Để hỗ trợ người khuyết tật, trang Thông tin điện tử Bộ Thông tin – Truyền thông sẽ áp dụng nhiều tính năng mới như video có thuyết minh, đọc bài viết, phóng to phông chữ...
Phát biểu tại Lễ bàn giao sản phẩm nâng cấp Trang Thông tin điện tử Bộ Thông tin – Truyền thông diễn ra chiều nay tại Hà Nội, đại diện Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết, phần âm thanh đọc bài viết (text-to-speech) được thực hiện bằng công nghệ mới và hiện đại nhất hiện nay, cho phép đọc nhanh hơn và chất lượng âm thanh cũng tốt hơn so với các công nghệ truyền thống. Ngoài ra, trang Thông tin điện tử của Bộ đã được xử lí lại phần nội dung theo mã chuẩn HTML để hỗ trợ JAWS là phần mềm đọc màn hình hỗ trợ người khiếm thị.
Trước đây, Trang tin của Bộ chỉ mới đáp ứng một số tiêu chí hỗ trợ người khuyết tật theo dạng tự triển khai hoặc theo các tính năng sẵn có của chương trình/phần mềm. Tuy nhiên, tháng 5/2010, Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) đã kí hợp đồng tài trợ để Trang Thông tin điện tử Bộ Thông tin – Truyền thông được nâng cấp theo hướng thân thiện hơn với người khuyết tật, đảm bảo họ có thể tiếp cận và sử dụng một cách thuận tiện, dễ dàng.
Tính tới thời điểm này, ngoài Trang tin điện tử của Bộ Thông tin – Truyền thông, chưa có một website báo điện tử hay website Bộ, ngành, cơ quan Nhà nước nào khác áp dụng các công nghệ hợp chuẩn về hỗ trợ người khuyết tật. Một số phần mềm đọc bài viết hiện vẫn áp dụng theo cách truyền thống nên thời gian xử lí chậm hơn, âm thanh bị rè, nghe không rõ...
Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết, sau khi nâng cấp, Trang tin của Bộ sẽ là trang đầu tiên trong khối Bộ, ngành đáp ứng được Thông tư số 28 về áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng CNTT-TT.
Ông Bùi Song Toàn, Giám đốc VNAH gọi đây là một “sản phẩm nhỏ, đơn giản nhưng mang ý nghĩa rất lớn, bởi CNTT hiện là phương tiện vô cùng quan trọng để người khuyết tật cải thiện cuộc sống của mình: tìm kiếm thông tin, làm việc, học tập, hòa nhập xã hội...
Theo VietNamNet
Bình luận
Mình không hiểu website này hỗ trợ được người mù ở chỗ nào nữa. Phần đọc dựa trên công nghệ text-to-speech nói chung chất lượng chưa thể đáp ứng yêu cầu, nghe không thể hiểu nổi. Làm như báo Tuổi Trẻ (có người đọc riêng) sẽ chuyên nghiệp hơn nhiều.