Ảnh: News.com.

Cuối cùng thì hai dự án nguồn mở lớn cũng đơm hoa kết trái trong năm 2007, trở thành tiêu điểm của báo giới sau biết bao nhiêu nỗ lực và gian nan thử thách.

Máy tính giá rẻ dùng Linux 

Đầu tiên, phải kể đến dự án máy tính giá rẻ Mỗi trẻ em một laptop (OLPC) chính thức xuất xưởng lô hàng đầu tiên, dù chậm hơn kế hoạch ban đầu vài tháng và mức giá bán ra cũng đắt gần gấp đôi so với mục tiêu (200 USD so với 100 USD). Dự án này đã có một năm 2006 khá chông gai, sau khi đơn đặt hàng từ Chính phủ Nigeria bị hủy bỏ vào những phút cuối. Nước này đã quyết định từ bỏ OLPC để chạy theo mẫu máy tính Classmate giá rẻ (hơn 200 USD) của Intel.

Được khởi xướng từ năm 2005, những cỗ laptop dựa trền hệ điều hành nguồn mở Linux đã tạo ra cả một xu hướng mới trong thị trường máy tính và bán lẻ thế giới. Asus cũng phát triển một mẫu máy tính xách tay cạnh tranh mang tên Eee với giá bán 350 USD.

Wal-Mart thì giới thiệu với người tiêu dùng Mỹ mẫu máy tính Ubuntu Linux giá 200 USD, và sản phẩm này bán hết veo chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần. Ai dám bảo máy tính giá rẻ chỉ thu hút những thị trường đang phát triển?

Mặc dù vậy, OLPC vẫn ký kết được một số hợp đồng quan trọng, đáng chú ý là việc chính phủ Peru đặt hàng 260 000 laptop trong năm 2008. Ngay gã khổng lồ chip Intel cũng đã thay đổi thái độ, từ chỗ hết lời mỉa mai quay sang ủng hộ dự án giá rẻ này.

GPLv3: đòn đánh trực diện vào Microsoft

Dự án nguồn mở quan trọng thứ hai chính là sự ra mắt của Giấy phép Chung (GPL) sau 18 tháng dự thảo trầy trật, một "thành tựu" khiến cho Microsoft phải mất ăn mất ngủ.

Quỹ Phần mềm Miễn phí (Free Software Foundation) chất vấn Microsoft rằng, giấy phép mà hãng này bán cho các khách hàng của Novell SuSE có thực sự "hợp pháp" hay không, và có đủ thẩm quyền để xác nhận Microsoft là một "nhà phân phối Linux" hay không.

Nếu mặc nhiên thừa nhận mình là một "nhà phân phối mã nguồn mở", Microsoft sẽ phải tuân thủ GPL phiên bản 3.0, đồng thời phải cấp giấy phép sử dụng công nghệ miễn phí cho cộng đồng Linux. Như thế cũng đồng nghĩa với Microsoft không còn cơ hội "mở miệng đòi tiền" khách hàng Novell SuSE nữa.

Việc Giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer lớn tiếng dọa dẫm người dùng Linux về tội "xâm phạm bằng sáng chế công nghệ", xem chừng đã vấp phải một hòn đá tảng lớn mang tên GPL.

Những tín hiệu vui

Một động thái nữa làm nức lòng cộng đồng Linux trong năm 2007, chính là việc hãng máy tính Dell của Mỹ quyết định chào bán thêm 3 model PC cài sẵn hệ điều hành nguồn mở, sau những số liệu đáng khích lệ về tốc độ tiêu thụ và sức cầu thị trường dành cho sản phẩm này. Phiên bản Linux mà Dell sử dụng là Ubuntu của Shuttleworth.

Việc Linux bắt tay được với Dell là một "thắng lợi giòn giã" của phần mềm nguồn mở, dẫu rằng Ubuntu chưa thể đáp xuống danh mục sản phẩm của HP và 5 hãng PC hàng đầu thế giới khác, ngoài Dell.

(Theo Trọng Cầm - Vietnamnet)



Bình luận

  • TTCN (0)