Với hơn 80 triệu dân, Việt Nam được coi là đất nước có dân số trẻ, chính vì thế nước ta không chỉ là thị trường cung cấp mà còn là thị trường tiêu thụ tiềm năng cho nền công nghiệp phần mềm.
Doanh thu của ngành
Theo thống kê của Hiệp hội máy tính TP.HCM, tới thời điểm cuối năm 2002, giá trị phần mềm xuất khẩu mang lại là 20 triệu USD, doanh thu từ các sản phẩm phần mềm phục vụ trong nước đạt gần 65 triệu USD. Sang năm 2003, doanh thu từ phần mềm xuất khẩu tăng 50% (30 triệu USD), cao hơn mức tăng 38% doanh thu từ thị trường nội địa. Thị trường phần mềm gia công vẫn giữ được mức tăng trưởng 50% vào năm 2004, trong khi số lượng phần mềm sử dụng trong nước đem lại cho các doanh nghiệp mức doanh thu 125 triệu USD.
Năm 2006 có thể coi là năm rất thành công của công nghiệp phần mềm Việt Nam khi doanh thu của ngành đạt được trong năm là 360 triệu USD, bao gồm 105 triệu thu được từ xuất khẩu.
Có thể thấy trong 5 năm từ 2002 đến 2006, công nghiệp phần mềm Việt Nam thu được tổng số 985 triệu USD, trong đó bao gồm 275 triệu từ xuất khẩu. Doanh thu từ thị trường nội địa tăng ở mức cao, trung bình 40% mỗi năm, trong khi tỉ lệ tăng trưởng của xuất khẩu phần mềm gia công đạt hơn 50%.
Thị trường chính của phần mềm Việt Nam là Bắc Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu. Thị trường còn rất rộng lớn, tuy nhiên hiện nay chúng ta mới chỉ có 750 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó chỉ có gần 150 doanh nghiệp gia công xuất khẩu phần mềm, và hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
2015: Việt Nam phấn đấu thành nước cung cấp phần mềm lớn thứ 3 thế giới
Theo thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông, 37% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm tại nước ta có số lượng nhân viên dưới 20 người, 39% doanh nghiệp có số nhân viên dưới 50 người, chỉ 4% doanh nghiệp có hơn 200 nhân viên. Nhìn vào những con số trên có thể thấy chúng ta mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu của thị trường.
Để theo kịp với sự phát triển của thế giới, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ hơn nữa cho sự phát triển của công nghiệp phần mềm như: quyết định số 128/2000 QĐ-TTg về một số chính sách và biện pháp khuyến khích đầu tư, phát triển công nghiệp phần mềm; chỉ thị số 58-CT/TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quyết định 58; quyết định số 246/2005 QĐ-TTg về chiến lược phát triển CNTT và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; …
Với việc tạo môi trường thuận lợi cho ngành CNTT, đặc biệt là phần mềm, Việt Nam hi vọng tới năm 2015 sẽ đào tạo được gần 1 triệu kỹ sư CNTT và mức tăng trưởng của ngành đạt trung bình từ 30 đến 40%, trở thành nhà cung cấp phần mềm đứng thứ 3 trên thế giới chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc.
Khu phần mềm tập trung
Cùng với các biện pháp khuyến khích đầu tư và phát triển nguồn nhân lực đó, Nhà nước ta cũng rất quan tâm tới việc thành lập các khu công nghệ cao tập trung.
Đầu tiên phải kế tới Công viên phần mềm Sài Gòn (Saigon Software Park) được thành lập vào tháng 6/2000 với tổng vốn đầu tư 14,9 tỉ đồng. Nhờ cơ sở hạ tầng hiện đại, trung tâm đã thu hút đầu tư của hơn 30 doanh nghiệp trong và ngoài nước với số lượng kỹ sư làm việc tại đây đạt hơn 585 người. Các công ty xuất khẩu và phát triển phần mềm tại đây có: Crown Systems (Singapore), Data Design (Nhật Bản), …
Ngoài ra còn có Công viên phần mềm Quang Trung (Quang Trung Software Park) được thành lập vào năm 2001 theo Quyết định về việc thành lập và phát triển công nghiệp phần mềm trong giai đoạn 2000 - 2005 của Chính phủ. Đây là khu phần mềm tập trung lớn nhất Việt Nam, đã thu hút hơn 74 doanh nghiệp CNTT với tổng vốn đăng kí đầu tư là 30,4 triệu USD với hơn 6.300 nhân viên, trong đó bao gồm 42 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Trong số các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phần mềm tại đây phải kể tới công ty TMA Solutions. Được thành lập vào tháng 10/1997, đây là doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm gia công lớn nhất Việt Nam với lượng nhân viên lên tới hơn 750 người.
Bên cạnh sự phát triển của các công ty trong nước còn có các doanh nghiệp phát triển, gia công phần mềm của nước ngoài như: Digi-Texx (Đức) với 250 nhân viên, Global Cybersoft Inc (Mỹ) với 400 nhân viên, … Ngoài ra Công viên phần mềm Quang Trung cũng nhận được sự hỗ trợ từ Cisco, Sun Microsoft System và NIIT Ấn Độ trong các dự án phát triển nguồn nhân lực.
Tại miền Bắc có Khu công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập vào tháng 1/2007, tổng diện tích 1600 hécta tại tỉnh Hà Tây do FPT Hòa Lạc phát triển.
Các khu công nghệ tập trung khác như: Trung tâm phần mềm Cần Thơ (Cantho Software Center), Trung tâm phần mềm Hải Phòng (Haiphong Software Center), Công viên phần mềm Đà Nẵng (Danang Software Park), Trung tâm phần mềm Huế (Hue Software Center).
(Theo VTCNews)
Bình luận