Các nhà tư vấn CNTT là không thể thiếu được, và các chuyên gia tư vấn đám mây cũng không khác mấy so với các nhà tư vấn lâu nay bạn vẫn tiếp xúc. Nhưng trong lĩnh vực điện toán đám mây, vấn đề thương mại được ẩn sau rất nhiều ngôn từ mà bạn cần phải hiểu.

Dưới đây là một số có thể nhận biết.

"Dự án của bạn sẽ tận dụng nguồn tài nguyên bên ngoài"

Nhiều công ty có thể thuê ngoài hầu như mọi khâu, từ phát triển, kiểm tra, cho đến tổ chức dữ liệu, nhằm giảm thiểu chi phí trong khi vẫn đảm bảo lợi nhuận xuất phát từ những nhu cầu thực sự. Mặc dù như thế sẽ giúp rút ngắn thời gian của dự án, nhưng lại đem đến nguy cơ thông tin có thể sai lệch khi truyền đi giữa các nhân viên nội bộ và đội thuê ngoài. Hãy thận trọng với những dấu hiệu cho thấy chuyên gia tư vấn thiếu khả năng từ chối một yêu cầu đáng ngờ, và phủ nhận rằng có vấn đề về tính khả thi, chất lượng hay lịch trình.

Thêm một vấn đề nữa: bạn có thực sự muốn dữ liệu được gia công ngoài? Đối với nhiều tổ chức tài chính, đây là một kế hoạch tệ hại dù không hẳn là cấm hoàn toàn.

Hoặc như, khi nhà cung cấp nói với bạn: "dự án này có rất nhiều công đoạn chỉ cần nhân lực có trình độ thấp... mà chúng tôi đang sử dụng nhiều nhân công giá rẻ", hãy nghĩ xem nhà cung cấp này có thực sự là một nhà tư vấn, hay chỉ là một nhà thầu.

Giá chào thầu của họ có vẻ quá cao

Các dự án Quản trị quan hệ khách hàng (CRM) đòi hỏi tích hợp và móc nối nhiều nguồn dữ liệu hơn so với hầu hết các phần mềm doanh nghiệp khác. Việc tích hợp và hợp nhất dữ liệu vốn dĩ khá mù mờ về phạm vi và chi phí. Tệ hơn nữa, các dự án CRM thường đề ra các yêu cầu hoàn toàn lí thuyết, không phù hợp với thực tế kinh doanh. Và ngay cả nếu có chăng nữa, khả năng là các yêu cầu sẽ thay đổi trong vòng 18 tháng.

Với mức giá chào thầu cao, nhà cung cấp muốn nói rằng, hoặc là (1) họ không hứng thú với dự án này, hoặc (2) các yêu cầu của dự án là quá mơ hồ hay bị thổi phồng quá mức, vì vậy có rất nhiều rủi ro trong đó. Thường thì (1) là hệ quả của (2).

Trong các dự án đám mây, việc phân chúng ra thành các giai đoạn nhỏ kiểu phương pháp Agile (phát triển phần mềm linh hoạt) là cách làm khôn ngoan. Mỗi công việc có thể định được mức giá, nhưng toàn bộ dự án thì không thể. Tại sao? Bởi vì bạn không thực sự biết giá trị công việc của một số yêu cầu khi bạn bắt đầu. Vì bạn không hiểu rõ lợi ích nên không thể tính được ROI (Return On Investment – tỉ lệ hoàn vốn đầu tư). Thay vì liệt kê một danh sách dài các công việc không rõ chi phí, hãy thực hiện từng bước rành mạch, với giá cả rõ ràng. Chỉ chấp nhận chi tiền nếu nhìn thấy giá trị của công việc.

Cách làm như vậy sẽ thuyết phục được giám đốc tài chính. Bởi vì chi phí sẽ thấp hơn, và chỉ chi tiêu vào những chỗ bạn thực sự thấy giá trị công việc.

Nhà tư vấn từ bỏ khách hàng

Các nhà tư vấn thông minh biết rằng cần phải bỏ 10% khách hàng của họ mỗi năm. Nhà gia tư vấn có thể giới thiệu một công ty khác, hoặc đơn giản là từ chối hồ sơ dự thầu cho giai đoạn tiếp theo. Dù sao đi nữa, đó cũng là một thực tế.

Khi một nhà cung cấp bỏ đi, hẳn phải có vấn đề (về phía doanh nghiệp). Chẳng hạn, nếu để ý kĩ, bạn có thể thấy dự án có dấu hiệu thay đổi quá nhanh với những yêu cầu, nhân lực, hoặc mức độ ưu tiên. Hoặc như có nhiều chỉ đạo thiếu thống nhất hay ra quá nhiều chính sách sẽ khó có thể đạt được những kì vọng, hoặc không thể nào có được thời hạn kết thúc. Ngoài ra, có thể là vấn đề nguồn nhân lực nội bộ, hay những thói quen tồi tệ nhất đã bám sâu khó thay đổi.

Nhà tư vấn muốn đập bỏ và thay thế

Điều này có thể được diễn đạt bằng thuật ngữ như "tái kiến trúc" hoặc "nền tảng công nghệ mới. " Tuy nhiên, nó thực chất là "bắt đầu lại từ đầu", kèm theo những rủi ro và lợi ích. Tất nhiên, điều này có thể được kê toa chính xác... nhưng nó còn có nghĩa gì nữa?

Thường thì, nó có nghĩa là "chúng tôi không quen với công nghệ này" hoặc "các kĩ sư của chúng tôi không thích làm việc với nó”. Rõ ràng, bạn không muốn gắn bó với công nghệ đã cũ và lạc hậu, nhưng hầu như bất kì sản phẩm nào cũng có phiên bản mới hơn với nhiều cải tiến về giao diện và dùng những ngôn ngữ mới. Bất cứ khi nào bạn nghe thấy đề nghị đập bỏ và thay thế, hãy hỏi, về cơ bản công nghệ hiện tại chưa đạt được điều gì. Nếu bạn nhận được lời giải thích hợp lí thì chấp nhận. Nếu không, hãy chất vấn. Xem liệu vấn đề thực sự có phải là "nhà cung cấp chưa có những nhà thầu phụ thích hợp".

Nhà tư vấn tăng đơn giá theo giờ

Tùy thuộc vào việc họ là ai và từ đâu tới, điều này truyền tải những thông điệp khác nhau. Nhân tài thực sự đang rất thiếu. Chỉ riêng các “ông lớn” như Google, Facebook, Zynga, và LinkedIn đã đủ để hút sạch tất cả các nhà phát triển Java và Ruby.

Điều này khiến chi phí tư vấn ngày càng cao và các nhà tư vấn được thể để “kén cá chọn canh”. Vấn đề chính đối với bạn là xem xét cùng với sự tăng giá, nhà tư vấn có thực sự cung cấp nhiều giá trị hơn (bằng cách tăng cường nhân lực của họ cả về số lượng và trình độ), hoặc là họ có sẵn sàng cam kết bám sát hơn dự án và đảm bảo các tiêu chí về chất lượng? Nếu không, bạn có thể cần phải tìm đối tác khác thay thế.

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (0)