Ca sĩ Thái Thùy Linh đã lên tiếng “tố” 8 website âm nhạc vi phạm bản quyền và đòi bồi thường 400 triệu đồng cho Album “Bộ đội”.

Từ trước đến nay, bản quyền nhạc số vẫn gây nhiều tranh cãi và chưa có một sự thống nhất. Ngoài Thái Thùy Linh, mỗi khi nhắc đến chuyện vi phạm bản quyền, giới nghệ sĩ đa số còn tâm lí e ngại kiện tụng.

Tthậm chí có ca sĩ còn tỏ ra bi quan theo kiểu "con kiến đi kiện củ khoai".

Trong chương trình “Nhân vật và sự kiện Thông tin và Truyền thông” trên kênh VTC 2 ngày 30/10, luật sư Phạm Thanh Thủy, Trưởng phòng cấp phép Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam, cho biết, việc xâm phạm quyền tác giả trong môi trường Internet gây hậu quả rất nghiêm trọng vì tốc độ lan truyền và hành vi xâm phạm diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn. Ngoài trường hợp của Thái Thùy Linh, Trung tâm còn nhận được đơn khởi kiện, khiếu nại của tác giả Vũ Trọng Long, người vừa đạt giải Bài hát Việt 2011, về việc ca khúc của Long bị đưa lên mạng khi chưa được sự đồng ý của tác giả hay tác giả Đỗ Quốc Hưng, khiếu nại về việc hơn 10 album của anh được phát hành trực tuyến mà chưa được phép, dẫn đến việc album không tiêu thụ được.

Tuy nhiên, đó chỉ là số ít trong số rất nhiều câu chuyện liên quan đến việc vi phạm bản quyền nhạc số ở Việt Nam và đa số khi nhắc đến chuyện này thì đều có tâm lí e ngại kiện tụng, thậm chí một số người còn tỏ ra bi quan. “Nhưng nếu chúng ta không đi thì sẽ không bao giờ đến đích được và cứ thấy ngại, khó khăn là dừng lại thì sẽ không bao giờ có Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc như ngày hôm nay”, luật sư Thủy cho biết thêm.

Ngoài ra, nếu ca sĩ, nghệ sĩ Việt Nam không khởi kiện thì các ca sĩ quốc tế cũng sẽ làm và cơ quan quản lí nhà nước không thể tránh được việc này. Bằng chứng là Hiệp hội Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) đã gửi rất nhiều công văn đến Nhà nước Việt Nam để khởi kiện. Vì thế, nếu chúng ta cứ tiếp tục e ngại thì đến bao giờ Nhà nước mới thấy đến lúc cần phải có trung tâm bảo vệ quyền lợi cho người biểu diễn.

“Do đó, các ca sĩ, nghệ sĩ nên chung tay với nhau để cùng bảo vệ quyền lợi của mình thay vì có tâm lí e ngại”, luật sư Thủy nhấn mạnh.

Câu chuyện bản quyền nhạc số không phải bây giờ mới được nói đến, nó đã được nói đến rất nhiều từ năm 2005, khi mà thói quen nghe nhạc online bắt đầu được định hình trong cộng đồng người Việt. Câu chuyện này lại tiếp tục nóng lên khi hồi đầu tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên một ca sĩ như Thái Thùy Linh đã lên tiếng “tố” 8 website âm nhạc vi phạm bản quyền và đòi bồi thường 400 triệu đồng cho Album “Bộ đội”.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)