Bạn đang có ý định sắm cho mình chiếc tablet có mức giá phù hợp để học tập và giải trí, nhưng vẫn đang phân vân và chưa biết lựa chọn sản phẩm nào?
Archos 101 G9 là một sản phẩm được thiết kế đáp ứng tốt khả năng giải trí mạnh mẽ với màn hình kích thước lớn, hỗ trợ cổng xuất video HDMI, có thể điều khiển từ xa từ một điện thoại Anrdoid …. Nhưng liệu đây có phải là sản phẩm tốt với mức giá hợp lí, bài viết sau sẽ giúp bạn tìm hiểu về điều đó.
Thiết kế
So với hầu hết các máy tính bảng có cùng kích thước màn hình thì Archos 101 G9 trông khá nhỏ gọn với kích thước 226x155x13 mm và trọng lượng 635 gram. Trong khi hầu hết các mẫu tablet hiện nay được thiết kế bóng bẩy và đẹp mắt thì Archos 101 G9 lại có vỏ bọc bằng nhựa màu xám khá đơn giản vì vậy thật sự trông không ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Dù tương đối nhỏ gọn nhưng G9 101 vẫn dày hơn so với iPad 2 và Samsung Galaxy Tab 10.1 (đều dày 8,6 mm), trong khi đó Sony Tablet S có chiều dày chỉ trong khoảng từ 8 đến 19 mm. Phiên bản được thử nghiệm sử dụng ổ SSD dung lượng 8 GB, nhưng Archos cũng sẽ có sẵn phiên bản ổ cứng lên tới 250 GB, đây cũng là mức dung lượng ổ cứng lưu trữ lớn nhất trong số các máy tính bảng Android hiện nay. Chính điều này lại làm cho máy dày hơn với kích thước 15 mm và nặng hơn với trọng lượng 771 gram. Trong khi Asus Eee Pad Transformer đi kèm bàn phím nhưng chỉ có kích thước 272x175x13 mm và trọng lượng chỉ 635 gram.
Archos cũng cho biết model này còn được tăng cường bằng một khung thép ngay phía dưới lớp vỏ nhựa nhưng trong thực tế, chỉ cần ấn nhẹ ngón tay lên màn hình là đủ để gây ra hiện tượng nhấp nháy màu trắng trên màn hình. Khi cầm máy sử dụng ở chế độ cầm ngang, cạnh bên trái của máy nơi các ngón tay thường xuyên thao tác thật sự không thoải mái do máy khá nóng chỉ sau một vài phút sử dụng.
Máy cũng có các cổng kết nối tiêu chuẩn, trong đó có một nút chỉnh âm lượng bên phải, một camera ở mặt trước. Một cổng microUSB, đầu đọc thẻ micro SD, giắc cắm tai nghe, nút nguồn và cổng kết nối mini HDMI ở cạnh bên trái. Loa tích hợp của máy lại được bố trí ở mặt sau cùng với một chân đế đỡ.
Màn hình và âm thanh
Nếu bạn thích tablet màn hình lớn thì bạn sẽ hài lòng với màn hình 10,1 inch của Archos 101 G9. Tương tự như Samsung Galaxy Tab 10.1 và Motorola Xoom màn hình hiển thị của máy có độ phân giải khá cao 1280x800. Hình ảnh hiển thị trên model này khá tươi sáng nhưng màu sắc bị rửa trôi.
Âm thanh trên Archos 101 G9 là tương đối lớn nhưng không mấy ấn tượng. Âm bass nhỏ khi thể hiện các bài nhạc cổ điển, ghi ta. Tuy nhiên mức âm lượng là vừa đủ để lấp đầy một căn phòng có kích thước tiêu chuẩn.
Phần mềm và giao diện
Được cài đặt sẵn hệ điều hành Android 3.2 Honeycomb nên Archos 101 G9 có khả năng tuỳ biến cao. Màn hình home với các widget đa phương tiện, shortcut ứng dụng... Cũng giống như trên các thiết bị chạy Honeycomb khác, máy luôn xuất hiện một thanh thông báo nằm ở phía dưới của màn hình và các phím chức năng: Back, Home, danh sách các ứng dụng vừa chạy. Góc bên phải màn hình là nơi hiển thị các thông tin của máy như sóng mạng, pin, ngày, thời gian... Kể cả các thông báo khác cũng hiển thị ở đây.
Bàn phím
Archos 101 G9 sử dụng bàn phím mặc định của Android, các phím có kích thước lớn nên người dùng dễ dàng để nhập liệu nhưng không cung cấp nhiều các tính năng đặc biệt. Các kí hiệu thường được sử dụng như dấu phẩy, @, .com... bạn phải nhấp vào phím dấu chấm câu để truy cập các lựa chọn đó, bên cạnh đó các phím ảo cung cấp thông tin phản hồi độ rung cũng không thật sự tốt. Tuy nhiên với hệ điều hành nguồn mở như Android thì người dùng còn có vô số các bàn phím khác để cài đặt thay thế nếu muốn.
Ứng dụng và đa phương tiện
Phần mềm chơi nhạc và ứng dụng xem video có giao diện sử dụng đơn giản và giữ nguyên giao diện mặc định của Android 3.2. Với ứng dụng chơi nhạc, người dùng có thể phân loại các bài hát của mình theo ca sĩ, album, thể loại nhạc … tuy nhiên với những bài nhạc được nhúng hình ảnh từ liên kết bên ngoài vào trong file nhạc thì hình ảnh đã không hiển thị với thông tin album. Ứng dụng chơi video cũng được cung cấp các chức năng tương tự với các mục sắp xếp như: vừa thêm vừa xem, Video và TV shows.
Với ứng dụng Archos thì người dùng có thể truy cập vào thư viện nhạc và video trên các thiết bị trong cùng một mạng gia đình thông qua giao thức SMB hay UPnP. Stream nhạc và video từ cả máy tính Apple MacBook Pro hoặc máy tính xách tay chạy Windows 7 có cùng kết nối với bộ định tuyến không dây.
Ngoài khả năng hỗ trợ các định dạng multimedia thông dụng như: MP3, WAV, AAC, AVI, MPEG4, Xvid … thì Archos 101 G9 cũng có thể chơi cả HD H.264 hay cả các định dạng audio ít gặp như OGG Vorbis và FLAC và dễ dàng thực hiện chỉ với thao tác kéo thả.
Tương tự như nhiều tablet hiện nay Archos cũng được cung cấp ứng dụng Remote Control cho phép người dùng điện thoại Android có thể điều khiển máy thông qua mạng Wi-Fi. Sử dụng cổng mini HDMI và cáp kết nối người dùng có thể thưởng thức các nội dung video trên màn hình HDTV có kích thước đến 46 inch với hình ảnh hiển thị khá sắc nét. Nhưng khi xem một đoạn video HD trực tuyến trên trang Netflix thì chất lượng hình ảnh khá tồi.
Người dùng cũng sẽ được cài đặt sẵn các ứng dụng Google tiêu chuẩn đi kèm hệ điều hành Honeycomb gồm: Gmail, Talk plus Music và Movie Studio. Đồng thời Archos 101 G9 cũng có thể cập nhật phiên bản mới nhất cho hầu hết các ứng dụng cài đặt sẵn trên máy thông qua Android Market, trong đó còn cung cấp cả ebook và hơn 200.000 ứng dụng miễn phí để tải về sử dụng.
Video Chat
Không giống như máy tính bảng trên thị trường, Archos 101 G9 thiếu một camera phía sau, nhưng camera phía trước có thể quay video HD 720p (1280x720). Hình ảnh hiển thị trong file video không thật sự ấn tượng, nổi hạt và màu sắc khá nhạt.
Thực hiện cuộc gọi video qua Google Talk là khá dễ, tuy nhiên hình ảnh hiển thị có chất lượng thấp, có hiện tượng nói lắp và âm thanh không được đồng bộ khi hai người nói chuyện liên tục.
Hiệu suất
Máy được trang bị BXL lõi kép Texas Instruments Cortex A9 xung nhịp 1 GHz được hỗ trợ bởi bộ nhớ RAM 512 MB. Sử dụng phần mềm Linpack để kiểm tra tốc độ xử lí cho máy đạt điểm số 37,5, cao hơn 4 điểm so với điểm số trung bình của hầu hết các tablet tầm trung hiện nay, benchmark CPU cũng đạt 2.880 điểm, cao hơn 172 điểm so với số điểm trung bình của các dòng tablet tầm trung hiện nay. Tuy nhiên chừng đó vẫn không thể so sánh được với Samsung Galaxy 10.1, Asus Eee Pad Transformer và Motorola Xoom đều sử dụng chip Tegra 2 và điểm benchmark CPU đạt đến 3.057, 3.125 và 2.996 điểm tương ứng.
Khả năng đồ họa của máy cũng khá tốt khi đạt 7.378 điểm khi kiểm tra sức mạnh đồ họa của máy bằng ứng dụng An3DBench. Điểm số này là cao hơn 341 điểm so với điểm số trung bình của tablet, nhưng lại chậm hơn so với Eee Pad Transformer (8.579), Galaxy Tab 10.1 (7.616) và Motorola Xoom (7.571).
Trong quá trình sử dụng các ứng dụng mở khá nhanh, thao thác mượt mà. Độ trễ ít, chơi Game Angry Birds rất mượt mà và máy có thể chơi film định dạng HD 720p mà không gặp phải khó khăn nào.
Tuổi thọ pin
Pin đi kèm Archos 101 G9 có thời gian sử dụng chỉ 5 giờ 59 phút sau khi đã sạc đầy (lướt web thông qua Wi-Fi), ít hơn khoảng 1 giờ so với thời gian trung bình là 6 giờ 57 phút của hầu hết các tablet nền tảng Android. Trong khi phiên bản Wi-Fi của Samsung Galaxy Tab 10,1 có thời gian sử dụng lên đến 8 giờ 23 phút, Motorola Xoom là 8 giờ và Asus Eee Pad có thời gian sử dụng pin dài nhất với 8 giờ 30 phút.
Tùy chọn cấu hình
Với Archos 101 G9 người dùng có thể tuỳ chọn phiên bản 8 GB, BXL lõi kép Cortex A9 xung nhịp 1 GHz. Ngoài ra còn có phiên bản 16 GB với CPU nhanh hơn 1,2 GHz và cuối cùng là phiên bản ổ cứng dung lượng lên đến 250 GB, sử dụng BXL lõi kép Cortex A9 xung nhịp 1,2 GHz.
Kết luận
Có thể nói Archos 101 G9 cung cấp khá nhiều tính năng tốt và đặc biệt là mức giá phù hợp khoảng 8.800.000 VNĐ (phiên bản 8 GB) hoặc 13.000.000 VNĐ (phiên bản 250 GB). Tuy nhiên thiết kế không đẹp, thời gian sử dụng pin ngắn và nhiệt độ khi hoạt động cao sẽ là những điều mà người dùng cần cân nhắc.
Nếu kinh phí tốt hơn, người dùng có thể cân nhắc lựa chọn Samsung Galaxy Tab 10.1 phiên bản Wi-Fi, 16 GB với hiệu suất nhanh và tuổi thọ pin tốt hoặc Asus Eee Pad Transformer phiên bản 16 GB có giá khoảng 11.500.000 VNĐ cho phiên bản 16 GB hoặc iPad 2 của Apple có thiết kế ấn tượng và hiệu suất tốt.
Ưu điểm
- Giá phù hợp.
- Màn hình kích thước lớn.
- Hiệu suất tốt.
- Cổng xuất video HDMI.
- Hỗ trợ ứng dụng điều khiển từ xa.
Nhược điểm
- Hình ảnh hiển thị màu sắc khá nhạt.
- Thiết kế không bắt mắt.
- Tuổi thọ pin ngắn.
- Ứng dụng điều khiển từ xa không điều khiển được âm lượng.
- Nhiệt độ cao.
Theo Laptopmag
Bình luận