Có một sự thật rằng tất cả các công ty điện thoại đều biết bạn đang ở đâu, bạn đang truy cập trang web nào, bạn đã tải những ứng dụng gì, đã xem các video gì.
Họ biết tất cả những thứ bạn làm với chiếc điện thoại của mình, và một số công ty đã bắt đầu bán những thông tin có giá trị đó cho bên nào trả giá cao nhất.
Vào giữa tháng 10, Verizon Wireless đã thay đổi chính sách bảo mật của mình, theo đó công ty có quyền thu thập các thông tin về địa chỉ của người dùng, về lịch sử duyệt Web, cùng với các thông tin cá nhân khác như giới tính và tuổi, tổng hợp thông tin của hàng triệu khách hàng và bán ra cho một cơ sở nặc danh.
Các thông tin như vậy có thể rất hữu ích và rất hấp dẫn, đối với các công ty thuộc bên thứ 3. Ví dụ, nếu một chủ doanh nghiệp nhỏ muốn tìm địa điểm tốt nhất để mở một cửa hàng, anh ta có thể mua các báo cáo thị trường từ Verizon về các khu vực cụ thể. Báo cáo có thể chỉ ra khu vực nào có lưu lượng xe hơi và mức tiêu thụ đồ ăn lớn nhất và dựa vào lịch sử duyệt Web của khách hàng để chỉ ra những người đang sở hữu vật nuôi.
Verizon là nhà cung cấp dịch vụ di động đầu tiên công khai thừa nhận việc bán thông tin liên quan đến khách hàng nhằm mục đích thương mại. Tuy nhiên chắc chắn rằng đó không phải là trường hợp duy nhất. Ngay cả AT&T, Sprint và T-Mobile, 3 nhà cung cấp dịch vụ di động lớn hàng đầu ở Mỹ cùng với Verizon đều khẳng định rằng dữ liệu về các thuê bao không bao giờ được đặt vào tay các công ty thứ 3 nhưng tất cả họ đều kiếm tiền dựa vào các thuê bao đó.
Theo phát ngôn viên của Sprint, Jason Gertzen, công ty của họ cũng thực hiện công việc tương tự như Verizon. Họ theo dõi các địa chỉ trang web mà người dùng truy cập trên điện thoại của họ, cũng như các ứng dụng mà họ sử dụng. Sau đó Sprint cũng cấp cho bên thứ ba nhằm tìm ra các quảng cáo thích hợp cho các đối tượng người dùng. Tuy nhiên cách của Sprint có một sự khác biệt: họ không kết hợp các thông tin về địa điểm cũng như việc lướt web hiện tại của người dùng, trong khi Verizon thậm chí còn khai thác cả các thông tin về địa chỉ nhà và nhân khẩu.
T-Mobile từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể về các loại thông tin mà công ty bán hoặc chia sẻ. Mặc dù chính sách bảo mật của T-Mobile cho thấy rằng công ty không tiết lộ thông tin khách hàng, nhưng phát ngôn viên của T-Mobile thừa nhận tằng họ thu thập thông tin về các trang web mà người dùng đã truy cập và cả vị trí của họ và sử dụng các thông tin đó để “cải thiện các dịch vụ của chúng tôi”.
Việc bán thông tin của khách hàng là một thực trạng đã tồn tại từ lâu và chắc chắn không chỉ diễn ra trong ngành công nghiệp không dây. Brian Kennish, một cựu kĩ sư của DoubleClick, người đã phát triển hệ thống quảng cáo qua điện thoại, nhấn mạnh rằng các công ty mạng không dây đã chia sẻ thông tin người dùng cho bên thứ ba đã hơn một thập kỉ nay.
Vì sao họ cần phải theo dõi bạn?
Kỉ nguyên của smartphone đã cho các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động một kho tàng các thông tin thị trường béo bở. Các tiện ích ngày càng mang tính theo dõi cá nhân hơn bất kì sản phẩm nào khác trên thị trường.
Các nhà cung cấp mạng không dây đang khai thác triệt để mỏ vàng quý giá này.
Nasir Memon, một giáo sư về khoa học máy tính của Đại học New York, cho rằng “chúng ta đang ở một thời kì mà khách hàng chính là sản phẩm mà các công ty mạng không dây đang kinh doanh. Họ đang tạo ra một sân chơi để thu hút khách hàng và sau đó bán họ cho các nhà quảng cáo. Người dùng chính là dạng kinh doanh mới của họ”.
Thị trường quảng cáo thật sự còn rất nhiều chỗ để khai thác. Một khảo sát đã dự đoán doanh thu quảng cáo trực tuyến của Mĩ sẽ đạt 42,5 tỉ USD vào năm 2015.
Google và Facebook đang vật lộn với việc đăng kí cho các dịch vụ mới của họ như Facebook Places, Google Wallet và Google Places nhưng với các thông tin về khách hàng sử dụng smartphone trong tay, các nhà cung cấp mạng không dây đang có lợi thế hơn.
Verizon đã tiết lộ chiến lược của cả một ngành công nghiệp. Chiến lược này còn hơn cả một vật cản đối với GPS. Có một nguồn lợi rất lớn ở đây, các công ty mạng không dây sẽ cố gắng kiếm càng nhiều càng tốt, và cuối cùng là thống trị thị trường quảng cáo. Verizon là công ty đầu tiên thừa nhận, nhưng chắc chắn rằng tất cả các đối thủ cạnh tranh đều đang làm tương tự.
Ít ra Verizon đã nhận được những phản hồi tốt về những tổ chức bảo vệ quyền riêng tư, trong việc công khai những gì họ đang làm, cho phép người dùng từ chối nếu họ không muốn tham gia nhưng cũng không ít ý kiến lo ngại về đường lối kinh doanh của công ty.
Kennish, người sở hữu công cụ bảo mật Disconect, đã nói rằng “Những trang web mà chúng ta xem, những tìm kiếm mà chúng ta thực hiện, tất cả những gì riêng tư nhất đều được ghi lại. Nếu Verizon thành công, tôi chắc chắn những công ty khác sẽ làm theo. Bất chấp những cuộc thảo luận về vấn đề bảo mật trong thời gian gần đây, mọi sứ sẽ chỉ tệ hơn mà thôi”.
Theo CNN
Bình luận