người cất lên tiếng nói của mình. Trong số vô vàn những tiếng “hò hét” và những tít bài “giật gân”, sẽ luôn luôn có một vị trí cho những bài báo chau chuốt, sâu sắc, cẩn thận… những bài báo buộc độc giả phải dừng lại để đọc từ đầu đến cuối bất kể nó xuất hiện trên báo in hay báo điện tử.
Theo ICTnews
Bình luận